Thân thế, sự nghiệp cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã từ trần vào hồi 20 giờ 10 phút, ngày 22 tháng 4 năm 2019 tại nhà Công vụ, số 5A, phố Hoàng Diệu, Thành phố Hà Nội, hưởng thọ 99 tuổi

Cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh là Chủ tịch nước thứ tư của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trước đó, ông từng là một tướng lĩnh QĐND Việt Nam với hàm Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam (1987–1991), Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam (1986–1987).

than-the-su-nghiep-co-chu-tich-nuoc-le-duc-anh
Cố chủ tịch nước Lê Đức Anh

Quá trình công tác

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, sinh ngày 1/12/1920 tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế, quê quán tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 5/1938.

Năm 1944, ông tổ chức và Phụ trách các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh.

Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam Lê Đức Anh trong Chiến tranh Việt Nam.

Tháng 8 năm 1945, ông tham gia quân đội, giữ các chức vụ từ Trung đội trưởng đến Chính trị viên Tiểu đoàn, chi đội 1 và Trung đoàn 301. Từ tháng 10 năm 1948 đến năm 1950, ông là tham mưu trưởng các Quân khu 7, Quân khu 8 và đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ năm 1951 đến 1954, giữ chức tham mưu phó, quyền tham mưu trưởng bộ tư lệnh Nam Bộ.

Sau Hiệp định Genève, ông tập kết ra Bắc. Tháng 5 năm 1955, ông được cử giữ chức Cục phó Cục Tác chiến, rồi Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu; hàm Đại tá (1958). Từ tháng 8 năm 1963, ông giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 2 năm 1964, ông được điều vào Nam với bí danh Sáu Nam, giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Miền Nam. Năm 1969, được điều về làm Tư lệnh Quân khu 9.

Cuối năm 1974, ông được điều trở lại chức Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam và được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Năm 1975, ông được cử giữ chức Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam đánh vào Sài Gòn.

Từ tháng 5 năm 1976, ông là Tư lệnh Quân khu 9. Đến tháng 6 năm 1978, là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, chỉ huy trưởng cơ quan tiền phương Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây-Nam; được phong Thượng tướng năm 1980.

Năm 1981, khi đang giữ chức Tư lệnh Quân khu 7, ông được phân công kiêm chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Phó trưởng ban, rồi Trưởng ban lãnh đạo chuyên gia Việt Nam tại Campuchia. Năm 1984, ông được phong hàm Đại tướng.

Tháng 12 năm 1986, ông được cử giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ ngày 16 tháng 2 năm 1987[2] đến 10 tháng 8 năm 1991, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, phó bí thư thứ nhất Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Năm 1991 là Thường trực Bộ chính trị. Năm 1992, ông được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bầu vào chức vụ Chủ tịch nước.

Ông cũng là Ủy viên BCH TƯ khóa IV-VIII, Ủy viên Bộ Chính trị khóa V-VIII, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; đại biểu Quốc hội khóa VI, VIII, IX.

Từ tháng 9 năm 1997, ông nghỉ chức vụ Chủ tịch nước, sau đó trở thành Cố vấn Trung ương Đảng. Đến năm đến tháng 4 năm 2001, ông chính thức nghỉ hưu.

Các huân huy chương được vinh danh:

Đại tướng Lê Đức Anh được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, cùng nhiều Huân, huy chương cao quý khác.

Năm 2008, ông được Đảng Cộng sản Việt Nam tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Năm 2013, ông được Đảng Cộng sản Việt Nam tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Năm 2018, ông được Đảng Cộng sản Việt Nam tăng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.

Theo Infonet