Đừng tự ý nặn mụn, bạn có thể tử vong vì nhiễm trùng

Vết thương có thể khô, đóng kín miệng nhưng độc tố vẫn phát triển và gây bệnh, nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương cho biết, từ trước đến nay bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị áp xe, nhiễm trùng máu vì tự nặn mụn nhọt hoặc do vết trầy xước nhẹ. Bệnh viện cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong vì áp xe, nhiễm trùng mà không được điều trị kịp thời.

Cách đây không lâu, một phụ nữ ở Hà Nội được người nhà đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng.

Theo bác sĩ Cấp, bệnh nhân này vốn bị tiểu đường có nhọt ở mông chưa hình thành mủ, nhưng sau 1 ngày bệnh nhân đã tự ý chích nhọt. Vết chích sưng tấy lan rộng, bệnh nhân không đi lại được, và sốt cao liên tục. Sau 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện hôn mê và được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức.

Tại đây, các bác sĩ cho chụp CT scanner phát hiện nhiều ổ tổn thương ở gan, lách, não và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư trong tình trạng đã sốc nhiễm trùng nặng. Do tình hình bệnh quá nặng và tiên lượng xấu nên gia đình đã xin cho bệnh nhân về.

Theo bác sĩ Cấp, trên thực tế, vết thương có thể khô, đóng kín miệng nhưng độc tố vẫn phát triển và gây bệnh. Nhiều người chỉ từ những vết trầy xước nhỏ đã bị bội nhiễm uốn ván, nguy kịch đến tính mạng.

'Đừng tự ý nặn mụn, bạn có thể tử vong vì nhiễm trùng

Tự ý nặn mụn có thể bị nhiễm trùng máu

Cách đây không lâu ngày 17/8, cậu bé Nguyễn Minh P (15 tuổi, Nghệ An) không may giẫm vào một chiếc gai bưởi. P đã rút chiếc gai ra, để lại vết xước trên da. Sau đó P đã nguy kịch vì uốn ván.

Bác sĩ Lê Thị Yên, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi cho biết, tiến triển uốn ván của cháu P rất là nhanh.

TS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương) cho biết, uốn ván là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguồn lây bệnh chủ yếu là đất, phân người và súc vật có chứa nha bào uốn ván.

Bệnh thường lây qua da và những tổn thương từ kích cỡ rất nhỏ và kín đáo ở niêm mạc như vết kim tiêm, gai đâm, ngoáy tai, xỉa răng đến các vết thương to, rộng, nhiều ngóc ngách. Thậm chí đôi khi có thể gặp sau phẫu thuật, nạo thai, cắt rốn…với các dụng cụ bị ô nhiễm nha bào uốn ván.

TS Lâm cho biết, uốn ván là bệnh không có miễn dịch tự nhiên nên tất cả những người chưa được tiêm vắc-xin đều có thể bị bệnh. Do đó, tiêm vắc-xin uốn ván là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Theo Danviet