Cầm đồ mùa World Cup, bằng đại học chỉ đáng giá 3 triệu đồng

Bằng cử nhân đại học là tài sản quý giá sau nhiều năm nỗ lực học tập, thế nhưng giá cầm đồ tại “chợ đen” nó chỉ đáng giá 3 triệu đồng, thậm chí còn thấp hơn thế.

Cầm đồ mùa World Cup, bằng đại học chỉ đáng giá 3 triệu đồng

Một cửa hàng từ chối cầm bằng đại học trên đường Láng, quận Đống Đa. Ảnh: Bảo Loan

Cắm thẻ sinh viên 2 triệu đồng để “gỡ gạc”

Nhắc đến cầm cố tài sản, dân cầm đồ thường nghĩ ngay đến các địa chỉ trên địa bàn TP Hà Nội như đường Láng, đường Hồ Tùng Mậu, phố Đặng Dung... Những địa chỉ cầm đồ quen thuộc được giá cao, thủ tục nhanh gọn và lãi suất thấp thường có nhiều khách lui tới. Theo lời giới thiệu của một người bạn, PV Báo Gia đình & Xã hội đã có mặt tại một cửa hàng cầm đồ nằm ở cuối phố Chùa Bộc (quận Đống Đa).

Anh Y, chủ cửa hàng cầm đồ H.Y đã thẳng thừng từ chối “hồ sơ” của PV, vì lý do: “Bên anh chỉ nhận bằng với người có thời gian ra trường không quá 2 năm- bằng của em (PV) tốt nghiệp năm 2014”. Khi PV đề cập cắm văn bằng 2, hệ chính quy, trường ĐH Luật, vừa tốt nghiệp cách đây vài tháng, thì anh Y cho biết: “Chỉ được 3- 5 triệu đồng, nhiều là 7 triệu, em cần bao nhiêu?”.

Khi PV mong muốn con số 30 triệu đồng thì anh Y thẳng thừng: “Không ở đâu có giá đó đâu”. Nói đoạn, anh Y đưa mắt hướng vào chiếc tủ kính và cho biết: “Cả sấp bằng từ đầu mùa World Cup đây. Anh tạo điều kiện thôi, nhưng giá chỉ được thế”.

Vừa dứt lời, một nam thanh niên có dáng người gầy gò, “hớt ha hớt hải” bước vào cửa hàng và nhanh tay lấy từ trong túi quần ra chiếc thẻ sinh viên. Đó là Tân, sinh viên năm 3 một trường đại học có tiếng. Thấy chúng tôi, Tân nhanh nhảu: “Anh giúp em, mấy trận bóng gần đây, em thua hơn 10 triệu rồi. Bây giờ cắm cái thẻ để lo sinh hoạt đến hết tháng rồi xin các cụ “rút ra” sau”. Sau hơn 5 phút làm “thủ tục”, Tân ra về với tờ giấy biên nhận của cửa hàng cầm đồ cùng 2 triệu đồng.

Tên trường quyết định giá tiền

Theo tim hiểu của PV, số tiền tối đa vay qua hình thức cầm bằng không có mức giá cố định, phụ thuộc vào từng loại trường. Đối với các trường thuộc khối công lập, trường càng có danh tiếng thì hạn mức càng cao. Ví dụ đại học Bách khoa, Học viện Tài chính, đại học Kinh tế Quốc dân, thì có hạn mức cao hơn. Đối với các trường thuộc khối dân lập hoặc các trường nhóm 2 như Đại học Kinh tế Kĩ thuật công nghiệp, Đại học Thăng long, Đại học Kinh doanh và Công nghệ... thì mức tiền thấp hơn.

“Hạn mức còn phụ thuộc rất lớn vào năm ra trường, xếp loại bằng Giỏi, Khá hay Trung bình. Ví dụ, bằng tốt nghiệp Trường An ninh mà xếp loại Khá thì giá có thể lên đến 70 triệu đồng, thậm chí là cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, bằng tốt nghiệp khối kỹ thuật mà lại xếp loại trung bình thì giá chỉ được 3 triệu”, anh Y lý giải.

“Tựu chung lại, bằng đại học có giá trung bình chỉ từ 3 triệu đến 7 triệu đồng, còn bằng thạc sĩ thì có giá gấp đôi, từ 10 triệu đến 15 triệu đồng. Nếu bằng tại chức hoặc văn bằng hai, lại có thời gian tốt nghiệp đã quá 2 năm, thì gần như không có giá trị để cầm cố, có cầm thì cũng tuỳ từng trường, tuỳ ngành học.

Lãi suất cũng tuỳ theo giá trị tấm bằng mà có giá dao động từ 3.000 – 5.000 đồng/triệu/ngày. Bằng có giá trị thấp thì lãi suất càng cao, bằng có giá trị cao thì chủ nhân tấm bằng được ưu đãi lãi suất thấp hơn. Các trường danh tiếng, có sức ảnh hưởng như trường quân sự, an ninh, cảnh sát... chúng tôi sẵn sàng “tạo điều kiện” cho cắm từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng, thậm chí là 50 triệu đồng.

Những sinh viên đang theo học các khối trường này, chỉ cần có thẻ sinh viên, thẻ thư viện hoặc thẻ Đảng là có thể cầm cố”, anh Y thông tin.

Tiếp tục cuộc khảo sát tại đường Láng (quận Đống Đa), nơi được mệnh danh là “thiên đường cầm đồ”, tuy nhiên, điều lạ là các cửa hàng mà PV “ghé” qua đều từ chối nhận cầm cố văn bằng, chứng chỉ. Anh Dương, chủ cửa hàng cầm đồ T.P, tại đầu đường Láng cho biết: “Hầu hết các cửa tiệm cầm đồ trên trục đường Láng đều không nhận văn bằng, chứng chỉ. Nếu nhận cũng chỉ có số ít, chủ yếu là nhận cầm cố tài sản”.

Anh Dương lý giải: “Bạn thử nghĩ xem, nhiều người học hành đâu vào đó cũng không xin được việc làm, có bằng mà không xin được việc thì họ cắm xong cũng không buồn “nhổ” ra. Huống hồ, bằng đại học giờ “nhan nhản”. Chính vì thế, dù là bằng cử nhân thì với bọn anh, nó cũng chỉ là mớ giấy lộn, chẳng có giá trị gì”.

Tại Điều 11, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình nêu rõ: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với các hành vi: nhận cầm cố tài sản nhưng không có hợp đồng theo quy định. Trong trường hợp cầm cố văn bằng, chứng chỉ của người khác thì người cầm cố có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điều 139 BLHS sửa đổi bổ sung năm 2009.

Theo GiaDinh