92 ca tiên lượng rất nặng, Bộ Y tế tính toán ứng dụng trí tuệ nhân tạo điều trị COVID-19

Theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, Bộ Y tế đang điều chỉnh phác đồ, xây dựng phần mềm có hỗ trợ trí tuệ nhân tạo nhằm phát hiện sớm người bệnh COVID-19 có nguy cơ cao, dễ diễn biến nặng.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, Bộ Y tế đang điều chỉnh phác đồ, xây dựng phần mềm có hỗ trợ trí tuệ nhân tạo nhằm phát hiện sớm người bệnh COVID-19 có nguy cơ cao, dễ diễn biến nặng.

Trên ứng dụng theo dõi này, các bệnh nhân diễn biến nặng sẽ xuất hiện cảnh báo đỏ, giúp các bác sĩ điều trị trực tiếp và chuyên gia đầu ngành dễ dàng theo dõi, đánh giá, sớm đưa ra các chỉ định can thiệp. Ngoài ra, ứng dụng còn hỗ trợ sàng lọc các F1 nguy cơ cao có khả năng tiến triển thành F0.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê. Ảnh: Phạm Thắng

Với nguyên tắc "4 tại chỗ", hệ thống này khi được kết nối với tất cả cơ sở điều trị sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các y, bác sĩ, theo kỳ vọng của Bộ Y tế.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị phần mềm theo tiêu chí quốc tế, cập nhật từ các nước trên thế giới, gồm 5-10 tiêu chí để bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh nhân. 

Ví dụ như khi nhịp thở bệnh nhân tăng 22 lần thì đội ngũ y tế điều trị phải cảnh giác ngay. 

Ứng dụng này cũng thể hiện các chỉ số về nồng độ oxy trong máu, một số chỉ số lâm sàng khác... giúp bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh nhân.

Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh giải thích: Có thể bệnh nhân hiện tại vẫn thấy khỏe nhưng các chỉ số sinh tồn này sẽ cảnh báo cho bác sĩ biết diễn biến tiếp theo để chuyển trạng thái theo dõi và điều trị bệnh nhân, ví dụ chuẩn bị sẵn các thiết bị như oxy, máy thở, phương tiện cấp cứu hoặc chuyển tuyến...

Chiến lược điều trị trong giai đoạn hiện nay tập trung vào khoảng 20% bệnh nhân có thể diễn biến nặng. Trong số này, 10% có thể diễn biến từ biểu hiện ho, sốt, khó thở sang cấp cứu; 5% diễn biến chuyển thành nặng và 5% thành rất nặng.

Hôm qua, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM về ước tính nhu cầu nhân lực để khám, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Theo đó, để các tỉnh, thành phố, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động điều phối, bố trí hợp lý nhân lực chuyên môn, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19, đặc biệt trong tình huống dịch bệnh lan rộng, Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị Bệnh viện Bạch Mai khẩn trương nghiên cứu, đề xuất nhu cầu nhân lực và năng lực thực hiện dịch vụ kỹ thuật bảo đảm công tác khám, chữa bệnh hàng ngày cho người bệnh COVID-19 với 20 giường bệnh tại Khoa Hồi sức tích cực, điều trị cho 20 người bệnh nặng, nguy kịch.

Với hai bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và TP HCM nghiên cứu với 40 giường bệnh, điều trị cho 40 người bệnh không triệu chứng, nhẹ và trung bình.

Tiểu ban Điều trị cho biết tới sáng 27/5, trong số khoảng 3.000 bệnh nhân đang điều trị tại 86 cơ sở y tế có 1.438 (49,3%) bệnh nhân chưa có triệu chứng, 1.339 bệnh nhân (42,5%) có biểu hiện lâm sàng nhẹ.

Ngoài ra, có 95 bệnh nhân tiên lượng nặng, 109 bệnh nhân nặng phải thở oxy gọng kính, 13 bệnh nhân nặng phải thở máy không xâm nhập, 21 bệnh nhân nguy kịch phải thở máy xâm nhập (trong đó 21 ca ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) và 4 ca chạy ECMO (3 ca ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và 1 ca ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM). 

Nếu theo tiêu chí diễn biến điều trị của bệnh nhân, có 82 bệnh nhân diễn biến nặng lên, 92 ca tiên lượng rất nặng, trong đó Bắc Giang và Hà Nội mỗi nơi có 35 ca, Bắc Ninh có 19 ca.

Võ Thu

Theo GiaDinh

----

Xem thêm:

+TP.HCM: Phát hiện chuỗi lây nhiễm COVID-19 tại giáo phái truyền giáo Phục Hưng

+Bộ Y tế cho phép dỡ lệnh cách ly, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư tự nguyện gia hạn 14 ngày phòng COVID-19 xâm nhập

+Xem bản đồ COVID-19, người dân tự theo dõi dịch như thế nào?

----