5 lý do bạn nên đến Hà Nội vào mùa xuân

Đừng chìm vào trong cái lạnh của tiết trời miền Bắc mà quên đi mùa xuân đang đến rất gần. Nếu còn băn khoăn không biết du xuân ở đâu, hãy đến với Hà Nội để chiêm ngưỡng hương sắc mùa xuân của thủ đô.

5-ly-do-ban-nen-den-ha-noi-vao-mua-xuan 1

1. Thời tiết chiều lòng người

Nếu Hà Nội mùa đông khiến bạn cảm thấy tê tái vì cái lạnh cắt da cắt thịt thì khi xuân về, thời tiết trở nên ấm áp hơn với chút nắng nhẹ xen lẫn những cơn mưa phùn lây phây sẽ làm bạn cảm thấy nao nao lòng.

Đến Hà Nội khi mùa xuân tới, du khách sẽ được chứng kiến quang cảnh thành phố "thay áo mới". Những cây cối khô cằn, trụi lá trong mùa đông lạnh giá sẽ được thay thế bằng chồi non lộc biếc đâm chồi mơn mởn.

Hà Nội vào xuân vẫn phảng phất đôi chút se se lạnh còn sót lại của mùa đông nên khi đến đây, bạn nhớ mặc một chiếc áo khoác nhẹ để tránh bị lạnh.

2. Mùa xuân hoa đào tươi thắm

Tháng giêng là tháng xuân sang, hoa đào kheo sắc khắp phố phường Hà Nội. Những cánh đào mỏng manh trong tiết trời se lạnh phảng phất hạt mưa bụi khiến lòng người xao xuyến. Đủ loại hoa đào đua nhau nở rộ len lỏi vào từng ngóc ngách, từng ô cửa mang không khi mùa xuân lan tỏa đi khắp đất trời.

5-ly-do-ban-nen-den-ha-noi-vao-mua-xuan 2

Hoa đào báo hiệu xuân sang.

Cành đòa báo hiệu mùa xuân gợi nhắc con người về gia đình, về những bữa cơm sum vầy, quây quần ấm cúng, cả nhà cùng nhau trò chuyện, nói lời chúc xuân sang.

3. Những làng hoa rực rỡ sắc xuân

Đến Hà Nội mùa xuân du khách không thể nào bỏ lõ cảnh sắc tuyệt vời của những làng hoa đang độ rực rỡ. Xuân về, người Hà Nội thường rủ nhau đến thăm những vườn hoa quanh thành phố để vừa thưỡng hoa, vừa tận hưởng không khí xuân.

Nhắc đến làng hoa ở Hà Nội, không thể không nói đến làng đào Nhật Tân. Nhật Tân nổi tiếng từ lâu với giống đào bích hoa đẹp, sắc thắm... Mỗi dịp tết đến xuân về, giới trẻ Hà Nội lại nô nức kéo nhau đến những vườn đào Nhật Tân để ghi lại những khoảnh khắc rực rỡ của năm mới với những tà ào dài thướt tha bên phong bao lì xì, câu đối đỏ thắm. Bên cạnh đào, quất phục vụ dịp Tết, làng hoa Nhật Tân còn trồng rất nhiều luống cúc, bách nhật, hoa bướm...

5-ly-do-ban-nen-den-ha-noi-vao-mua-xuan 3

Làng Nhật Tân rực rỡ sắc hoa mỗi độ xuân về.

Cách trung tâm Hà Nội chưa đến 20km, bạn có thể ghé thăm làng hoa Tây Tựu - một làng nghề trồng hoa lâu đời của thủ đô Hà Nội. Nơi đây trồng chủ yếu là các loại hoa cúc, từ cúc đại đóa vàng, trắng, cho đến cúc chi, cúc tím, hồng. Ngoài ra, không thể thiếu violet, thược dược, đồng tiền, hoa hồng... rất được ưa chuộng để trang trí lẫn trưng bày trên bàn thờ dịp lễ.

4. Mùa xuân - mùa hoa ban, hoa sưa

Hà Nội 12 tháng trong năm, mỗi tháng lại là một mùa hoa. Ghé thăm vùng đất kinh kì ngàn năm vào dịp xuân về du khách sẽ được chiêm ngưỡng hoa ban, hoa sưa nở rộ trên khắp các con phố.

Khi những cánh đào rụng xuống là lúc những tán hoa sưa li ti bắt đầu nở rộ và phủ trắng những tán cây xanh mướt, Hà Nội lại trở nên sáng bừng với màu trắng tinh khiết của hoa sưa.  Hoa sưa đẹp nhưng mùa hoa lại ngắn, nở rất nhanh nhưng cũng chóng lụi tàn. Có khi chỉ sau một đêm hoa đã nở trắng trời như một món quà bất ngờ không hẹn trước. Nhưng rồi lại nhanh chóng rụng xuống theo gió,mưa xuân, nhường chỗ cho sắc lá xanh non.

 

5-ly-do-ban-nen-den-ha-noi-vao-mua-xuan 4

Hoa sưa trắng trời Hà Nôi.

Xuân về, đường phố Hà Nội bỗng trở nên thơ mộng hơn bởi sắc màu của hoa ban tím. Không phải là loài hoa bắt nguồn từ Hà Nội, nhưng hoa ban đã gắn bó và trở nên thân thiết với mảnh đất này. Mùa xuân, hoa ban nở tím biếc trên phố và tạo nên khung trời tím lãng mạn, mộng mơ.

5-ly-do-ban-nen-den-ha-noi-vao-mua-xuan 5

Hoa ban tím mộng mơ giữa tiết trời xuân Hà Nội.

5. Mùa lễ hội

Mùa xuân là mùa của lễ hội. Trong không khí rộn ràng của mùa xuân, khắp nơi trên thành phố cũng náo nức với những lễ hội đầu năm. Hàng loạt lễ hội truyền thống được tổ chức để ghi nhớ những dấu ấn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt như hội gò Đống Đa (mùng 5 tháng Giêng) được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của Vua Quang Trung - người anh hùng kiệt xuất trong lịch sử chống giặc Thanh của dân tộc, lễ hội đền Sóc (6-7 tháng Giêng) thờ Thánh Gióng - vị thánh có công đánh đuổi giặc Ân, hội đền Hai Bà Trưng (mùng 6 tháng Giêng) tưởng nhớ công lao của hai Bà Trưng phát động khởi nghĩa nhằm đánh đuổi giặc Đông Hán, lễ hội Cổ Loa (6-8 tháng Giêng) tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương - người được Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi...

Đặc biệt, du khách không thể bỏ qua hội Chùa Hương - lễ hội có thời gian kéo dài nhất ở nước ta. Du khách đến chùa Hương không chỉ cầu mong một năm mới may mắn, bình an mà còn được thưởng ngoạn phong cảnh sông nước hữu tình.

5-ly-do-ban-nen-den-ha-noi-vao-mua-xuan 6

Du xuân chùa Hương.

Ngoài ra, khách du lịch cũng có thể đến thăm quan nhiều điểm du lịch tâm linh khác trong địa bàn Hà Nội như chùa Thầy, chùa Trăm Gian, chùa Tây Phương...

Theo TH (vntinhnhanh)