Bảo vệ khóa bánh xe ô tô dừng đỗ sai quy định tại các khu đô thị có đúng quy định?

Việc khóa bánh xe ô tô không phải là một biện pháp hành chính theo quy định pháp luật mà chỉ là những giải pháp "tự phát" tại các khu chung cư...

Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) đang tích cực hoàn thiện hồ sơ để xử lý đối tượng lái xe taxi đâm tử vong nhân viên bảo vệ tại một khu đô thị ở xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm).

Chiều 28/3, anh Trung Dũng (nhân viên bảo vệ tại khu đô thị) đang làm nhiệm vụ thì phát hiện xe taxi dừng đỗ sai quy định. Anh Dũng sau đó đã làm theo quy trình dán biên bản và khóa bánh xe vi phạm.

Đến 17 giờ 7 phút, tài xế taxi đã lái xe (vẫn đang khóa bánh) tông thẳng vào nhân viên bảo vệ từ phía sau khiến nạn nhân bị thương nặng, bất tỉnh.

Anh Dũng sau đó được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức trong tình trạng nguy kịch. Đến khoảng 21h cùng ngày, do vết thương quá nặng, nạn nhân đã tử vong.

bao-ve-khoa-banh-xe-o-to-dung-do-sai-quy-dinh-tai-cac-khu-do-thi-co-dung-quy-dinh

Hiện tượng khóa bánh xe tại các khu đô thị diễn ra khá phổ biến (ảnh minh họa)

Tiến sĩ Đặng Văn Cường- Giảng viên luật hình sự (Trường Đại học Thủy Lợi) khẳng định, đây là một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, gây chết người, cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện hồ sơ xử lý nghiêm người vi phạm để răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội.

Tuy nhiên, từ vụ việc này cũng cần thẳng thắn nhìn nhận một thực tế đó là cơ chế, chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, lực lượng thực hiện nhiệm vụ trong các khu đô thị chưa chuyên nghiệp, thiếu cơ chế giám sát. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của nhiều người chưa tốt dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp giữa lực lượng quản lý, bảo vệ ở khu đô thị với cư dân và với những người khách đến khu đô thị còn xảy ra khá phổ biến ở Việt Nam.

Mâu thuẫn, xung đột giữa lực lượng bảo vệ khu đô thị với cư dân, lái xe taxi và những người khách đến khu đô thị về việc dừng đỗ xe không còn là chuyện hiếm. Thậm chí, nó đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều khu đô thị mới hiện nay bởi còn những quan điểm khác nhau về thẩm quyền của lực lượng bảo vệ cũng như quyền dừng đỗ xe của những người lái xe trong các khu đô thị mới.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến mâu thuẫn, xung đột trong câu chuyện tìm chỗ đỗ xe cũng như xử lý vi phạm về đỗ xe không đúng quy định trong các khu đô thị mới. Trong đó có thể kể đến như: Ý thức chấp hành pháp luật của nhiều người chưa tốt dẫn đến tùy tiện dừng đỗ xe kể cả là dưới lòng đường, vỉa hè... dẫn đến cản trở giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt chung;

Trong các khu đô thị, không phải phần diện tích đường nội bộ nào cũng là phần sử dụng chung, thuộc trách nhiệm quản lý, duy trì trật tự của lực lượng bảo vệ. Có những trường hợp theo nội dung của dự án, của pháp luật và các quyết định của cơ quan chức năng thì sau khi đô thị triển khai xong, đường nội bộ thuộc quyền quản lý của nhà nước nên lực lượng bảo vệ không có thẩm quyền xử lý vi phạm.

Để xác định đâu là phần diện tích sử dụng chung của khu chung cư, khu đô thị, đâu là phần diện tích công cộng, thuộc nhà nước quản lý không phải dự án nào cũng có thể dễ dàng phân biệt. Ngoài ra quy chế quản lý khu chung cư, khu đô thị ở mỗi dự án có thể loại khác nhau dẫn đến cách hiểu, cách áp dụng và xử lý cũng khác nhau.

Đối với các dự án nhà ở chung cư thì phần diện tích sử dụng chung và phần diện tích sử dụng riêng được luật nhà ở quy định rất rõ ràng. Theo khoản 2 (Điều 100, Luật Nhà ở 2014) thì: Đường nội bộ thuộc về phần sở hữu chung của nhà chung cư, cụ thể đây là hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư đó.

Tuy nhiên, Luật Nhà ở cũng chưa có quy định cụ thể về phần sử dụng chung ở trong các khu đô thị mới, không phải ai cũng hiểu rằng khu đô thị mới về khu chung cư là một, áp dụng chung một văn bản quy phạm pháp luật. Có những khu đô thị mới đều là biệt thự liên kề, shophouse, các nhà ở thấp tầng chứ không có chung cư, vậy có áp dụng các quy định về nhà chung cư hay không là vấn đề còn nhiều cách hiểu khác nhau nhau.

Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, về nhà ở đã có nhiều sửa đổi bổ sung và dần đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, các quy định về quản lý khu đô thị mới vẫn còn nhiều nội dung chưa rõ ràng dẫn đến việc áp dụng các quy định về quản lý khu chung cư hay quản lý khu đô thị ở những khu vực hỗn hợp còn có những cách hiểu khác nhau.

bao-ve-khoa-banh-xe-o-to-dung-do-sai-quy-dinh-tai-cac-khu-do-thi-co-dung-quy-dinh

Tiến sĩ Đặng Văn Cường nhận định, hành vi của lái xe taxi là nguy hiểm, cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện hồ sơ xử lý để răn đe

Cũng theo Tiến sĩ Cường, không ít những dự án nhà nước quy định sau khi triển khai xong thì đường nội bộ, hệ thống đường giao thông sát khu đô thị được bàn giao cho nhà nước quản lý. Với những diện tích này thì sẽ quản lý theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, các văn bản pháp luật có liên quan đến tài sản công. Khi đó, hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Giao thông đường bộ và do cơ quan có thẩm quyền thực hiện.

Nếu trường hợp bảo vệ của khu đô thị mà lại xử lý vi phạm đối với các phương tiện dừng đỗ thuộc khu vực nhà nước quản lý thì sai thẩm quyền. Đặc biệt, nếu là hành vi khóa bánh xe, niêm phong, cẩu xe đi nơi khác thì rõ ràng đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân và hoàn toàn có thể gây ra thiệt hại vật chất đối với chủ xe.

Chỉ có những khu vực sử dụng chung, nằm trong sự quản lý của Ban quản lý khu đô thị, Ban quản lý khu nhà ở chung cư thì lực lượng bảo vệ mới được quyền thực hiện nhiệm vụ theo nội dung quy chế quản lý khu đô thị, khu chung cư.

Cũng cần lưu ý rằng, quy chế quản lý nhà chung cư hay quy chế quản lý khu đô thị thì đây là hoạt động tự quản, trên cơ sở nhất trí của chủ sở hữu. Khi có quy chế được xây dựng hợp lệ, hợp pháp thì lực lượng bảo vệ có trách nhiệm thực hiện theo quy chế đó.

Việc xử lý vi phạm có tính chất quy ước, thỏa thuận nội bộ chứ không phải là một chế tài của pháp luật, lực lượng bảo vệ cũng không được lạm quyền để xâm phạm đến tài sản của các cư dân hoặc những người khác.

Nếu có tranh chấp xảy ra thì các bên có quyền yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý, cũng có thể đưa vụ việc đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hiện nay, tại nhiều khu đô thị, lực lượng bảo vệ thực hiện hành vi "khóa bánh xe ô tô" đang gây ra những tranh cãi, xung đột. Việc khóa bánh xe ô tô rõ ràng không phải là một biện pháp hành chính theo quy định pháp luật mà đây là những giải pháp "tự phát" tại các khu chung cư, khu đô thị để có tính chất răn đe đối với những người đỗ xe không đúng nơi quy định.

Việc khóa bánh xe sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, công việc, thậm chí có thể gây hư hại tài sản của người điều khiển phương tiện. Đặc biệt là những phương tiện đắt tiền hoặc những phương tiện mưu sinh. Ngoài ra, thái độ và cách ứng xử giữa người lái xe với lực lượng bảo vệ không phải lúc nào cũng ôn hòa và chuẩn mực. Chính vì vậy việc áp dụng biện pháp khóa bánh xe ở khu đô thị rất dễ gây ra tranh cãi, mâu thuẫn, xung đột gây mất an ninh trật tự.

"Cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật và có những hướng dẫn cụ thể để tăng cường công tác quản lý ở các khu đô thị, khu chung cư. Bên cạnh đó, việc lựa chọn huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng bảo vệ, lực lượng tự quản ở các khu đô thị, khu chung cư cũng cần được quan tâm nhằm giảm bớt những mâu thuẫn, tranh chấp không cần thiết có thể xảy ra", Tiến sĩ Cường phân tích.

Theo GiaDinh