Bé gái tử vong vì chữa ung thư bằng thực dưỡng: Bác sĩ đầu ngành nói gì?

Được chuẩn đoán ung thư máu, mẹ bé gái 30 tháng tuổi ở Thái Nguyên đã quyết định chữa bệnh cho con bằng “thực dưỡng” và cái kết đau lòng.

Bé gái 30 tháng tuổi tử vong vì chữa ung thư bằng thực dưỡng

Đó là trường hợp của bé gái ở Thái Nguyên, mới hơn 30 tháng tuổi, được Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chuẩn đoán “theo dõi Leukemia cấp – ung thư máu dạng cấp”. Bệnh viện cũng đưa ra lời khuyên và đề nghị chuyển bệnh nhi về Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để điều trị tiếp.

Tuy nhiên, thay vì điều trị theo phương pháp Tây y, mẹ cháu bé đã quyết định chọn phương pháp thực dưỡng để chữa bệnh cho con. Theo đó, mẹ cháu bé đã tìm tới một nhân vật bán hàng thực dưỡng trên mạng xã hội, có địa chỉ tại Đăk Nông, để theo chữa bệnh.

be-gai-tu-vong-vi-chua-ung-thu-bang-thuc-duong-bac-si-dau-nganh-noi-gi94647

Hình ảnh được "thánh thực dưỡng" tự phong dùng để quảng cáo phương pháp chữa ung thư máu bằng thực dưỡng.

Người bán hàng này đã khẳng định rằng, ung thư máu ở trẻ em chỉ là thách thức với Tây y chứ với phương pháp thực dưỡng thì không có gì khó khăn. Người này cũng khẳng định, nếu tuân theo “phác đồ” điều trị của y ngay từ giai đoạn đầu  thì chắc chắn ung thư sẽ được chữa trị khỏi hoàn toàn.

Cách "điều trị" của người này đối với trường hợp cháu bé là cho nhai gạo sống, ăn cơm lứt với tương tekka, nhai trà thất vị (một loại trà gồm nhiều loại gạo và đậu rang lên, nấu nước, do N.B tự pha chế từ các nguyên liệu thực dưỡng), ăn tương sắn dây. Mẹ của cháu bé cũng bị buộc phải ăn theo chế độ nghèo nàn dinh dưỡng với gạo lứt muối vừng trong khi đang cho con bú.

Người bán hàng này khẳng định, các vết bầm dưới da cháu bé là do máu độc. Cháu bé chỉ cần theo phác đồ của người này tới khi nào các vết bầm biến mất hoàn toàn nghĩa là cháu đã khỏi bệnh.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 6 vừa qua, cháu bé đã qua đời trước sự thương tiếc của gia đình và người thân. Một hậu quả không thể tránh khỏi khi từ chối điều trị để đi theo lời khuyên vô căn cứ về thực dưỡng.

Ung thư đang ngày càng trở thành một nỗi ám ảnh đối với con người. Căn bệnh quái ác ngày càng biến tướng và xuất hiện ngày một phổ biến, đặc trưng bởi khả năng xâm lấn, lây lan đến các bộ phận của cơ thể. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ tử vong nhanh chóng.

Lan truyền phương pháp tự chữa ung thư bằng thực dưỡng

Những năm gần đây, nhiều người - từ truyền miệng rỉ tai nhau cho đến lan truyền trên mạng xã hội - về phương pháp “bỏ đói tế bào ung thư” như nhịn ăn hay thực dưỡng... để điều trị căn bệnh chết người này.

Không chỉ những người thiếu hiểu biết, mà có cả những người vốn là bác sĩ, cũng tin tưởng đi theo con đường thực dưỡng, hoặc đặt niềm tin vào một phương pháp "luyện công", bỏ thuốc, bỏ điều trị, không đi khám bệnh...

Dược sĩ dinh dưỡng Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên trường Đại học Y dược TP HCM, cho biết thực dưỡng phổ biến vào thập niên 60 bởi triết gia người Nhật Bản, George Ohsawa. Đây được xem là phương pháp dưỡng sinh chủ yếu bằng ăn uống.

Nguyên tắc chính của chế độ ăn uống thực dưỡng là giảm sản phẩm từ động vật, ăn thực phẩm được trồng tại địa phương đang trong mùa và tiêu thụ bữa ăn trong chừng mực.

Chế độ ăn thực dưỡng là phải ăn toàn phần, nghĩa là thực phẩm trải qua ít công đoạn chế biến nhất. Ví dụ, ngũ cốc nguyên cám, rau củ sạch nguyên vỏ, đậu hạt, đường đen, động vật (ăn cả con và cả xương)...

Phác đồ thực dưỡng của Ohsawa bao gồm 10 giai đoạn hạn chế dần dần, đến giai đoạn cuối cùng thì chỉ còn ăn gạo lứt muối mè và uống nước. Theo phương pháp thực dưỡng Ohsawa, khi chúng ta sống hòa hợp với môi trường thiên nhiên thì tự động được hạnh phúc, khỏe mạnh.

be-gai-tu-vong-vi-chua-ung-thu-bang-thuc-duong-bac-si-dau-nganh-noi-gi

Những năm gần đây, nhiều người - từ truyền miệng rỉ tai nhau cho đến lan truyền trên mạng xã hội - về phương pháp “bỏ đói tế bào ung thư” như nhịn ăn hay thực dưỡng... để điều trị căn bệnh ung thư

Trên nhiều website, những fanpage trên mạng xã hội những thông tin được lan truyền chia sẻ rộng rãi với nội dung như: “Từng bước tự chữa ung thư bằng thực dưỡng”, “Chữa ung thư tử cung bằng gạo lứt”, “Chia sẻ từ lão nông tự chữa ung thư phổi bằng thực dưỡng”… So với hành trình gian nan chữa ung thư bằng hóa chất, xạ trị…thì những phương pháp trên nghe thật dễ chấp nhận.

Tuy nhiên, trên thực tế, trên thế giới và cả ở Việt Nam, chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào chữa khỏi bệnh ung thư chỉ bằng chế độ thực dưỡng.

Nhiều y bác sĩ đầu ngành không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh một số người bệnh sau khi nhận được thông báo kết quả của bệnh viện thì bỏ mọi phác đồ điều trị do bác sĩ tư vấn, bỏ bệnh viện để về ăn theo chế độ “bỏ đói tế bào ung thư”, rồi tu luyện theo 1 pháp môn nào đó để nhận về cái kết đau lòng.

Chuyên gia đầu ngành khẳng định "sai lầm, thiếu hiểu biết"

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K cho biết, hiện có nhiều phương pháp điều trị ung thư lan truyền trên mạng, không ít trường hợp bỏ BV để chạy theo các phương pháp này, tuy nhiên không mang lại hiệu quả.

Mới đây, các bệnh nhân ung thư tiếp tục truyền nhau phương pháp chữa ung thư bằng phương pháp thực dưỡng của GS. Ohsawa theo quy luật cân bằng âm dương. Theo ông Thuấn, phương pháp này cũng như một hình thức ăn chay, nhìn tổng thể những người ăn chay do không ăn thịt nên sẽ ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc hơn những người ăn bình thường.

be-gai-tu-vong-vi-chua-ung-thu-bang-thuc-duong-bac-si-dau-nganh-noi-gi

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K

Nếu đảm bảo đầy đủ năng lượng thì đây cũng là chế độ ăn tốt vì ăn nhiều rau, hoa quả có thể giúp dự phòng một số một số loại ung thư, đặc biệt ung thư đại trực tràng.

”Tuy nhiên, chế độ ăn chưa bao giờ được thiết kế nghiên cứu như một phương pháp điều trị đặc hiệu ung thư. Do vậy lựa chọn chế độ ăn nào đó và coi đó là phương pháp điều trị ung thư, là một sai lầm và dĩ nhiên sẽ không mang lại hiệu quả”, lời ông Thuấn. Nhiều bệnh nhân không uống sữa, không ăn thịt vì sợ sẽ ”nuôi” tế bào ung thư. PGS Thuấn cho rằng, kiêng kỵ này không có sơ khoa học.

Ông cho biết, với bệnh nhân ung thư, các bác sĩ thường khuyên ăn chế độ đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm vitamin, nước, khoáng chất, đường, đạm, chất béo. Ngoài ra cần giữ cân năng hợp lý, hạn chế uống rượu, không hút thuốc lá và tập thể dục đều đặn.

Nếu người bệnh không được cung cấp đủ năng lượng sẽ dẫn đến gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khoẻ để chống chọi với bệnh tật cũng như không đáp ứng được các phương thức điều trị ung thư đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị.

Cũng về vấn đề này, GS Mai Trọng Khoa - nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định quan điểm “bỏ đói tế bào ung thư” để dẫn đến người bệnh bị suy kiệt là nhận thức không đúng.

be-gai-tu-vong-vi-chua-ung-thu-bang-thuc-duong-bac-si-dau-nganh-noi-gi

GS Mai Trọng Khoa - nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

GS Mai Trọng Khoa phân tích: “Chúng ta cần hiểu rõ bản chất của vấn đề: Đó là cần có một cơ thể khỏe mạnh thì mới tạo ra hệ thống miễn dịch tốt, khỏe mạnh thì mới có các tế bào miễn dịch khỏe mạnh đủ khả năng phát hiện, ức chế,  tiêu diệt các tác nhân gây bệnh - trong đó có tế bào ung thư".

Chúng tôi xin đưa ra kết luận rằng không có bằng chứng cho thấy thực dưỡng có hiệu quả trong điều trị ung thư. Bên cạnh đó, những bằng chứng liên quan tới phòng ngừa ung thư của thực dưỡng là chưa đủ.

Thậm chí, việc giảm thiểu dinh dưỡng chỉ còn gạo lứt, muối mè làm nguồn thức ăn chính (bậc 10 của thực dưỡng) có thể dẫn đến thiếu đi lượng và chất dinh dưỡng quan trọng để đảm bảo sức khỏe trong quá trình điều trị.

Người bệnh nên dựa theo hướng dẫn của bác sĩ và đội ngũ y tế để lựa chọn chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất cho bản thân, với điều kiện đầy đủ lượng và chất để đáp ứng điều trị tốt hơn. Đối với người khỏe mạnh, khi thực hành thực dưỡng cần cân nhắc và điều chỉnh khi áp dụng để đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.

Theo GiaDinhVietNam