Thuốc giải độc tố trong patê Minh Chay: rất hiếm, giá 185 triệu đồng/lọ

Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết đây là lần đầu tiên trung tâm tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc độc tố botulinum, vì vậy không có sẵn thuốc giải độc đặc hiệu, phải nhập từ Thái Lan về.

thuoc-giai-doc-to-trong-pate-minh-chay-rat-hiem-gia-185-trieu-dong-lo

Bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn patê Minh Chay đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM (ảnh chụp chiều 31-8) - Ảnh: D.PHAN

Trong sáng 31-8 đã có thêm 4 người từng ăn patê Minh Chay và có các biểu hiện nói khó, thở khó, yếu cơ… vào Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Trước đó đã có 6 người vào bệnh viện này, trong đó có 1 người rất nặng, đã thở máy khoảng 1 tháng nay.

Chị Nguyễn Thị L. và Vũ Thị Hải V. là 2 trong số 4 bệnh nhân đã đến khám tại Trung tâm chống độc ngày 31-8 với cùng biểu hiện giống nhau sau khi ăn patê Minh Chay. Theo chị L., chị ăn patê trong 2 bữa trưa và chiều 12-8, đến 13-8 bắt đầu có dấu hiệu lạ (nói khó, yếu cơ, mệt mỏi...). 

Sau khi khám và điều trị tại bệnh viện ở Thái Nguyên 2 ngày nhưng không rõ bệnh, chị được chuyển xuống Hà Nội, điều trị từ ngày 18 đến 31-8 tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội nhưng không phát hiện được nguyên nhân, bệnh viện đã gửi mẫu xét nghiệm đi Hàn Quốc cũng không tìm ra nguyên nhân dẫn đến chứng yếu cơ của chị.

"Hôm 29-8, tôi đọc báo mới biết tình trạng của tôi có liên quan đến patê Minh Chay mà tôi ăn. Sáng 31-8, tôi đã chuyển sang Trung tâm chống độc điều trị, mang theo cả hộp patê dở đến xét nghiệm tại bệnh viện" - chị L. nói ngay sau khi trao mẫu xét nghiệm là hộp patê chay cho đại diện Trung tâm chống độc.

Ngoài ra, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, có 2 bệnh nhân (vợ chồng 68 và 70 tuổi) đang điều trị tại bệnh viện, người chồng rất nặng, đang thở máy, ngoài ra có 4 bệnh nhân khác biểu hiện nhẹ hơn.

Trong khi đó, ngày 31-8, bác sĩ Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết khoa vừa tiếp nhận thêm ca bệnh có liên quan việc sử dụng sản phẩm patê Minh Chay.

Bệnh nhân là nam, được chuyển đến bệnh viện điều trị cách đây vài ngày và từ tối 30-8 được chuyển qua khoa bệnh nhiệt đới tiếp tục điều trị trong tình trạng bị liệt, phải thở máy.

Ngoài ra, bác sĩ Trần Văn Sóng - phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - cho biết đơn vị đang điều trị cho bệnh nhân L.T.T.H. (41 tuổi, ngụ P.Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) từ ngày 12-8 do liên quan đến sử dụng patê Minh Chay. Tính đến nay, TP.HCM ghi nhận 9 bệnh nhân phải nhập viện điều trị sau khi ăn patê Minh Chay.

Bệnh nhân phải thở máy trong... 2 tháng

Trao đổi với báo chí ngày 31-8, ông Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - cho biết đây là lần đầu tiên trung tâm tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc độc tố này, vì vậy trung tâm không có sẵn thuốc giải độc đặc hiệu. 

Giữa tuần trước trung tâm đã có giấy phép do Bộ Y tế cấp và ngày 29-8, hai lọ thuốc giải độc đã được nhập từ Thái Lan về nước, được sử dụng luôn cho 2 bệnh nhân nặng nhất.

Giá mỗi lọ thuốc này lên tới 8.000 USD (khoảng 185 triệu đồng), được Tổ chức Y tế thế giới tài trợ. Với những bệnh nhân nhẹ hơn, ông Nguyên cho biết sẽ điều trị bổ trợ là chính, do đã hết thuốc giải độc nêu trên, hơn nữa biểu hiện bệnh của bệnh nhân nhẹ hơn.

"Bệnh nhân ngộ độc nặng độc tố có trong patê Minh Chay phải thở máy (Bệnh viện Bạch Mai có 1 bệnh nhân nặng trong số gần 10 người đến khám và điều trị) dự kiến phải thở máy trong 2 tháng, thời gian hồi phục cũng sẽ kéo dài vài tháng nữa" - ông Nguyên nói.

 

Yêu cầu thống kê bệnh nhân ngộ độc

Sáng 31-8, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Bệnh nhiệt đới TP.HCM yêu cầu thống kê danh sách bệnh nhân ngộ độc do độc tố botulinum có trong patê Minh Chay, báo cáo diễn biến của bệnh nhân và những kinh nghiệm trong phát hiện, chẩn đoán ca bệnh, báo cáo khẩn về Cục Quản lý khám chữa bệnh.

Đến nay đã có khoảng 20 bệnh nhân có những dấu hiệu liệt cơ, nhược cơ, khó thở... phải vào viện liên quan đến patê Minh Chay.

L.Anh- H. Lộc

Theo Tuổi trẻ

-----

Xem thêm:

Vụ độc tố trong Pate Minh Chay: gần 1.300 người ở TP.HCM đã mua hàng

Đó là thông tin bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - đưa ra tại cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 của UBND TP chiều 31-8.

vu-doc-to-trong-pate-minh-chay-gan-1-300-nguoi-o-tp-hcm-da-mua-hang

Bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - phát biểu tại cuộc họp trực tuyến - Ảnh: THẢO LÊ

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, sau khi Bộ Y tế cảnh báo thực phẩm Pate Minh Chay có chứa độc tố cực mạnh, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã có văn bản gửi 24 quận, huyện đề nghị phối hợp thu hồi, cảnh báo người dân không sử dụng sản phẩm này.

Bà Lan cho rằng sau kiểm nghiệm, Bộ Y tế xác định một số sản phẩm Pate Minh Chay ở các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum type B. Đây là vi khuẩn kỵ khí tuyệt đối, sinh bào tử, độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.

Theo bà Lan, Bộ Y tế đã có chỉ đạo thu hồi toàn bộ sản phẩm của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới, không chỉ là thực phẩm Pate Minh Chay.

"Đây không phải là ngộ độc thực phẩm thông thường, nhiều bệnh nhân có triệu chứng nặng, nguy cơ tử vong là có", bà Lan nói.

Bà Lan cho biết Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM xác định có 1.290 khách hàng đặt mua sản phẩm qua hình thức trực tuyến với 1.559 hộp trong tháng 7 và tháng 8. Đơn vị đã gọi điện trực tiếp đến khách hàng để cảnh báo người dân không được ăn, cách ly sản phẩm và có biện pháp thu hồi.

Bên cạnh đó, bà Lan đề nghị các quận huyện tích cực phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM khẩn trương rà soát các cửa hàng, thu hồi toàn bộ các sản phẩm của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Thanh Liêm - phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM - chỉ đạo các quận huyện có lên phương án phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đảm bảo thu hồi toàn bộ sản phẩm.

Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM có trách nhiệm phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM tuyên truyền kịp thời đến người dân không sử dụng thực phẩm này.

Thảo Lê - Thu Hiền

Theo Tuổi trẻ