Cúng tất niên Tết 2019 có bắt buộc phải vào ngày 30 tháng chạp

Theo nhiều chuyên gia phong thủy, năm nay có hai ngày đẹp nên làm lễ cúng tất niên là ngày 29 và 30 tháng Chạp (tức ngày 3/2 và 4/2 Dương lịch).

Ý nghĩa của cúng tất niên

Cúng tất niên là một trong những nghi thức quen thuộc của dân gian nhằm đánh dấu sự kết thúc một năm và chào mừng năm mới. Đây là phong tục tập quán từ lâu đời, mang ý nghĩa văn hóa tốt đẹp.

Trong dịp này, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, tận hưởng bầu không khí ấm cúng dịp cuối năm sau 365 ngày tất bật chạy đua với cuộc sống. Trước khi thực hiện nghi thức cúng tất niên, hầu hết mọi gia đình đều dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, tươm tất. Đặc biệt là khu vực thờ cúng để chuẩn bị nghi thức cúng tất niên và chuẩn bị đón Tết Âm lịch.

Ở mỗi vùng miền hay mỗi gia đình nói riêng lại có quan niệm, tập tục về việc cúng tất niên khác nhau. Trong lễ tất niên, gia chủ có thể mời bạn bè, họ hàng, người thân đến chung vui, cùng thưởng thức lễ tất niên ấm áp, sum vầy.

cung-tat-nien-tet-2019-co-bat-buoc-phai-vao-ngay-30-thang-chap
 

Cúng tất niên Tết 2019 vào ngày nào?

Thông thường, lễ cúng tất niên được tổ chức vào ngày cuối cùng của năm - tức ngày 30 tháng Chạp (năm đủ) và 29 tháng Chạp (năm thiếu).

Tuy nhiên, hiện nay, do nhiều gia đình muốn tổ chức quy mô đồng thời mời nhiều khách nên gia chủ chủ động tổ chức vào các ngày cuối tuần (năm nay thứ Bảy, Chủ nhật cuối cùng của năm rơi vào ngày 2/2 và 3/2, tức ngày 28 và 29 tháng Chạp).

Đồng thời, theo nhiều chuyên gia phong thủy, năm nay có hai ngày đẹp nên làm lễ cúng tất niên là ngày 29 và 30 tháng Chạp (tức ngày 3/2 và 4/2 Dương lịch).

Chính vì thế, người dân không nhất thiết phải cúng tất niên vào chiều ngày 30 tháng Chạp. Dựa vào hoàn cảnh, thời gian, công việc... gia chủ hoàn toàn có thể cúng tất niên trước ngày 30 tháng Chạp, miễn sao lễ cúng phải chu toàn, thành tâm...

Không những thế, với xu thế hiện tại, nhiều gia đình không ăn Tết ở nhà mà thay vào đó là đi du lịch để tận hưởng những ngày nghỉ ngơi dịp năm mới nên việc cúng tất niên hoàn toàn có thể thực hiện trước ngày cuối cùng của năm cũ trước đó nhiều ngày.

Mâm cỗ cúng Tất niên Tết 2019 cần chuẩn bị những gì?

- Hương và đèn: Đây là 2 vật không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Tất niên. Trong đó, hương là tượng trưng cho tinh tú là sự nối kết giữa âm và dương. Còn đèn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời (do đó luôn phải có 2 cây đèn ở hai bên ban thờ).

- Mâm ngũ quả: Ngoài hương và đèn thì mâm ngũ quả là lễ không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Tất niên. Mâm ngũ quả là để cúng gia tiên vì vậy nên chọn các loại hoa quả thông dụng, đẹp mắt và phải là hoa quả vừa đủ chín có thể ăn được.

Cần lưu ý mâm ngũ quả không nên dùng hoa quả giả (bằng nhựa) để cúng gia tiên. Đồng thời không được đặt mâm ngũ quả trước chính giữa bát hương vì theo quan niệm nếu đặt mâm ngũ quả ở đây sẽ chắn mất trục khí chính, vì vậy gia chủ nên để mâm ngũ quả lệch sang hai bên.

- Mâm cỗ cúng Tất niên: Cũng không thể thiếu trong lễ cúng Tất niên cuối năm của người Việt được. Theo đó, mâm cỗ cúng Tất niên được làm thịnh soạn hơn ngày thường.

Tùy từng vùng miền mà có những đặc trưng riêng, như miền Bắc hay có canh móng giò hầm măng, miến lòng gà, xôi, bánh chưng, nem, giò lụa, giò xào...; miền Trung hay có bánh chưng, bánh tét, giò lụa, gà bóp rau răm, thịt heo luộc, giá chua...; miền Nam hay có bánh tét, canh măng, thịt kho tàu, gỏi tôm thịt, nem, chả giò...

Ngoài ra, tùy vào quan niệm của từng gia đình có thể làm cỗ mặn hoặc cỗ chay để cúng Tất niên.

 

Cách bày mâm cỗ cúng Tất niên theo truyền thống

Dù là mâm cỗ chay hay cỗ măn thì mâm cỗ cúng Tất niên nên đặt ở dưới cái bàn con bên dưới.

Trên bàn thờ chính chỉ để hoa tươi, quả tươi, một ít tiền vàng mã mang tính tượng trưng. Cũng có thể đặt bánh chưng, xôi, chè trên bàn thờ chính. Không nên cắm "cành vàng lá ngọc" (hàng mã) lên bàn thờ vì có chứa nhiều trường khí âm bất lợi.

Tương tự hoa bày trên bàn thờ cũng vậy, cần phải hoa tươi chứ không dùng hoa giả, hoa nhựa.

Theo GiaDinh