Sẽ tăng mức phạt đối với hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe



Thời gian vừa qua nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc do tài xế sử dụng rượu bia khiến dư luận vô cùng bức xúc. Hiện nay Chính phủ đã giao Bộ GTVT xem xét sửa đổi lại Nghị định 46 theo hướng tăng mức xử phạt.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 4/5, vấn đề về mất an toàn giao thông thời gian qua do các tài xế ô tô sử dụng rượu bia là chủ đề được các nhà báo, phóng viên quan tâm đặt câu hỏi cho Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ về việc có nên tăng nặng hình phạt đối với hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe.

se-tang-muc-phat-doi-voi-hanh-vi-su-dung-ruou-bia-khi-lai-xe
Vụ tai nạn tại hầm Kim Liên rạng sáng ngày 1/5 vừa qua là điển hình về hậu quả của việc sử dụng rượu bia.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết, hiện nay chúng ta đang có Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm an toàn giao thông đường bộ và đường sắt. Vừa rồi, có nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải xem xét và sửa đổi lại Nghị định 46 theo hướng tăng mức xử phạt. Hiện nay, Bộ đang thực hiện nhiệm vụ này và sẽ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 46 này trong tháng 6/2019.

Trả lời câu hỏi của báo giới về Luật Phòng chống tác hại của rượu bia trong bối cảnh vừa qua nhiều vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng do tác hại của rượu bia, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, quan điểm Bộ Y tế được Chính phủ đồng tình là 'chúng ta cần quan tâm đến nội dung làm thế nào để kiểm soát được rượu bia. Hai nội dung về quản lý quảng cáo rượu bia và giờ bán rượu bia đã được đưa ra tại dự thảo cuối cùng. Nội dung này chúng tôi cũng đã báo cáo Chính phủ và ngày 22/4 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký văn bản. Ngày 3/5 lãnh đạo Bộ Y tế đã có văn bản báo cáo với cơ quan chức năng, Quốc hội đề nghị giữ lại 2 nội dung kiểm soát quảng cáo rượu bia và giờ bán rượu bia'.

se-tang-muc-phat-doi-voi-hanh-vi-su-dung-ruou-bia-khi-lai-xe

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường

Ngoài ra Quốc hội cũng đề nghị thay đổi tên từ Luật Phòng, chống tác hại rượu bia sang Luật Phòng chống tác động có hại và kiểm soát rượu bia vì sức khoẻ cộng đồng. Bộ Y tế cho rằng tên này quá dài, thứ hai, không chỉ sức khoẻ vì thực tế tác động rượu bia còn liên quan đến tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục, nên không thể nói là chỉ mỗi sức khoẻ. Vì vậy, chúng tôi cũng đề nghị giữ lại tên như cũ theo quan điểm xuyên suốt của Bộ Y tế là Luật Phòng chống tác hại rượu bia.

Đặc biệt, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc đến tình hình xã hội, an ninh trật tự gây bức xúc như vừa qua xảy ra nhiều sự cố về giao thông, điển hình là việc đi ngược chiều trên cao tốc, việc sử dụng ma túy, rượu bia lái xe gây tai nạn nghiêm trọng, hay tình trạng buôn bán ma túy phức tạp, bắt giữ nhiều vụ ma túy lớn tại Việt Nam…

“Đây đang là vấn đề nóng, bức xúc mà các cơ quan đang tập trung xử lý”, Bộ trưởng Dũng nói.

Theo GiaDinh