Habeco “chây ỳ” chia cổ tức 1.555 tỷ đồng, tổng nợ phải trả lên đến 2.500 tỷ đồng

Qua kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 của Công ty mẹ - Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), KTNN đã phát hiện nhiều sai phạm, nhiều bất cập trong quy định cụ thể hoặc không tuân thủ quy định trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 của Habeco.

Vi phạm quy định do chính mình ban hành  

Cụ thể, Habeco đã không thực hiện mua nguyên vật liệu chính thông qua đấu thầu mà thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh cho lô hàng trên 5 tỷ đồng. Điều này vi phạm Quyết định số 173/QĐ-HABECO do chính Habeco đặt ra ngày 01/4/2016 là việc mua sắm nguyên vật liệu phải “vận dụng các quy định của pháp luật về đấu thầu trong mua sắm hàng hóa dịch vụ”.

Hơn nữa, Habeco đã không tổ chức đấu thầu mua nguyên liệu Malt, chỉ chào hàng hạn chế, sau đó chọn giá chào thấp nhất để làm giá mua, số lượng mua không dành toàn bộ cho nhà cung cấp có giá thấp nhất mà phân bổ cho nhiều nhà cung cấp theo giá thấp nhất.

Mô tả ảnh
Habeco “chây ỳ” chia cổ tức 1.555 tỷ đồng, tổng nợ phải trả lên đến  2.500 tỷ đồng - Ảnh: internet.

Trong phân bổ sản lượng bia Hà Nội gia công cho các đơn vị thành viên, về nguyên tắc, Habeco thực hiện dựa trên kế hoạch tiêu thụ tại các khu vực, năng lực sản xuất, thực tế tình hình sản xuất kinh doanh của năm trước… Nhưng trên thực tế, Habeco chưa có tài liệu thuyết minh việc phân bổ này.

Đáng chú ý hơn, KTNN phát hiện việc phân bổ chỉ tiêu sản xuất cho các đơn vị thành viên của Habeco có sự khác biệt rất lớn giữa năng lực sản xuất với sản lượng được phân bổ. Cụ thể, đối với nhóm công ty có hợp đồng chuyển giao bia hơi li-xăng, Công ty CP Bia Hà Nội - Thái Bình được phân bổ chỉ tiêu cao nhất là 47,2% công suất, công ty được phân bổ thấp nhất là Công ty CP Bia Hà Nội - Hải Phòng 12,3% công suất.

Đối với nhóm công ty không có hợp đồng chuyển giao bia hơi li-xăng, công ty được phân bổ chỉ tiêu sản xuất cao nhất là Công ty CP Habeco - Hải Phòng là 106,9% công suất; công ty được phân bổ thấp nhất là Công ty CP Bia Thanh Hóa 18,5%.

Năm 2016, Habeco thực hiện 8 hợp đồng License (Li-xăng) với 8 công ty trong hệ thống với sản lượng 68,5 triệu lít. Tại các hợp đồng License quy định các công ty phải bán với giá cao hơn giá sàn nhưng Habeco không thực hiện kiểm tra tình hình thực hiện giá bán, chỉ căn cứ vào báo cáo của các công ty. Vì vậy, giá báo cáo và giá bán thực tế có sự khác nhau nhưng không được kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định hợp đồng.

Về chính sách giá mua bia của Công ty mẹ đối với các công ty con, KTNN chỉ ra rằng Habeco chưa có sự liên hệ giữa giá mua với giá thành hay lợi nhuận của nhà sản xuất, việc xác định giá mua đều dựa trên cơ sở giá mua của năm trước được điều chỉnh theo yếu tố thuế hoặc giá đầu ra.

Về chính sách tiêu thụ sản phẩm, Công ty mẹ Habeco ban hành giá bán các sản phẩm cho Công ty TNHH MTV Thương mại Habeco và Công ty CP Thương mại Bia Habeco và chỉ đạo giá bán ra thị trường. Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện vẫn còn nhiều thiếu sót.

Mặc dù Công ty mẹ thực hiện đối chiếu công nợ hàng năm, nhưng tỷ lệ công nợ được đối chiếu tại thời điểm 31/12/2016 còn thấp. Nợ phải trả người bán hơn 765 tỷ đồng của 251 đối tượng nợ nhưng Habeco chỉ đối chiếu xác nhận được 52 đối tượng nợ, giá trị đối chiếu xác nhận là 83%.

Năm 2016, Habeco có các khoản phải thu khác chưa được đối chiếu với giá trị hơn 43 tỷ đồng, chiếm 49,1% giá trị các khoản phải thu khác; các khoản trả trước cho người bán chưa được đối chiếu có giá trị 56 tỷ đồng, chiếm 65,5% giá trị trả trước cho người bán.

Có 2 khoản nợ có khả năng mất vốn là khoản nợ của Công ty Cổ phần sữa Việt Mỹ 834 triệu đồng, của Công ty Cổ phần nhựa Đại Trường Phát 177 triệu đồng. Habeco đã phải trích lập dự phòng 958 triệu đồng cho 2 khoản nợ này.

Hơn 1.250 tỷ đồng thu về NSNN nếu Habeco chia cổ tức

KTNN phát hiện Công ty mẹ Habeco có số dư tiền gửi ngân hàng lớn nhưng chưa có văn bản đánh giá, xếp hạng các tổ chức tín dụng, tham khảo lãi suất cạnh tranh để lựa chọn ngân hàng gửi tiền mà gửi tiền trên cơ sở 01 bản chào lãi suất của ngân hàng đáo hạn hoặc ngân hàng gửi mới trong năm.

Hơn nữa, còn có tình trạng phân loại, trình bày báo cáo tài chính chưa chính xác: trong khoản tương đương tiền hơn 206 tỷ đồng (số liệu trong bài được làm tròn), có 150 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn trên 4 tháng nhưng Công ty mẹ chưa phân loại vào đầu tư tài chính ngắn hạn.

Theo kết quả kiểm toán, doanh thu bán hàng năm 2016 của Công ty mẹ đạt gần 7.676 tỷ đồng, tăng 12,3% (tương đương 844 tỷ đồng) so với năm 2015, trong đó doanh thu từ việc bán 525,9 triệu lít bia là 6.629 tỷ đồng, doanh thu từ bán vật tư, nguyên liệu là 1.037 tỷ đồng, doanh thu từ kinh doanh khác hơn 9,5 tỷ đồng. Nguồn vốn chủ sở hữu của Habeco tại thời điểm 31/12/2016 có giá trị gần 4.266 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ sở hữu là 2.318 tỷ đồng (chiếm 54,3%), Quỹ đầu tư phát triển là 840 tỷ đồng (chiếm 19,7%), còn lại là các khoản khác như lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, lợi ích của cổ đông không kiểm soát.

Một vấn đề đáng chú ý nữa, từ năm 2008 đến nay, Habeco không sử dụng Quỹ đầu tư phát triển để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư phát triển theo chiều sâu mà số dư Quỹ chủ yếu là gửi ngân hàng.

Tại thời điểm 31/12/2016, số dư tiền gửi ngân hàng kỳ hạn từ 3-9 tháng là 1.533 tỷ đồng, chiếm 22,55% tổng tài sản. Theo đánh giá của KTNN - công tác quản lý Quỹ đầu tư phát triển của Habeco còn nhiều hạn chế.

Theo báo cáo tài chính năm 2016 của Habeco, số dư Quỹ đầu tư phát triển Công ty mẹ là 2.052 tỷ đồng (trong đó phần vốn Nhà nước có trong Quỹ là gần 1.679 tỷ đồng), nhưng khi KTNN tổng hợp tình hình trích Quỹ hàng năm đã xác định đến thời điểm kiểm toán (30/11/2017) tổng số dư Quỹ đầu tư phát triển của Habeco là 2.320 tỷ đồng (phần vốn nhà nước có trong Quỹ là 1.879,8 tỷ đồng).

Năm 2016, chi phí bán hàng của Tổng công ty chủ yếu tập trung tại Công ty mẹ và Công ty TNHH MTV Thương mại Habeco (hơn 945 tỷ đồng, chiếm 79,6% chi phí bán hàng toàn Tổng công ty), trong đó chi phí bán hàng tại Công ty mẹ gần 586 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo KTNN, Công ty mẹ đã thực hiện chi các chương trình, sự kiện vượt kế hoạch chi phí đã phê duyệt, như: quảng cáo ngoài trời, pano tấm lớn, thay mặt bạt…. vượt 4,7 tỷ đồng; hỗ trợ cho hệ thống phân phối thông qua Công ty TNHH MTV Thương mại Habeco vượt 22 tỷ đồng.

Cũng theo kết quả kiểm toán, năm 2016, Habeco đã thực hiện chi một số khoản chi phí bán hàng với tổng giá trị hơn 116 tỷ đồng cho đối tượng không phải là khách hàng của Công ty mẹ, như chi phí hỗ trợ vận chuyển từ Công ty con đến Đại lý cấp 1; chi phí vật dụng quảng cáo hỗ trợ các nhà hàng; chi phí hỗ trợ theo sản lượng mua hàng cho khách hàng của Công ty TNHH MTV Thương mại Habeco.

Trong mua sắm vật dụng quảng cáo, mặc dù kết quả thực hiện năm 2015 rất thấp nhưng Công ty mẹ vẫn lập kế hoạch mua sắm vật dụng quảng cáo năm 2016 khá cao. Kết quả, năm 2016, Habeco mua vật dụng quảng cáo trên 33 tỷ đồng nhưng tồn kho cuối năm gần 18 tỷ đồng. Theo kết quả kiểm toán, như vậy là việc mua vật dụng quảng cáo còn lãng phí.

Liên quan đến vấn đề quản lý lao động và tiền lương, Habeco đã không xin ý kiến Bộ Công Thương về điều chỉnh kế hoạch năm 2016, cũng như không thực hiện xây dựng và quyết toán quỹ tiền lương theo Nghị định 53/2016/NĐ-CP mà vẫn thực hiện theo Nghị định 50/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Habeco đang áp dụng mức lương cơ bản của cán bộ quản lý cao hơn quy định đối với viên chức quản lý của nhà nước tại DN. Công ty mẹ còn trích khoản quỹ lương hỗ trợ Bảo hiểm xã hội 2,5 tỷ đồng không đúng quy định nên KTNN đã đề nghị phải điều chỉnh giảm quỹ lương của Công ty mẹ 2,5 tỷ đồng.

Trước những bất cập trên, KTNN kiến nghị Sabeco phải nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục. Trước mắt, KTNN đề nghị Habeco chia cổ tức theo số dư đầu tư tài chính ngắn hạn tại Báo cáo tài chính năm 2016 của Công ty mẹ là 1.533 tỷ đồng cho các cổ đông, trong đó chia cho các cổ đông khác trên 279 tỷ đồng và cổ đông nhà nước gần 1.254 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại Sabeco có ý kiến với doanh nghiệp kịp thời chấn chỉnh các sai phạm mà Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra, trong đó có đốc thúc trả khoản nợ 2.500 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước.

Bảo Anh

Theo TieuDung24h