Bị tố nhận tiền chạy việc, hiệu trưởng nhận vay nợ

Theo đơn tố cáo của người cha giáo viên hợp đồng thì vị hiệu trưởng đã nhận tổng cộng 120 triệu đồng để chạy việc, tuy nhiên vị hiệu trưởng lại viết giấy nói vay nợ.

Sáng 14-3, thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết liên quan đến vụ việc dôi dư hàng trăm giáo viên tại huyện Krông Pắk, hiện Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với một số đảng viên.

Sau khi có kết luận, nếu Ủy ban kiểm tra chuyển hồ sơ hoặc có dấu hiệu hình sự thì Công an tỉnh sẽ vào cuộc điều tra. Bên cạnh đó, nếu các giáo viên có đơn tố cáo trực tiếp thì Công an tỉnh sẽ điều tra ngay.

Hiện nay đơn vị chưa nhận được tố cáo nào. "Tuy nhiên, trước thông tin một số giáo viên phản ánh trên báo chí nói phải bỏ tiền chạy việc, Công an tỉnh cũng đã giao các phòng nghiệp vụ lập kế hoạch xác minh thông tin, làm rõ vấn đề này" – thiếu tướng Trần Kỳ Rơi cho biết thêm.

bi-to-nhan-tien-chay-viec-hieu-truong-nhan-vay-no

Hàng trăm giáo viên hợp đồng ở huyện Krông Pắk hoang mang trước thông tin mất việc

Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Văn Minh (ngụ xã Ea K’Mút, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), vừa gửi đơn lên cơ quan công an, Phòng GD-ĐT huyện Krông Pắk tố cáo ông Huỳnh Bê (Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đơn tố cáo, năm 2016 ông Minh gặp ông Huỳnh Bê để xin cho con vào dạy tại trường. Tại đây, ông Huỳnh Bê nói phải chi 140 triệu đồng để lo ký hợp đồng và vào biên chế.

Tin lời, ông Minh đã ba lần đưa tổng cộng số tiền 120 triệu đồng cho vị hiểu trưởng. Từ đó, đến năm 2017 con gái ông Minh được nhận vào trường dạy hợp đồng, không được vào biên chế và lương khoảng 1 triệu đồng/tháng. Sau nhiều lần đòi tiền không được, ông Minh đã làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng.

Mặc dù trong đơn tố cáo, ông Minh khẳng định số tiền 120 triệu đồng là số tiền chạy việc. Tuy nhiên, trong giấy biên nhận của ông Huỳnh Bê thể hiện ông chỉ vay nợ và hứa sẽ trả lại đầy đủ.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sáng 14-3 về vấn đề này, đại tá Nguyễn Duy Trường, Trưởng Công an huyện Ea Kar, cho biết ngày 8-3, trực ban Công an huyện có tiếp nhận đơn của ông Minh.

Tuy nhiên, ông Minh còn cung cấp một số giấy vay tiền, giấy nhận nợ, khất nợ mà không có giấy tờ nhận tiền chạy việc nên công an huyện hướng dẫn ông Minh khởi kiện ra tòa để đòi tiền.

Cao Nguyên

Theo Người lao động

--------------------

Xem thêm:

208 giáo viên ở Đắk Lắk sẽ mất việc?

Theo Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, nếu không có vị trí tuyển dụng thì ít nhất 208 giáo viên dôi dư ở huyện Krông Pắk sẽ bị chấm dứt hợp đồng.

Ngày 13-3, ông Miêng Klơng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, cho biết vừa tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ về việc giải quyết tình trạng dôi dư gần 600 giáo viên tại huyện Krông Pắk.

Khó tránh mất việc

Theo ông Miêng Klơng, việc tạm dừng chấm dứt hợp đồng với 208 giáo viên (trong tổng số 578 giáo viên hợp đồng - PV) là cần thiết, nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự địa phương.

Về lâu dài, để giải quyết ổn thỏa tình trạng dôi dư giáo viên, huyện cần rà soát, phân loại lại toàn bộ hợp đồng đã ký trước đây và đề ra những phương án xử lý.

Về hướng giải quyết cụ thể, ông Miêng Klơng nói đối với 208 giáo viên nói trên, nếu sắp tới đây không có vị trí tuyển dụng thì nhất thiết phải chấm dứt hợp đồng.

Tuy nhiên, cần phải có cách làm phù hợp nhằm ổn định tinh thần cho các giáo viên; đề xuất tỉnh cho cơ chế về tài chính nhằm hỗ trợ các giáo viên này giảm bớt khó khăn sau khi mất việc làm.

208-giao-vien-o-dak-lak-se-mat-viec

Hàng trăm giáo viên hoang mang đứng trước nguy cơ mất việc

Về việc thi tuyển viên chức giáo dục của huyện Krông Pắk trong thời gian sắp tới, ông Miêng Klơng nói Sở Nội vụ đang tham mưu để UBND tỉnh Đắk Lắk trình Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho cơ chế đặc thù.

Theo đó, trong 370 giáo viên hợp đồng chuẩn bị tham gia thi tuyển, nếu giáo viên nào đáp ứng được về mặt chuyên môn nhưng các tiêu chí khác không đạt thì vẫn cho thi nhưng có cam kết bổ sung các tiêu chí sau.

Đối với trường hợp có trình độ chuyên môn chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì xem xét cho thi tuyển. Ngoài ra, với 83 chỉ tiêu nhưng có tới 370 thí sinh (chưa kể thí sinh tự do) thì chắc chắn sẽ có nhiều giáo viên bị chấm dứt hợp đồng.

Phớt lờ kiến nghị của thanh tra

Liên quan đến vụ việc trên, theo tìm hiểu của phóng viên, tại Kết luận thanh tra số 60/KL-TTr ngày 31-7-2013 về việc chấp hành Luật Ngân sách nhà nước và thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại UBND huyện Krông Pắk, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk xác định có sai phạm trong việc tuyển dụng cán bộ, giáo viên, nhân viên và bổ nhiệm dư cán bộ quản lý trường học ở huyện này.

Trên cơ sở đó, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk kiến nghị chủ tịch UBND huyện Krông Pắk chấm dứt hợp đồng đối với toàn bộ giáo viên vượt chỉ tiêu biên chế được giao; chỉ đạo các trường chấm dứt toàn bộ các trường hợp giáo viên đã ký hợp đồng ngắn hạn.

Mặc dù vậy, từ sau khi có kết luận thanh tra đến khi chuyển sang làm Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk (năm 2015), ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn 2011-2015, vẫn tiếp tục ký thêm hàng trăm hợp đồng lao động với các giáo viên.

Trong năm 2015, sau khi ông Kỷ chuyển công tác, ông Y Suôn Byă lên làm Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk. Lúc này số lượng giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Pắk đã lên đến hơn 400 giáo viên.

Thay vì tập trung xử lý, thực hiện theo tinh thần kiến nghị của Thanh tra tỉnh, ông Y Suôn Byă lại tiếp tục ký hợp đồng với khoảng 100 giáo viên khiến tình trạng dôi dư giáo viên càng thêm trầm trọng như hiện nay. Sau khi vụ việc vỡ lở, ông Y Suôn Byă nói không biết kết luận thanh tra năm 2013 của Thanh tra tỉnh (!?).

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 13-3, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã chỉ đạo lực lượng công an vào cuộc điều tra, làm rõ thông tin một số giáo viên ở huyện Krông Pắk phản ánh phải "chạy chọt" từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mới được ký hợp đồng.

Cao Nguyên

Theo Người lao động