Ai khiến cho nghệ sĩ dính scandal đất sống?

Search google mỏi tay, cũng chả tìm thấy cụm từ nào liên quan đến những từ đại loại: “Nghệ sĩ A xin lỗi công chúng vì…”. Đã gọi là của hiếm thì “ngài google” cũng bó tay! Bởi “đất có thổ công, sông có hà bá”, ở nước nào thì không biết chứ ở Việt Nam có văn hóa riêng! Phải hiểu tường tận về công chúng Việt, những người tặng cho nghệ sĩ tấm vé thông hành miễn phí được “thoải mái chơi với scandal” nếu thích!

Phông văn hóa chưa đều!

Đó là sự thực trong showbiz Việt! Đã qua cái thời nghệ sĩ được nhớ đến với những vai diễn để đời nào, “đóng đinh” nghệ sĩ với bộ phim nào. Vì nói thật, phim của những nghệ sĩ hotgirl, hotboy đóng, có khi chính họ cũng sẽ quên giá trị nội dung, nghệ thuật của phim khi phim vừa đóng máy! Nghệ sĩ còn quên, sao bắt công chúng phải nhớ!

Cũng thì nghệ sĩ dính scandal, nhưng một nghệ sĩ còn đang chật vật thuê nhà, sẽ khác với nghệ sĩ “thay siêu xe như thay áo”. Đó là tình trạng showbiz hiện nay. Mới đây, một diễn viên gạo cội thuộc thế hệ 5X khi ra mắt cuốn Hồi ký kể về những cuộc tình đã qua. Thì công chúng chửi rủa lên án tơi tả. Công chúng là ai? Công chúng là những thế hệ “mặt búng ra sữa”, thậm chí chưa từng xem những tác phẩm kinh điển của bậc cha chú này. Nhưng “chửi” thì như có cả một giáo trình. Trong khi diễn viên hài MB, bị cảnh sát Mỹ đưa vào nhà tù an dưỡng chờ xét xử vì tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, thì công chúng một mực bênh: “Xin đừng xô anh MB vào đường cùng!”, hoặc “Chị H ơi! Chỉ cần chị hạnh phúc thôi, em yêu chị.”

Chi tiết ám ảnh nhất của công chúng Việt, chính là việc “hôn ghế” lúc thần tượng Hàn rời khỏi chỗ ngồi theo đoàn đi chỗ khác. Điều ấy, thể hiện một sự nhận thức rất thấp của công chúng đối với phông văn hóa tối thiểu của bản thân trước xã hội. Và, với nhận thức này, cũng là điều dễ hiểu, họ dễ bị “dắt mũi” bởi những tuyên ngôn của nghệ sĩ sau mỗi ma trận của scandal.

Hãy lên trang fanpage của nghệ sĩ nổi tiếng. Chỉ cần đọc những comment của công chúng, cũng đủ biết trình độ nhận thức của họ còn hạn chế đến mức nào? Họ sẵn sàng chửi bới thóa mạ bất cứ ai, dù họ chưa một lần gặp, nếu dám “đối đầu” với thần tượng của họ! Họ sẵn sàng bênh vực thần tượng của mình, dù họ có đủ bằng chứng sai. 

Nghệ sĩ thường im lặng vô tội, mặc kệ cho các fans của mình chửi nhau, mạt sát nhau để bảo vệ “cái tôi” ích kỷ của nghệ sĩ. Chính thái độ thiếu hiểu biết đến “cuồng” của fans, khiến nghệ sĩ cảm thấy “ấm lòng” vì được bênh vực, và cho rằng những sai trái của mình là thiếu cơ sở! Không có luật pháp nào bằng tòa án lương tâm! Nhưng tòa án lương tâm ấy đã bị những fans thiếu trải nghiệm, thiếu hiểu biết là  “thủ phạm đồng lõa”. Đồng thời, truyền thông cũng ủng hộ vì “đèn nhà ai, nhà nấy rạng!”

ai-khien-cho-nghe-si-dinh-scandal-dat-song

“Thói xấu” của nghệ sĩ Việt điển hình như danh hài MB có nguy cơ phải trả giá ở nước ngoài.    Ảnh tư liệu

Truyền thông và mạng xã hội “tung hỏa mù”

Truyền thông đưa tin về nghệ sĩ mắc scandal theo kiểu “cả nể”, và có chút bênh vực. Còn mạng xã hội là nơi tự do ngôn luận thì khỏi phải nói, nơi ấy là “thiên đàng” cho nghệ sĩ và fans “mẹ hát con khen hay!”

Điều tệ hại nhất, mạng xã hội chính là nơi mà “hội chứng đám đông” phát triển. Kiểu: “Nếu nghệ sĩ than: Tôi bị oan”, thì lập tức hàng chục ngàn like trong nháy mắt của cú click chuột sẽ đồng cảm với nỗi oan ấy của nghệ sĩ. Chỉ cần thế thôi, những ai “chưa like” cũng sẽ rùng mình kiểu: “Biết đâu cô ấy/anh ấy oan thật.”

Vụ diễn viên hài MB là một điển hình. Ở Việt Nam, anh nói: “Tôi bị oan, tôi bị diễn viên mới vào nghề lợi dụng tên tuổi để nổi tiếng”. Những lời anh nói, công chúng tin, luật pháp tin. Bởi vì “bằng chứng” tố cáo anh không có sức nặng khi anh là người nổi tiếng, giàu có, anh thiếu gì bạn tình tự nguyện mà phải đi lạm dụng tình dục người khác? Nhưng luật pháp Mỹ thì không nghe anh nói: Tôi bị oan! Mà họ âm thầm điều tra MB đến khi đủ những chứng cứ, mới mời anh về nhà tù quận Cam, an dưỡng, chờ xét xử! Và ở đó, công chúng Việt những ai nghĩ anh bị “oan”, thì cần có bằng chứng để thắng với cảnh sát Mỹ. 

Ở Việt Nam, những nghệ sĩ sống cảnh “chém cha cái kiếp lấy chồng chung” hoặc “lạm dụng tình dục học trò/bạn diễn/trẻ vị thành niên” vv… chưa hết đâu! Nhưng bài học đắt giá nhất mà nghệ sĩ Việt có được, có lẽ từ diễn viên hài MB. Bởi chưa có “tấm gương xấu” nào có sức ảnh hưởng lớn hơn thế, phải trả giá đắt hơn thế. Ở showbiz Việt, không có những “bài học đắt giá”, sẽ không có những “lời sám hối” dù muộn mằn!

Đến khi nào công chúng yêu nghệ thuật, có trình độ thưởng thức nghệ thuật thực sự. Biết khen chê mà không sợ mất lòng nghệ sĩ. Biết lên án nếu nghệ sĩ sống sai với đạo đức quy chuẩn xã hội. Lúc ấy, chúng ta mới có những nghệ sĩ thực thụ, dù họ mang cơm thừa từ quán ăn hay đi xe đạp địa hình đến trường quay, thì họ vẫn là những tên tuổi mà công chúng từng biết đến họ, không thể phủ nhận. 

Nếu có một ngày như thế! Thì Việt Nam sẽ có một nền nghệ thuật thực thụ, dù không có oscar, hay bất kỳ giải thưởng nào trên thế giới. Thì 90 triệu công chúng Việt Nam đã đủ sức nặng rồi!

Theo Thanh Lan (PL&XH)