VietinBank bị 4 công ty kiện đòi gần 1.000 tỷ đồng!

Sau khi TAND TP Hồ Chí Minh tuyên bị án Huỳnh Thị Huyền Như thêm án chung thân tại phiên tòa ngày 9/2 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng thời phải chịu trách nhiệm bồi thường trên 1.085 tỷ đồng cho 5 công ty. Vì vậy 4/5 công ty này đồng loạt kháng cáo, riêng bị án Như thì… “buông xuôi”!

VietinBank bị 4 công ty kiện đòi gần 1.000 tỷ đồng!
Bị án Huỳnh Thị Huyền Như (trái) và bị án Võ Anh Tuấn - Ảnh: internet.

Công ty Hưng Yên… bỏ cuộc chơi

Trước đó tại phiên tòa sơ thẩm ngày 9/2, HĐXX đã tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như chung thân (tổng hợp 2 án là chung thân), Võ Anh Tuấn 7 năm tù (tổng hợp 2 án là 27 năm tù). Sau khi tòa tuyên án, Huyền Như không kháng cáo. Còn bị án Anh Tuấn cùng 4/5 Công ty nguyên đơn dân sự, gồm:  Cổ phần Chứng khoán Saigonbank – Berjaya (SBBS), Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông (Công ty ORS), Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu), Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại An Lộc (Công ty An Lộc) kháng cáo. Riêng Công ty Cổ phần Đầu tư Hưng Yên (Công ty Hưng Yên) không kháng cáo.

Lý do 4 công ty nêu trên kháng cáo vì tại phiên tòa ngày 9/2, đại diện Viện KSND TP Hồ Chí Minh cho rằng hành vi của Huyền Như chiếm đoạt trên 1.085 tỷ đồng của 5 công ty nêu trên là hành vi lừa đảo, không phải tham ô tài sản.

Sau đó HĐXX tuyên về trách nhiệm dân sự, Huyền Như phải trả số tiền 1.085 tỷ đồng (số làm tròn) chiếm đoạt của 5 công ty: trên 200 tỷ đồng (Công ty Hưng Yên), trên 170 tỷ đồng (Công ty An Lộc), 380 tỷ đồng (Công ty Phương Đông), gần 125 tỷ đồng (Công ty Toàn Cầu), gần 210 tỷ đồng (Công ty SBBS). Bị án Tuấn Anh liên đới trách nhiệm số tiền trên 200 tỷ đồng của Công ty Hưng Yên. Việc tuyên Huyền Như phải trả số tiền trên đồng nghĩa VietinBank vô can!

VietinBank bị 4 công ty kiện đòi gần 1.000 tỷ đồng!
Cán bộ, nhân viên Cổ phần Chứng khoán Saigonbank – Berjaya giăng biểu ngữ tại sân tòa.

Lỗi thuộc về VietinBank?

Tại phiên tòa 9/2, tất cả các luật sư bảo vệ cho 5 công ty nêu trên đều có chung quan điểm cho rằng lỗi thuộc về VietinBank. Vì vậy VietinBank phải có trách nhiệm trả tiền gốc và lãi suất cho 5 công ty theo quy định của pháp luật. Luật sư Nguyễn Minh Tâm và luật sư Nguyễn Thị Minh Phương (bảo vệ quyền lợi cho SBBS), khẳng định:

“Tài khoản do SBBS mở tại VietinBank chi nhánh TP Hồ Chí Minh là hợp lệ, hợp pháp theo quy định của pháp luật. Điều này đã được chính đại diện VietinBank xác nhận trước phiên tòa. VietinBank đã có lỗi trong việc để Huyền Như chiếm đoạt tiền từ tài khoản của SBBS.

Căn cứ  pháp lý để đưa ra kết luận này là điều 12 của quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và tổ chức tín dụng ban hành kèm theo quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN ngày 21/11/2002 của NHNN. Chính những sơ hở trong cơ chế quản lý nghiệp vụ nội bộ VietinBank chi nhánh TP Hồ Chí Minh là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Huyền Như chiếm đoạt tiền của SBBS”.

Cũng theo luật sư Tâm, trong các đơn yêu cầu gửi TAND, đại diện SBBS luôn đề nghị tòa tuyên buộc VietinBank phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho SBBS số tiền vốn gần 210 tỷ đồng, lãi phát sinh theo quy định của pháp luật trên 15 tỷ đồng.

Tiếp tục tiệu tập lãnh đạo VietinBank TP Hồ Chí Minh

Ngoài 5 công ty nêu trên là nguyên đơn dân sự, phiên tòa cũng triệu tập đại diện của Vietinbank và 17 cá nhân khác đến tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Trong số 17 cá nhân được triệu tập có ông Trương Minh Hoàng (Phó Giám đốc VietinBank chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cùng 2 nguyên Phó Giám đốc là ông Nguyễn Văn Sẽ, bà Nguyễn Thị Minh Hương. Tại các phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như trước kia, ông Sẽ và bà Hương luôn có cớ để vắng mặt dù tòa triệu tập nhiều lần.

Tại phiên tòa này, chủ tọa là thẩm phán Đặng Văn Thành cùng 2 thẩm phán khác tham gia HĐXX, gồm: ông Võ Văn Cường, ông Huỳnh Sáng. Kiểm sát viên cấp cao tham gia phiên tòa là ông Hồ Sỹ Hoàn.

Theo TieuDung24h