Bầu Thụy và những lần tạo sóng trên thị trường



Đầu tư vào nhiều lĩnh vực, nhưng ở lĩnh vực nào bầu Thụy cũng tạo nên những con sóng ồn ào bằng quyết định được đánh giá là xốc nổi của mình.

Đề xuất xây dựng siêu dự án trên sông Hồng của Chủ tịch Tập đoàn Xuân Thành Nguyễn Đức Thụy, hay còn gọi là bầu Thụy, đang hình thành một đợt sóng ồn ào trong dư luận. Nhưng không phải đến lúc này bầu Thụy mới tạo sóng, trong quá khứ đã có rất nhiều quyết định đầu tư của doanh nhân này gây sốc cho thị trường.

Làm bóng đá theo kiểu ăn xổi

Biệt danh bầu Thụy ra đời trong môi trường bóng đá, khi ông chủ tập đoàn Xi măng Xuân Thành lúc bấy giờ vung tiền ồ ạt mua lại đội bóng chuyên nghiệp và chiêu quân rầm rộ. Nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng, từ khi bước chân vào thế giới bóng đá, bầu Thụy là nhân tố chính làm lũng đoạn bóng đá nước nhà bằng những quyết định xốc nổi.

Bầu Thụy và những lần tạo sóng trên thị trường
Bầu Thụy vung tiền dạo chơi trong thế giới bóng đá. Ảnh: VNN

Sau mùa giải 2010 không thành công với Xuân Thành Hà Tĩnh, bầu Thụy mua suất hạng Nhất của Hòa Phát V&V và đổi tên đội bóng là Sài Gòn Xuân Thành (SG.XT) chơi ở giải hạng Nhất 2011.

Với hầu bao “rủng rỉnh”, SG.XT lôi kéo một loạt ngôi sao mang “mác tuyển” với những bản hợp đồng tiền tỷ như Huỳnh Kesley, Đình Luật, Phước Tứ, Sỹ Mạnh… Giải hạng Nhất năm đó, SG.XT vô địch sớm 5 vòng đấu, giành quyền lên chơi ở V.League 2012 với tên gọi mới là Sài Gòn FC.

Tuy vậy, bóng đá với bầu Thụy được xem như là một cuộc dạo chơi ngông cuồng của thiếu gia lắm tiền nhiều của. Với trên dưới 5 lần đổi tên trong hơn một mùa giải, đội bóng của ông bầu này làm cho giải đấu chuyên nghiệp quốc gia trở nên nhiễu loạn.

Không chỉ nhiễu loạn trong thông tin tên tuổi của đội bóng, mà những quyết định “sớm nắng chiều mưa” của ông chủ đội bóng đã khiến ban tổ chức giải đau đầu.

Trong khi môi trường bóng đá đang nỗ lực tạo nên sự minh bạch thì những trận đấu của đội bóng này luôn mang đến sự ngờ vực. Không chỉ vậy, việc xem thường kỷ luật của bầu Thụy luôn là vấn đề khiến dư luận bức xúc, cứ có chuyện là bầu Thụy lại dọa bỏ giải.

Việc gì đến cũng phải đến, đội bóng của bầu Thụy chính thức bỏ giải sau hơn một mùai tham gia sân chơi V-League bằng những bê bối chuyên môn. Việc đầu tư vào bóng đá của doanh nhân này được nhiều người cho rằng chỉ là thú vui nhất thời, thậm chí sau này, chính bầu Thụy thừa nhận, mình bỏ vì chán bóng đá và cũng đầu tư theo kiểu “ăn xổi ở thì”.

Xốc nổi với chứng khoán

Khi cuộc dạo chơi với bóng đá còn chưa kết thúc, đại gia Ninh Bình này lại tìm niềm vui mới trong thị trường chứng khoán với giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng. Bầu Thụy khi đó đã là một nhân vật đình đám, nhưng mới chỉ được biết đến là nhà sản xuất xi măng mon men làm bóng đá, chưa có tên tại thị trường chứng khoán.

Tuy vậy, không mất quá nhiều thời gian để nhân vật này khẳng định tên tuổi trên thị trường nhiều đại gia này.

Chỉ sau vài tháng với việc gom mua 22,5 triệu cổ phiếu (tương đương 75%) vốn của Công ty chứng khoán VIX, ông chủ của Tập đoàn Xuân Thành đã một bước vươn lên hàng đại gia trên thị trường chứng khoán. Bầu Thụy đổi tên thành Chứng khoán Xuân Thành và tiếp tục mua thêm, nâng tỷ lệ sở hữu lên 81,5%.

Nhưng ở thời điểm năm 2011, việc đầu tư vào chứng khoán luôn là nước cờ mạo hiểm, khi hàng loạt cổ phiếu giảm giá bào mòn túi tiền của nhiều đại gia. Cũng giống như bóng đá, chứng khoán với bầu Thụy như những cuộc vui “sớm nở tối tàn”, và quyết định rút lui cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, việc rút lui khỏi thị trường của bầu Thụy cũng tạo nên những cú sốc lớn cho những ai theo dõi. Lượng cổ phiếu khổng lồ trị giá gần 240 tỷ đồng, tương đương 74% Công ty chứng khoán VIX của bầu Thụy được chuyển nhượng trong đúng một ngày 31/3/2014. Đây là động thái duy nhất đánh dấu sự thoái vốn khỏi chứng khoán, lĩnh vực mà doanh nhân này rất tâm đắc trước đó không lâu.

Vung tay quá trán với khách sạn Kim Liên

Hầu như với các quyết định đầu tư của mình bầu Thụy đều gắn liền với những con số ngoài sức tưởng tượng. Khởi đầu các thương vụ, lượng tiền khổng lồ luôn được ông chủ này nhắc đến, như để tăng sức nặng thương thuyết hoặc tạo sự chú ý.

Gần đây với thương vụ khách sạn Kim Liên, bầu Thụy quyết định bỏ ra số tiền 1.000 tỷ, gấp 10 lần giá trị chào bán của SCIC, để sở hữu 52,4% cổ phần Công ty du lịch Kim Liên.

Nhiều người cho rằng, bầu Thụy đã vung tay quá trán, vì giá trị thực sự của khách sạn này không tương xứng với số vốn bỏ ra. Ngoài kết quả kinh doanh không mấy khả quan thì thời hạn thuê đất cũng chỉ còn 30 năm.

Dù tham vọng của bầu Thụy đã rõ, nhưng trước khi biến tham vọng trở thành hiện thực, doanh nhân này vẫn còn nhiều việc phải làm, khi khách sạn Kim Liên từ chuỗi ngày dài lãi cò con đã chuyển thành thua lỗ trong năm 2015.

Những hoạt động kể trên vẫn chưa thể khắc họa hết bức tranh đầu tư của bầu Thụy. Nhưng đó là những thương vụ lớn để nhìn nhận lại khả năng chịu áp lực của ông bầu nổi tiếng và cũng nhiều tai tiếng này. Những cú vấp ngã liên tục trên lĩnh vực tài chính và thể thao đã cho thấy một số hạn chế của bầu Thụy.

Có lẽ, vị doanh nhân trẻ này sẽ còn nhiều việc phải làm để chứng tỏ giá trị thực của bản thân. Và đó có thể là lý do giải thích cho quyết định quay lại lĩnh vực cốt lõi, là xi măng thời gian gần đây.

Song, việc kinh doanh cốt lõi cũng đang đối diện với áp lực cạnh tranh rất lớn trên thị trường. Đây là một thách thức lớn, khi khả năng kiểm soát rủi ro của bầu Thụy không được đánh giá cao sau những thất bại liên tiếp.

Đặc biệt, với tham vọng đầu tư đa ngành theo chiều rộng cũng là bước đi nguy hiểm, nếu tâm lý đầu tư “cả thèm chóng chán” của bầu Thụy vẫn chưa được khắc phục.

Theo Bình Nguyên (Zing)