Bốn phương án cải tiến biểu giá điện: Khách hàng lợi - thiệt ra sao?

Bốn phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt không những thuận lợi cho hộ sử dụng điện và quản trị doanh nghiệp, đảm bảo nâng cao tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện, mà còn khuyến khích người dùng tiết kiệm điện. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế lại cho rằng, nên sòng phẳng giữa giá điện sản xuất và giá điện tiêu dùng.

bon-phuong-an-cai-tien-bieu-gia-dien-khach-hang-loi-thiet-ra-sao

Các phương án cải tiến biểu giá điện sinh hoạt là động lực để người dân tiết kiệm điện năng. Ảnh: Bảo Loan

Bốn phương án, 2 kịch bản

Để hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá điện bán lẻ (thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg), Bộ Công thương đưa ra đề xuất về 4 phương án cải tiến biểu giá điện bán lẻ sinh hoạt, để lấy ý kiến rộng rãi. Bốn phương án tương ứng với 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc, thay vì 6 bậc như hiện nay. Trong đó, phương án 4 có 2 kịch bản.

Với phương án 1, Bộ Công thương áp 1 bậc giá duy nhất cho tất cả các kWh là 110% mức giá bán lẻ điện được điều chỉnh theo thẩm quyền (giá hiện nay đang áp dụng cho sinh hoạt là 1.897 đồng/kWh). Tính theo phương án này thì các hộ gia đình có mức sử dụng 201kWh/tháng trở lên sẽ tiết kiệm được từ 8.000 – 330.000 đồng/hộ/tháng. Ngược lại, nếu mức tiêu thụ dưới 201kWh/tháng, tiền điện sẽ tăng từ 17.000 – 36.000 đồng/hộ/tháng.

Với phương án 2, Bộ Công thương đưa ra 3 bậc thang giá: Bậc 1 dưới 100 kWh; bậc 2 từ 101 - 400kWh; bậc 3 từ 401 kWh trở lên. Ở phương án này, tiền điện phải trả của các hộ gia đình có mức tiêu thụ từ 301kWh/tháng trở lên sẽ giảm từ 45.000 - 62.000 đồng/hộ/tháng. Ngược lại, dưới 301kWh/tháng thì mức tiền phải trả là 4.000 - 30.000 đồng/hộ/tháng.

Với phương án 3, Bộ Công thương đưa ra 4 bậc giá. Bậc 1 là dưới 100kWh; bậc 2 từ 101 - 300kWh; bậc 3 từ 301 - 600kWh; bậc 4 từ 601kWh trở lên. Ở phương án này, mức chi trả tiền điện của người dân sẽ giảm từ 267 - 32.000 đồng/hộ/tháng nếu sử dụng điện năng từ 51 - 100, 201 - 300, 301 - 400 kWh/tháng. Tuy nhiên, nếu sử dụng mức điện năng ở mức dưới 50 kWh, 101 - 200 và từ 401kWh/tháng trở lên thì tiền điện sẽ tăng từ 1.000 - 105.000 đồng/hộ/tháng.

Với phương án 4, Bộ Công thương đưa ra 2 kịch bản với 5 bậc thang giá. Hai kịch bản không khác biệt nhiều về giá ở mỗi bậc. Tuy nhiên, ở mức tiêu thụ 201 – 400kWh/tháng thì biểu giá là 136% (kịch bản 1), 141% (kịch bản 2). Ở mức tiêu thụ từ 701kWh/tháng trở lên thì biểu giá phải tính là 180% (kịch bản 1), 167% (kịch bản 2).

Ở kịch bản 1, Bộ Công thương đánh giá là có nhiều ưu điểm như đảm bảo giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi, mức tăng giá giữa các bậc là hợp lý. Ngoài ra, số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội cũng không thay đổi. Các hộ có mức sử dụng điện thấp dưới 700kWh/tháng sẽ có tiền điện phải trả giảm, các hộ có mức sử dụng điện cao trên 700 kWh/tháng phải trả thêm 29.000 đồng/hộ/tháng để bù cho mức giảm của các hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh.

Lo ngại các mức sử dụng điện năng ở hộ gia đình thành thị

Trong 4 phương án, 2 kịch bản kể trên, Bộ Công thương kiến nghị lựa chọn kịch bản 1 của phương án 4 để áp dụng cách tính giá điện sinh hoạt mới, thay thế cơ cấu biểu giá điện hiện hành. Bởi phương án này có mức tăng giá điện giữa các bậc ở mức hợp lý, đảm bảo toàn bộ số hộ sử dụng điện dưới 700kWh/tháng có mức tiền điện không tăng hoặc giảm khi áp dụng biểu giá điện mới.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho rằng, phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang đã được thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, thuận lợi cho hộ sử dụng điện cũng như thuận lợi cho quản trị doanh nghiệp, đảm bảo nâng cao tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện.

Ngoài ra, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và công bằng xã hội, khắc phục được tình trạng hóa đơn tiền điện biến động trong những tháng đổi mùa. Thậm chí, định hướng giảm bớt số bậc, thu hẹp biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt với số bậc phù hợp với chênh lệch hợp lý giá điện cho các bậc, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn năng lượng sơ cấp đang cạn kiệt.

Ngày 6/3, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế đồng tình với quan điểm trên của Cục Điều tiết điện lực, bởi đây chính là động lực để các các hộ gia đình tiết kiệm điện năng. Tuy nhiên, TS Đinh Thế Hiển lại bày tỏ lo ngại các mức sử dụng điện năng ở khối doanh nghiệp sản xuất và hộ gia đình thành thị.

TS Đinh Thế Hiển cho biết: "Thứ nhất, việc đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh và thuận lợi cho hộ sử dụng điện, bằng cách giảm giá điện sản xuất để bù cho giá điện gia đình thì theo tôi là cần xem xét kỹ hơn. Mặc dù đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch và động lực để các hộ gia đình tiết kiệm điện, nhưng ở khối doanh nghiệp, do có tâm lý được "bù lỗ" nên sẽ hướng đến việc tiết kiệm chi phí đầu tư cho thiết bị và đương nhiên, những thiết bị được mua với chi phí tiết kiệm này lại có hiệu suất sử dụng điện năng cao, dẫn đến tiêu tốn điện năng cao ở khối doanh nghiệp".

Ngược lại, nếu tính đúng, tính đủ, tính công bằng giá thành điện ở cả khối tiêu dùng và sản xuất (tức không bù lỗ) thì doanh nghiệp sẽ chủ trương hơn trong việc đầu tư thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến hơn, tiết kiệm điện năng hơn. Trong khi đó, theo nghiên cứu của tôi thì từ năm 2010, năng lực tiêu hao điện năng của nước ta cao hơn rất nhiều so với Thái Lan.

Thứ hai, lượng tiêu thụ điện năng ở thành thị cao hơn nông thôn. Vì vậy, nên xem xét tăng mức tiêu thụ điện cơ bản đối với hộ gia đình ở khu vực thành thị lên 1 mức. Bởi theo tôi, các thiết bị điện trong gia đình ở đô thị hiện nay như bếp từ, máy giặt, bình nóng lạnh, điều hòa… đều là cơ bản, cần thiết và không xa xỉ. Ở mức hiện tại, nếu dùng quá mức cơ bản thì người dân thành thị phải chi trả thêm phần chênh lệch. Trong khi đó, người dân đô thị là động lực của nền kinh tế. Mức thu nhập của người dân thành thị tuy cao hơn nhưng phải đóng các thuế cũng nhiều hơn ở nông thôn".

Theo GiaDinh