Những 'chiến sĩ thầm lặng' trên mặt trận chống Covid-19

Nhiều doanh nghiệp đang là những chiến sĩ thầm lặng trong cuộc chiến chống Covid-19 để có thể duy trì sản xuất kinh doanh, bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động. Mỗi doanh nghiệp đang là một chiến sĩ trong công cuộc chống dịch.

Dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) được ví như “bóng ma” đè nặng lên nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, gây tổn thất nặng nề. Chỉ riêng tại Hà Nội, tính đến nay ghi nhận khoảng 8.000 cửa hàng đã ngừng kinh doanh và hơn 3.000 doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp đang gồng mình sản xuất để chung tay cùng cả nước chống dịch. TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: "Nhiều doanh nghiệp đang là những chiến sĩ thầm lặng trong cuộc chiến này để có thể duy trì sản xuất kinh doanh, bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động. Mỗi doanh nghiệp đang là một chiến sĩ trong công cuộc chống dịch".

nhung-chien-si-tham-lang-tren-mat-tran-chong-covid-19

TS. Vũ Tiến Lộc nhận định mỗi doanh nghiệp là một "chiến sĩ thầm lặng" trên mặt trận chống Covid-19.

Hiện, Chính phủ đang ban hành nhiều chính sách và biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Cụ thể, đã có 15 văn bản của các bộ, ngành ban hành để hỗ trợ cho doanh nghiệp như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

Bàn về những tác động của dịch Covid-19, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết, do ảnh hưởng của dịch sẽ có 90% số doanh nghiệp chịu tác động theo từng mức độ khác nhau. 

Đơn cử, một số nhà nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã đưa ra lệnh tạm ngừng nhập khẩu các sản phẩm do dịch COVID-19. Điều này đương nhiên tác động mạnh tới xuất khẩu dệt may. Mặc dù chưa nói là sẽ ngừng bao nhiêu, nhưng theo ông Cẩm, đã có đối tác cắt hoàn toàn các đơn hàng xuất khẩu từ các doanh nghiệp Việt.

nhung-chien-si-tham-lang-tren-mat-tran-chong-covid-19

Giữa đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang gồng mình sản xuất để bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động. Ảnh: Thanh Tùng. 

Ông Cẩm cho biết: “Các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực tìm kiếm nguồn cung khác từ trong nước và nguồn từ các nước khác như Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ,… để thay thế nguồn cung từ thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, nguyên vật liệu từ các nguồn cung nói trên chưa đa dạng, phong phú về mẫu mã, giá cả lại cao hơn so với nguồn hàng từ Trung Quốc nên khó đáp ứng các đơn hàng nhỏ lẻ của doanh nghiệp Việt”.

Do đó, với ngành dệt may, dự kiến tăng trưởng có thể giảm khoảng 14%. Nếu quý II trở đi và trong điều kiện khả quan hơn khi hoạt động sản xuất tại Trung Quốc được hồi phục thì có thể kéo theo và duy trì tăng trưởng cho ngành dệt may như trước; quý III và IV, sẽ tăng trưởng mạnh trở lại.

Ông Nguyễn Trọng Phi – Chủ tịch Tập đoàn Giovanni chia sẻ, hơn bao giờ hết, ích lợi của CMCN 4.0 lại được thể hiện rõ nét như bây giờ, khi mà thời điểm mọi người dù phải ở nhà nhưng vẫn điều khiển, xử lý công việc được từ xa. Dù gặp nhiều trở ngại bởi dịch bệnh doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động kinh doanh bằng hình thức trực tuyến.

Theo ông Phi, từ trước khi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có lệnh đóng cửa các Trung tâm thương mại, hàng quán, Giovanni đã đưa ra chiến lược dịch chuyển kênh phân phối từ các gian hàng vật lý (brick-and-mortal) sang kênh phân phối trực tuyến E-commerce và đầu tư phát triển kênh F-commerce (phân phối trên Facebook và mạng xã hội).

Chủ tịch hãng thời trang cho biết, hiện Giovanni thành lập kênh bán lẻ trực tuyến nhằm mục tiêu giúp khách hàng có thể trải nghiệm được những dịch vụ tư vấn không chỉ về thời trang mà còn cả về phong cách sang trọng theo những chuẩn mực của cuộc sống cao cấp.

Giúp khách hàng hiểu về phong cách thời trang và nâng tầm phong cách của họ thông qua dịch vụ tư vấn của Giovanni là sứ mệnh của kênh phân phối này.

Còn theo đại diện Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng thư ký VIDA cho biết, hiệp hội vừa khảo sát, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp. Theo đó, có 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát khẳng định có thiệt hại kinh tế đáng kể do tác động của dịch bệnh.

Cụ thể, tỷ lệ sụt giảm doanh thu quý I/2020 trung bình giảm 30%-50%. Cá biệt, một số doanh nghiệp bị giảm tới 70% doanh thu so với giai đoạn trước dịch.

Bên cạnh đó là áp lực về tài chính, lãi vay đang là gánh nặng với doanh nghiệp trong bối cảnh vẫn phải duy trì các chi phí cố định nhưng doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Lượng hàng tồn lớn dẫn tới tăng chi phí lưu kho bãi, chi phí bảo quản…

Do đó, VIDA kiến nghị Chính phủ, đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, khuyến cáo về tình hình thương mại, cung cấp thông tin thị trường chính xác, cập nhật theo diễn biến dịch bệnh. Đồng thời kích thích các gói cho vay đầu tư trả chậm cho bà con nông dân để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến…

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh:

“Hơn lúc nào hết, liên kết doanh nghiệp là vấn đề vô cùng quan trọng. Đồng thời, tranh thủ đào tạo và đào tạo lại nhân viên trong bối cảnh hiện nay. 

Song song đó, các doanh nghiệp cần tập trung tái cấu trúc, nâng cao năng lực quản trị theo hướng phát triển bền vững. Bởi, các nước sau đại dịch đều sẽ rất quan tâm đến thị trường nội địa. Chính vì lẽ đó, yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số cần phải được chú trọng nhiều hơn trong bối cảnh hiện nay, đi đôi với thúc đẩy hơn nữa tinh thần khởi nghiệp”.

Theo VietQ