Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Không mất cảnh giác với bất kỳ ca lây nhiễm nào trong cộng đồng

Không được mất cảnh giác với mọi ca bệnh mới phát hiện tại cộng đồng, dứt khoát không được bỏ qua bất kỳ khả năng nào dù nhỏ nhất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh sáng 8/4.

Đầu cuộc họp trực tuyến sáng 8/4, thay mặt Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cám ơn Bộ Công an, Hội Chữ Thập đỏ, các địa phương, cơ quan, tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội… đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, tích cực tham gia hiến máu tình nguyện, khắc phục tình trạng thiếu máu điều trị trong mùa dịch.

Tất cả các ca nhiễm trong cộng đồng đều phải coi là ổ dịch tiềm năng

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo cho rằng mặc dù đã thực hiện các giải pháp sớm, mạnh, dứt khoát để ngăn chặn dịch xâm nhập nhưng chúng ta phải chấp nhận thực tế dịch bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng. Bởi trước 0h ngày 22/3, thời điểm chúng ta tạm dừng nhập cảnh tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, thì vẫn còn hàng trăm nghìn người đã nhập cảnh, trong đó có rất nhiều người đến từ các nước có dịch.

Thống kê của Bộ Y tế sáng 8/4 cũng cho thấy, trong 251 trường hợp nhiễm bệnh (tính đến sáng 8/4), có 156 người từ nước ngoài (chiếm 62,6%); 95 người lây nhiễm thứ phát (chiếm 37,4%).

pho-thu-tuong-vu-duc-dam-khong-mat-canh-giac-voi-bat-ky-ca-lay-nhiem-nao-trong-cong-dong

Các đại biểu tại cuộc họp thống nhất quan điểm không được mất cảnh giác với mọi ca bệnh mới phát hiện tại cộng đồng (ảnh minh hoạ)

Vì vậy, ngoài các ổ dịch như quán bar Buddha (TPHCM), Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hay các khu cách ly tập trung, chúng ta không được mất cảnh giác với mọi ca bệnh mới phát hiện tại cộng đồng, dứt khoát không được bỏ qua bất kỳ khả năng nào dù nhỏ nhất; tiếp tục "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng"; coi tất cả người có dấu hiệu dịch tễ đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế là ca có nguy cơ lây nhiễm…; hoàn thiện cơ chế để giám sát, truy vết.

Ban Chỉ đạo thống nhất phải tiếp tục kiên định nguyên tắc phòng chống dịch đã được đưa ra từ đầu cuộc chiến, đó là: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đây là chiến lược không thay đổi.

Đến giờ phút này chúng ta vẫn đang kiểm soát dịch bệnh theo kịch bản dự báo và tới đây sẽ xuất hiện thêm các ca nhiễm cộng đồng. Tất cả các ca nhiễm này đều phải coi là ổ dịch tiềm năng (F0), cùng với việc xác định nguồn lây, quan trọng hơn là phải thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, chúng ta phải quyết liệt, không được chủ quan, mất cảnh giác.

Lấy ví dụ về bệnh nhân 243 ở Mê Linh, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho hay, tìm nguồn lây nhiễm quan trọng nhưng trong trường hợp đã có lây nhiễm trong cộng đồng, ưu tiên hàng đầu là triển khai ngay các giải pháp cách ly, khoanh vùng, dập dịch, không để dịch lan rộng.

"Các địa phương khi gặp các ca nhiễm trong cộng đồng, không được mất cảnh giác, chủ quan, nghĩ ngay rằng các ca nhiễm mới có liên quan ổ dịch cũ", ông Phu nói.

Vị chuyên gia này tiếp tục đề nghị thời gian tới cần quyết liệt thực hiện giãn cách xã hội, không để người nhiễm tiếp xúc với người lành, phát hiện sớm trong cộng đồng các ổ dịch nhỏ, khoanh vùng, cách ly sớm nhất.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn khẳng định lực lượng công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế thực hiện "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng". 1-2 ngày qua, dù đang trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội, nhưng đã xuất hiện tình trạng người dân ra khỏi nhà nhiều hơn. Do đó, cần kiên quyết chấn chỉnh tránh tâm lý chủ quan, lơi lỏng.

Hoàn thiện phác đồ điều trị hiệu quả nhất

Về tình hình điều trị các ca bệnh COVID-19 ở Việt Nam, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, đến sáng nay, đã có 126 bệnh nhân COVID-19 bình phục, hiện còn 125 bệnh nhân đang điều trị. Điều này có nghĩa là tỷ lệ người được chữa khỏi so với tổng ca nhiễm đã vượt quá 50%. 

Ông Khuê cho hay, điều quan trọng hàng đầu là chúng ta đã chỉ đạo tập trung hoàn thiện phác đồ điều trị hiệu quả nhất, không để người nhiễm bệnh nhẹ chuyển sang nặng, hạn chế tối đa người tử vong.

Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức lại hệ thống trong bệnh viện, nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

Theo đó, tất cả những người đến khám có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng đều cần được coi là có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 (F1). Trường hợp người bệnh cấp cứu chưa khai thác được yếu tố nguy cơ thì kíp cấp cứu phải mang đầy đủ trang phục phòng hộ cá nhân như khi cấp cứu người nhiễm COVID-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị tăng cường thực hiện yêu cầu "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" mở rộng đối tượng rà soát không chỉ người từ nước ngoài về hay những người đến từ hoặc đi qua các ổ dịch. Ban Chỉ đạo thống nhất nguyên tắc phải tăng cường bảo vệ cho các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh không chỉ công an, y tế, quân đội mà cả thành viên Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tham gia phòng, chống dịch tại địa phương…

Trừ trường hợp bệnh nặng, cấp cứu, người dân cần liên hệ với cơ sở y tế để được hướng dẫn, đặt lịch hẹn khám trước… và thực hiện đầy đủ các quy định phòng bệnh của bệnh viện.

Cũng theo báo cáo của Tiểu ban Hậu cần (Ban Chỉ đạo), các doanh nghiệp trong nước đã chủ động được nguồn nguyên liệu và bảo đảm sản xuất đủ khẩu trang y tế, một số trang thiết bị bảo hộ để dùng trong các cơ sở y tế, cung cấp cho các lực lượng làm nhiệm vụ. Ngoài ra còn có khẩu trang vải kháng khuẩn, chống giọt bắn phù hợp cho người dân sử dụng và khuyến khích xuất khẩu. Bộ Y tế mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, mở rộng dây chuyền sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ và một số trang thiết bị y tế.

Theo GiaDinh