Sản lượng tăng nhưng lợi nhuận của người nuôi tôm giảm

Giá tôm nguyên liệu năm nay giảm 20 - 25% so với cùng kỳ, trong khi giá điện và các nguyên vật liệu đầu vào đều tăng, nhất là mặt hàng thức ăn tăng, nên lợi nhuận của người nuôi tôm ở Sóc Trăng không cao.

Ngày 25/11, UBND tỉnh tổng kết vụ nuôi tôm nước lợ năm 2015 theo đó, trong số 50.600 ha nuôi tôm nước lợ năm 2015 thì diện tích tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh chiếm 83% toàn tỉnh.

Năm 2015, diện tích bị thiệt hại chỉ chiếm 22% diện tích thả nuôi, giảm 18% so với năm 2014. Năng suất bình quân đối với tôm thẻ là 3,7 tấn/ha, tôm sú nuôi quảng canh cải tiến là 0,5 tấn/ha, bán thâm canh 1,44 tấn/ha và thâm canh là 3,4 tấn/ha, góp phần đưa sản lượng tôm nuôi cả năm ước đạt 90.620 tấn, đạt 100,7% kế hoạch, bằng 110,2% so với năm 2014.

Giá tôm nguyên liệu năm nay giảm 20 - 25% so với cùng kỳ, trong khi giá điện và các nguyên vật liệu đầu vào đều tăng, nhất là mặt hàng thức ăn tăng từ 1.500 - 2.500 đồng/kg so với cùng kỳ, nên lợi nhuận của người nuôi tôm không cao.

Trong số 25.131 hộ đã thu hoạch, có 19.731 hộ có lãi nhưng nhìn chung mức lãi không cao so với suất đầu tư. Theo kế hoạch, diện tích thả nuôi tôm nước lợ năm 2016 của tỉnh là 45.500ha; trong đó, tôm sú 22.500ha và tôm thẻ 23.000ha, với sản lượng tương ứng là 20.000 tấn và 70.000 tấn.

Để đảm bảo thành công vụ nuôi tôm nước lợ 2016, UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo ngành nông nghiệp chú trọng tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị là khâu đột phá quan trọng, để từ đó khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia. Cần tuyên truyền để người nuôi biết và hiểu được những cơ hội cũng như thách thức khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.

                                                              Theo Lê Quốc Khánh ( đaidoanket )