Bé bị muỗi đốt, côn trùng cắn, xử lý sao cho đúng?



(BaoveNTD) - Cơ thể trẻ rất dễ thu hút những loài côn trùng hay muỗi cắn nên các bậc cha mẹ cần phải trang bị kiến thức xử lý sao cho những vết cắn không bị nhiễm trùng hoặc để lại sẹo trên da trẻ.

Việc bé bị muỗi, kiến hoặc côn trùng cắn là chuyện rất hay xảy ra với các bé. Muỗi cắn có thể làm bé bị đỏ trên da một chút rồi hết, nhưng  có bé bị đỏ nhiều, ngứa ngáy làm bé gãi riết thành nhiễm trùng và thành sẹo.

Đối với bé bị đỏ nhiều là do cơ địa dị ứng với nước bọt của muỗi.

Da bé mềm, mỏng nên cũng rất nhạy cảm với một số hóa chất tiết ra từ vết cắn của côn trùng mà có những biểu hiện triệu chứng từ nhẹ đến nặng khác nhau.

Có bé thì chỉ ngứa, đỏ bình thường, nhưng có bé sẽ sưng và xuất hiện bội nhiễm hoặc nhiễm trùng cơ hội (gây bệnh lý chốc lở), hoặc có bé sẽ nóng sốt (có thể do dị ứng diễn ra). 

Cách xử lý khi bị côn trùng đốt hay cắn:

- Rửa vết cắn bằng nước sạch 3 lần (đổ nhẹ nước lên vùng bị cắn). (chỉ áp dụng cho vết cắn không bị chảy máu).

- Dùng khăn nhúng nước lạnh đắp lên vết cắn 20 phút để giảm nhẹ sưng và làm bé dễ chịu.

- Cắt ngắn móng tay của bé để hạn chế bé gãi gây lở và đỏ vết cắn.

- Nếu diễn ra tình trạng sưng đỏ và đau, có thể dùng kem thoa chứa hydrocortisone (1%) hoặc bột nổi pha với  ít nước tạo dạng hồ sệt đắp lên vết cắn. Nhiều nữa thì bôi các loại kem giữ ẩm, ngứa quá thì bôi loại thuốc có chứa corticoide liều thấp (hiếm khi cần), hoặc nặng hơn thì uống thuốc giảm ngứa, thuốc chống dị ứng.

- Tình trạng không giảm nhẹ sau vài ngày thì nên tư vấn bác sĩ.

- Không thoa dầu lên vết cắn.

- Khi vết đốt nằm ở những điểm nguy hiểm như miệng hoặc cổ hoặc bị đốt hơn 10 chỗ nên nhờ đến sự tư vấn bác sĩ. 

- Khi thấy bé có biểu hiện mệt mỏi, sưng đỏ, triệu chứng phức tạp, khó thở gia tăng sau 24 giờ bị đốt, nên tư vấn bác sĩ.

- Đa phần các trường hợp vết cắn sẽ tự lành sau vài ngày.

Nếu bé không khó chịu, đừng làm rối lên hoặc thoa lung tung làm ảnh hưởng đến vết chích.

Xuân Anh Lê