Big C mở lại đơn hàng cho 150/200 doanh nghiệp may mặc Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết Big C cam kết sẽ mở đơn hàng cho 50 nhà cung cấp Việt Nam ngay trong ngày 4/7. Nhiều nhất 2 tuần tới, đơn vị này tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp và dự kiến 100 doanh nghiệp (DN) nữa sẽ được mở hợp đồng.

Chiều 4/7, tại buổi họp báo thường kỳ 6 tháng của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, sáng cùng ngày Bộ đã có buổi làm việc trực tiếp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam và đại diện Central Group, đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C để làm rõ việc siêu thị này ngừng nhập hàng may mặc từ doanh nghiệp Việt. Buổi làm việc còn có sự tham dự của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thái Lan tại Việt Nam.

big-c-mo-lai-don-hang-cho-150200-doanh-nghiep-may-mac-viet-nam

Bộ Công thương họp báo thường kỳ chiều nay để trả lời quan điểm về vụ Big C.

Đại diện Central Group cho hay, tập đoàn có chiến lược mới trong hàng may mặc tại các siêu thị nên ngừng mua hàng. Việc tạm dừng trong 15 ngày và có thể kéo dài hơn.

Các đơn hàng đã ký vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện. Đến nay có gần 4.000 nhà cung cấp cho các hệ thống của Big C, trong đó có 200 nhà cung cấp hàng may mặc.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Việc giải quyết của Big C với 200 DN may mặc phải căn cứ trên hợp đồng, tuân thủ các quy định của luật pháp Việt Nam. Chúng tôi hoan nghênh, tạo điều kiện cho các DN FDI, nhưng kiên quyết bảo vệ quyền lợi cho các DN và người tiêu dùng Việt Nam”.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, sau cuộc họp, Big C cam kết sẽ mở đơn hàng cho 50 nhà cung cấp Việt Nam ngay trong ngày 4/7. Nhiều nhất 2 tuần tới, đơn vị này tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp và dự kiến 100 DN nữa sẽ được mở hợp đồng.

Giai đoạn cuối cùng, Big C sẽ rà soát chặt chẽ với những DN chưa đáp ứng được hợp đồng đã ký giữa 2 bên và lọc ra 50/100 DN còn lại để mở đơn hàng. Như vậy, Big C sẽ ngừng thu mua mặt hàng may mặc từ 50 nhà cung cấp Việt Nam.

Về quan điểm của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định Bộ luôn hoan nghênh, đánh giá cao những gì các DN nước ngoài đã làm được tại Việt Nam, cụ thể ở đây là Central Group. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nước ngoài vào Việt Nam đầu tư.

“Vấn đề giữa Big C và 200 nhà cung cấp trước hết là việc của DN. Doanh nghiệp phải giải quyết trên cơ sở hợp đồng đã ký giữa 2 bên, đồng thời phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam như đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng hay luật cạnh tranh”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Cũng tại buổi họp, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm đã ký biên bản nguyên tắc hợp tác với tập đoàn Central Group Việt Nam. Theo đó, khi các DN may mặc Việt Nam gặp vấn đề tương tự, Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ đứng ra giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho các hội viên.

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có Bộ Công Thương thì sẽ tham gia với vai trò hỗ trợ, tạo ra môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.

Trước đó, ngày 2/7, Central Group Việt Nam - đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C Việt Nam, có thông báo gửi tới các đối tác cung cấp hàng may mặc với nội dung tạm ngừng đặt hàng của các nhà cung cấp theo hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết giữa 2 bên. "Tất cả vấn đề phát sinh trước ngày 2/7 sẽ được tiếp tục giải quyết theo quy định của hợp đồng hợp tác thương mại", thông báo của Central Group Việt Nam nêu rõ.

Được biết, Central Group - Tập đoàn bán lẻ lớn của Thái Lan đã mua lại hệ thống siêu thị Big C từ Tập đoàn Casino (Pháp) đang gặp khó khăn tài chính vào năm 2016 với giá 1,05 tỉ USD. Việc mua lại Big C nằm trong chiến lược của Central Group nhằm mở rộng mạng lưới phát triển trong khu vực Asean.

Minh Anh (TH)

Theo TieuDung24h