6 bệnh ung thư vùng đầu cổ dễ bị bỏ qua, bác sĩ lưu ý 7 dấu hiệu chung

Cũng giống như các bệnh ung thư khác, điểm mấu chốt để điều trị thành công cho bệnh nhân ung thư vùng đầu cổ là phát hiện sớm. Tuy nhiên, triệu chứng của nhóm bệnh này lại rất dễ bị xem nhẹ hoặc hiểu lầm với các “bệnh vặt” khác.

Vùng đầu và cổ chứa nhiều cơ quan và mô quan trọng. Theo chức năng được chia thành đường hô hấp trên và một phần của đường tiêu hóa trên. Ung thư vùng đầu cổ là những khối u ác tính ở vùng đầu và cổ, bao gồm miệng, mũi, họng, thanh quản - hạ họng, khí quản và các xoang.

6 bệnh ung thư vùng đầu cổ thường gặp

Ung thư vùng đầu cổ thường bắt nguồn từ lớp phủ trên bề mặt bên trong của vùng đầu cổ. Thuật ngữ chuyên môn gọi là niêm mạc vùng miệng, mũi, hầu, họng và thường gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào gai. Ung thư vùng đầu cổ cũng có thể xuất phát từ các tuyến nước bọt nhưng tương đối ít gặp.

Trong đó có 6 bệnh ung thư vùng đầu cổ phổ biến nhưng dễ bị bỏ qua do triệu chứng dễ bị hiểu lầm với “bệnh vặt” hoặc xem nhẹ như:

Ung thư vòm họng

Bác sĩ Lưu Giang tại Khoa Phẫu thuật đầu và cổ thuộc Bệnh viện đa khoa số 2 tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) cho biết, ung thư vòm họng là bệnh thường gặp nhất trong nhóm ung thư vùng đầu cổ.

6-benh-ung-thu-vung-dau-co-de-bi-bo-qua-bac-si-luu-y-7-dau-hieu-chung

Ung thư vòm họng rất phổ biến nhưng thường bị phát hiện muộn do xem nhẹ các triệu chứng (Ảnh minh họa)

Ung thư vòm họng xuất hiện từ niêm mạc vùng vòm, nằm ở vị trí trên cùng của họng, ngay sau mũi và dưới nền sọ. Rất khó phát hiện sớm vì giai đoạn đầu triệu chứng không rõ ràng. Rất dễ nhầm lẫn với đau họng, viêm họng, mất tiếng, ngạt mũi hoặc cảm lạnh thông thường.

Ung thư miệng

Ung thư miệng hay ung thư khoang miệng là tập hợp nhóm bệnh trong khoang miệng bao gồm ung thư lưỡi, ung thư sàn miệng, lợi hàm, môi trên, môi dưới, niêm mạc má trong… tùy vào vị trí xuất phát khối u.

Triệu chứng ở giai đoạn sớm thường là cảm giác vướng trong khoang miệng, có thể kèm theo nuốt đau, tăng tiết nước bọt, nói khó, sờ hoặc nhìn thấy khối u (ví dụ khối u ở lưỡi di động). Đó là những gì Giáo sư Tiêu Dư Bình, Trưởng khoa tại Khoa Phẫu thuật Đầu và Cổ Tai mũi họng, Bệnh viện Nhân dân tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) chia sẻ. Ông cũng nhấn mạnh rằng ung thư khoang miệng rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh về răng miệng (nhiệt miệng, nha chu, sâu răng…) hay viêm họng, viêm amidan…

Ung thư tuyến giáp

Tuyến giáp nằm ở phía trước và dưới cổ, là cơ quan nội tiết quan trọng của cơ thể con người. Bệnh xảy ra khi có sự bất thường trong sự phát triển của các tế bào tuyến giáp, là sự xuất hiện của các tế bào ung thư tạo thành khối u ác tính ở vùng tuyến giáp. Ung thư tuyến giáp có 4 dạng: ung thư nhú, ung thư nang, thể tủy và ung thư không biệt hóa.

Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư tuyến giáp là một khối u không đau ở phía trước dưới cổ di chuyển lên xuống khi nuốt. Nhưng bác sĩ Lưu Giang chia sẻ rằng, ít người chú tâm đến khác biệt về hình dáng, u ở cổ. Thậm chí khi bị đau họng, mất tiếng kéo dài cũng chỉ cho rằng mình bị ốm vặt.

Ung thư thanh quản - hạ họng

Ung thư thanh quản - hạ họng là các khối u xuất phát từ lớp biểu mô của thanh quản - hạ họng. Theo lời giải thích của Giáo sư Tiêu Dư Bình, khối u nhỏ nằm ở thanh quản được gọi là ung thư thanh quản. Khối u nhỏ nằm ở hạ họng được gọi là ung thư hạ họng. Tuy nhiên, nhiều khối u được phát hiện khi đã có kích thước to, chúng lan sang nhau và khó phân biệt được xuất phát từ thanh quản hay hạ họng nên thường được gọi chung là ung thư thanh quản - hạ họng.

Triệu chứng của ung thư thanh quản - hạ họng là khàn tiếng kéo dài, tăng dần, mất tiếng, nuốt vướng, nghẹn, đau, khó thở tăng dần, nổi hạch cổ, hạch cổ cùng bên với bên có khối u.

Ung thư xoang mặt

Ung thư xoang mặt là bệnh ung thư xuất phát từ các xoang mặt bao gồm: xoang hàm, xoang sàng trước, xoang sàng sau, xoang trán, xoang bướm. Thường vị trí hay gặp là ung thư ở xoang hàm, xoang sàng. Các xoang có liên quan mật thiết với nhau nên khi bị tổn thương dễ bị lan sang nhau.

6-benh-ung-thu-vung-dau-co-de-bi-bo-qua-bac-si-luu-y-7-dau-hieu-chung

Nhiệt miệng kéo dài có thể là dấu hiệu ung thư nhưng nhiều người xem nhẹ (Ảnh minh họa)

Triệu chứng ban đầu thường hay nhầm lẫn với viêm xoang, viêm mũi là những gì bác sĩ Lưu Giang cảnh báo.

Ung thư tuyến nước bọt

Ung thư tuyến nước bọt bao gồm các tuyến nước bọt chính và phụ, trong đó các khối u tuyến mang tai chiếm 80%, còn lại là các khối u tuyến dưới hàm, dưới lưỡi.

Triệu chứng của ung thư tuyến nước bọt là người bệnh sờ thấy khối u rắn, to dần ở vùng mang tai bên phải hoặc bên trái, hoặc dưới hàm, có thể gây đau… Nhưng dễ bị nhầm lẫn với chấn thương, mọc mụn, cảm, sốt, viêm tai, viêm họng…

7 dấu hiệu chung của nhóm bệnh ung thư vùng đầu cổ

Ngoài 5 bệnh kể trên, nhóm ung thư vùng đầu cổ còn rất nhiều các bệnh ung thư khác hiếm gặp hơn hoặc có triệu chứng khác biệt hơn. Ví dụ như ung thư tuyến nước bọt, ung thư mũi, ung thư hốc mắt, ung thư nội sọ, ung thư thần kinh tiền đình…

6-benh-ung-thu-vung-dau-co-de-bi-bo-qua-bac-si-luu-y-7-dau-hieu-chung

Điều đáng lo ngại là nhiều bệnh ung thư đầu cổ thường bị nhầm lẫn là ốm vặt và tự ý dùng thuốc (Ảnh minh họa)

Giáo sư Tiêu Dư Bình, lý do mà nhóm ung thư vùng đầu cổ được xếp chung với nhau bởi có các đặc tính và cách điều trị gần giống nhau. Trong đó có 7 triệu chứng chung nhất là:

- Bất thường ở cổ như dày lên, màu sắc thay đổi, có khối u - cục rắn, vết loét hoặc mụn lạ.

- Hôi miệng, xuất hiện vết loét, vết sưng hoặc nốt trong khoang hầu họng, khoang miệng (phổ biến nhất là nhiệt miệng) trong hơn hai tuần.

- Đau họng, khó nuốt, cảm giác có dị vật trong cổ họng.

- Khàn tiếng, mất tiếng, giọng nói thay đổi bất thường kéo dài.

- Hay nghẹt mũi, nhất là nghẹt mũi một bên, chảy máu cam nhiều lần.

- Nghe kém một bên, tích nước một bên tai, đầy tai, ù tai bất thường.

- Không bị viêm đường hô hấp trên, nhưng đau họng và đau tai dai dẳng, có thể kèm suy giảm thị lực.

Ông nhắc nhở rằng, khi có dù chỉ 1 trong số 7 dấu hiệu trên nhưng lặp lại hoặc kéo dài thì cần đi tầm soát ung thư ngay. Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vùng đầu cổ. Ví dụ như hút thuốc, uống nhiều bia rượu, chăm sóc răng miệng sai cách, tiếp xúc với bức xạ ion hóa, nhiếm một số loại virus (Epstein Barr, papilloma…), tiếp xúc với khói bụi công nghiệp (bụi nikel, amiăng..).

Theo GiaDinh