Đổ xô mua thuốc sốt rét trị Covid-19 khiến giá tăng vọt: Thứ trưởng Bộ Y tế và bác sĩ nói gì?

Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên tin theo những thông tin sai lệch, xuyên tạc, không chính thống lan truyền trên mạng và cần tỉnh táo.

Báo Tuổi trẻ thông tin, tình trạng săn lùng tìm mua thuốc trị sốt rét (hoạt chất chloroquine và hydroxycloroquine) diễn ra từ hơn 1 tuần qua, ban đầu từ thông tin thuốc này có thể sử dụng dự phòng và điều trị bệnh COVID-19.

Ông Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng Trung ương, cho biết hôm 18/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump có phát biểu trên CNN rằng Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đồng ý cho sử dụng thuốc trị sốt rét điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong trường hợp bệnh nặng tại Mỹ (ông Dương nhấn mạnh điều trị trong trường hợp bệnh nặng).

Trước đó, tại Trung Quốc cũng đã có nghiên cứu tương tự và cũng đã có thử nghiệm trong điều trị cho bệnh nhân nặng.

do-xo-mua-thuoc-sot-ret-tri-covid-19-khien-gia-tang-vot-thu-truong-bo-y-te-va-bac-si-noi-gi

 Thuốc điều trị sốt rét do Việt Nam sản xuất có tên thương mại là Cloroquin Phosphat, lọ chứa 150, 200 và 250 viên, là thuốc bán theo đơn - Ảnh: Tuổi Trẻ

Từ thời điểm này, một đồn mười, mười đồn trăm, rất nhiều người đi tìm mua thuốc chứa hoạt chất chloroquine và hydroxychloroquine, giá thuốc từ dưới 100.000đ/hộp tăng gấp rưỡi chỉ trong buổi sáng rồi tăng liên tục, giờ giá mua buôn đã trên 200.000 đồng và cửa hàng lẻ đã hết hàng.

Riêng loại thuốc nhập khẩu hộp 3 vỉ, mỗi vỉ 10 viên đã tăng lên 500.000đ/hộp, tăng rất mạnh so với trước mà nhiều nơi còn không có để mua.

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo, người dân không nên tin theo những thông tin sai lệch, xuyên tạc, không chính thống lan truyền trên mạng và cần tỉnh táo. Hiện nguồn nhân lực, trang thiết bị, thuốc men để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 đều đáp ứng đủ, do đó người dân hãy tin tưởng vào ngành y tế.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn khẳng định, bệnh Covid-19 hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu điều trị triệu chứng, chẳng hạn bệnh nhân có viêm phổi thì điều trị viêm phổi, sốt thì cho uống hạ sốt... Tuy nhiên, từ việc điều trị thành công cho 16 bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong giai đoạn đầu, ngành y tế đã rút ra được những kinh nghiệm để tiếp tục điều trị hiệu quả hơn.

Tờ báo cũng dẫn lời bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, trong bối cảnh hiện nay khi thế giới vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với Covid-19, buộc các nước phải sử dụng các loại thuốc khác nhau trong điều trị thử nghiệm cho người bệnh, sau đó họ mới rút ra kinh nghiệm.

Bác sĩ Khanh cho rằng, việc săn lùng mua thuốc này uống dự phòng Covid-19 và truyền tai nhau uống 2 viên/ngày là rất nguy hiểm. Lý do vì nếu tự ý uống thuốc sốt rét dự phòng trong một thời gian dài, trước tiên sẽ gây nguy hại cho gan và thận. Biện pháp dự phòng Covid-19 tốt nhất là thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người, bổ sung dinh dưỡng, luyện tập thể thao…

Cũng theo các dược sĩ, bác sĩ, thông tin về tác dụng chữa Covid-19 của hai thuốc chữa sốt rét (hoạt chất chloroquine và hydroxychloroquine) mới chỉ là thông tin sơ bộ về kết quả nghiên cứu bước đầu, trên quy mô nhỏ ở Mỹ và vẫn đang tiếp tục phải nghiên cứu kỹ thêm.

Đặc biệt, Hydroxychloroquine vẫn chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế công nhận và chính thức đưa vào phác đồ điều trị và khuyến cáo sử dụng. Hơn nữa, thuốc này chỉ được sử dụng khi bác sĩ chỉ định, nếu tự ý sử dụng mà không có chỉ định của bác sĩ không những bệnh không khỏi mà còn tiềm ẩn rủi ro, nguy hiểm khó lường.

Về tác dụng của thuốc, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Cục Quản lý dược cho biết tại Việt Nam, thuốc điều trị sốt rét kể trên được sản xuất trong nước, thuốc này cũng được sử dụng trong điều trị lupus ban đỏ hay viêm khớp dạng thấp, nhưng chưa có chỉ định trong điều trị COVID-19.

Việc sử dụng điều trị thuốc nào cho bệnh gì đều phải tuân theo phác đồ do Bộ Y tế hướng dẫn và có bác sĩ chỉ định, theo dõi.

Vị đại diện này cũng cảnh báo nguy cơ tác dụng phụ nếu sử dụng thuốc tùy tiện và khẳng định ngay tại Mỹ, thuốc chỉ được đồng ý cho dùng trong trường hợp bệnh nhân mắc bệnh nặng, không sử dụng để dự phòng.

Theo VietQ

*Xem thêm:

Uống 15 viên thuốc chữa sốt rét phòng COVID-19, người đàn ông Hà Nội cấp cứu

Uống 15 viên thuốc sốt rét mong phòng được COVID-19, người đàn ông ở Hà Nội vào viện vì ngộ độc, phải thở máy. Trong nhà ông này còn có 85 viên khác để 'phòng bệnh' như lời đồn trên mạng.

Tin lời đồn trên mạng, người đàn ông 44 tuổi ở Hà Nội mua tới 100 viên thuốc chloroquin 250mg (thuốc chữa sốt rét) để phòng COVID-19 cho bản thân và người trong gia đình.

Sau khi Hà Nội có thông tin về ca nhiễm đầu tiên (BN17- tối 6/3) và liên tiếp ghi nhận những ca lây nhiễm khác, ông này uống tới 15 viên để phòng COVID-19 tấn công. Kết quả, ông vào khoa Cấp cứu bệnh viện huyện ở Hà Nội trong tình trạng nôn nhiều, mờ mắt, suy hô hấp...

Ngay khi nhập viện, bệnh nhân đã được rửa dạ dày, dùng than hoạt tính, thở máy không xâm nhập kịp thời. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) ngày 9/3 điều trị tiếp.

uong-15-vien-thuoc-chua-sot-ret-phong-covid-19-nguoi-dan-ong-ha-noi-cap-cuu

Người đàn ông uống 15 viên thuốc sốt rét vì tin lời đồn thuốc này phòng được COVID-19. Ảnh minh hoạ

Sáng 22/3, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc xác nhận có tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc thuốc điều trị sốt rét vì uống để phòng COVID-19. Hiện bệnh nhân đã được điều trị khỏi và xuất viện. Đây là trường hợp đầu tiên ngộ độc thuốc sốt rét được ghi nhận tại Việt Nam.

Hydroxychloroquine và chloroquine được sử dụng với mục đích ban đầu là điều trị bệnh sốt rét và một số bệnh lý khác như: Viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, phát ban đa dạng do ánh sáng...

Bên cạnh việc điều trị, thuốc có thể gây những bất lợi không mong muốn khi dùng. Cụ thể, do gây lắng đọng thuốc ở giác mạc, nên có thể gặp các triệu chứng như rối loạn điều tiết, nhìn đôi, bệnh lý võng mạc có thể không hồi phục. Nguy cơ bất lợi này càng cao ở người trên 60 tuổi, người có tiền sử bệnh lý võng mạc và người suy gan, suy thận.

Ngoài ra, người dùng có thể bị nôn, buồn nôn, tiêu chảy; mất ngủ, trầm cảm, kích thích (mặc dù hiếm gặp, và chỉ gặp nếu dùng liều rất cao). Thuốc cũng có thể gây tan máu, hạ bạch cầu.

Lưu ý, ngay cả liều điều trị thông thường vẫn có thể gây rối loạn tiêu hoá nhẹ, chán ăn, nhức đầu. Nếu dùng liều cao có thể gây rối loạn tiêu hoá nặng hơn, độc với thần kinh và tâm thần như viêm dây thần kinh ngoại biên, rối loạn thính giác, thị giác, tổn thương da, suy tim, thiếu máu, tan máu.

Theo GiaDinh