Các tỷ phú mới nổi ở Trung Quốc đang ngấm ác mộng

Trung Quốc đang là quốc gia có tốc độ tăng trưởng về số lượng những tỷ phú mới nhanh nhất trên thế giới vào thời điểm hiện tại. Một năm trước đây, Trung Quốc chỉ có 6 trong danh sách 200 người giàu nhất hành tinh, nhưng ở thời điểm hiện tại, con số này đã được nâng lên thành 20.

Tỷ phú mới nổi

Đó được coi là kết quả trực tiếp của việc tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc trong vòng ba thập kỷ qua, vốn sẽ đem lại tiền tài danh vọng cho một số ít cá nhân biết tận dụng hoàn cảnh thích hợp cũng như có những mối quan hệ hữu ích. 

Kinh tế Trung Quốc đang là cái khuôn đúc có hiệu suất cao nhất để tạo nên các tỷ phú trên thế giới hiện nay. Nhưng khi mà số phận của hầu hết các tỷ phú Trung Quốc đều bị gắn chặt vào sự thăng trầm của nền kinh tế nước này, thì một sự sa sút của nền kinh tế cũng đồng nghĩa với những cơn ác mộng thực sự đối với các nhà tỷ phú mới nổi này.

Dù những người bài Trung Quốc hầu hết đều cho rằng, sự thành công của các tỷ phú mới nổi ở nước này đều bắt nguồn từ những mối quan hệ và ưu đãi từ phía chính phủ hơn là do thực tài của các nhà tỷ phủ này, thì một thực tế là có không ít các nhà tỷ phú Trung Quốc đi lên từ hai bàn tay trắng và thành công nhờ vào năng lực của bản thân. Điển hình cho điều này là trường hợp thành công của Jack Ma, ông chủ của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba. 

Trên thực tế, dù đang là quốc gia sở hữu những tập đoàn nhà nước khổng lồ có quy mô lớn nhất trên thế giới, thì ở Trung Quốc những người giàu nhất lại thường không xuất thân từ các tập đoàn vốn nhận được ưu đãi lớn từ chính phủ này. Hầu hết các cơ sở đem lại thành công và tiền bạc cho các tỷ phú ở Trung Quốc, đều là các doanh nghiệp tư nhân, như Alibaba của Jack Ma, hay tập đoàn Dalian Wanda của tỷ phú giàu nhất Trung Quốc là Vương Kiện Lâm. Sự phát triển cao độ của kinh tế Trung Quốc trong vòng ba thập kỷ qua quả thực đã đem lại những cơ hội thuận lợi để những cá nhân có khả năng và sự táo bạo tạo dựng thành công và tên tuổi cho mình.

Nhưng, cái gì cũng có cái giá của nó. Nếu như các tỷ phú mới nổi ở Trung Quốc đã biết tận dụng rất tốt những cơ hội mà sự phát triển cao độ của nền kinh tế quốc nội đem lại, thì ở một khía cạnh khác họ cũng đang bị cột chặt vào sự thăng trầm của nền kinh tế này. Dễ dàng nhận ra một thực tế rằng, các tỷ phú Trung Quốc hiện đang là những người có sự dao động về tài sản cá nhân thuộc diện lớn nhất thế giới. 

Rất thường thấy những trường hợp chỉ sau một đêm tài sản của hàng loạt các tỷ phú Trung Quốc giảm hàng tỷ USD. Điều này cũng xảy ra đối với các tỷ phú ở các nước phát triển phương Tây như Bill Gates hay Warren Buffett, nhưng với tần suất thấp hơn khá nhiều. Sự ổn định của các tập đoàn khổng lồ phương Tây như Microsoft cùng với sự ổn định của thị trường chứng khoán và nền kinh tế tại các quốc gia này đã khiến cho tài sản của những tỷ phú như Bill Gates tương đối ổn định.

Sở dĩ như vậy, là vì tài sản của các tỷ phú trên thế giới, từ phương Tây cho tới Trung Quốc, đều gắn liền với sự tăng giảm của thị trường chứng khoán, nơi phần lớn tài sản của họ được định giá qua lượng cổ phiếu mà họ nắm giữ. Tài sản của Bill Gates phần lớn dựa vào số cố phiếu của Microsoft của ông này, cũng như tài sản của Jack Ma phụ thuộc chủ yếu vào số cổ phiếu của Alibaba mà Jack nắm giữ. 

Điều này khiến cho giá trị tài sản của các tỷ phú phụ thuộc rất lớn vào sự biến động của thị trường chứng khoán và nền kinh tế. Khi nền kinh tế tăng trưởng chậm và có dấu hiệu rơi vào suy thoái, đầu tư giảm sút sẽ dẫn đến giá trị cổ phiếu suy giảm và tác động trực tiếp đến tài sản của các tỷ phú. Vì thế mới có những chuyện mà người Trung Quốc thường gọi là ngôi vị một tuần hay ngôi vị một tháng để chỉ sự thiếu vững chắc trong vị trí của các nhà tỷ phú. 

Giai đoạn cuối năm 2014, có thời điểm Jack Ma trở thành người giàu nhất Trung Quốc và xếp thứ 13 trong số các tỷ phú giàu nhất hành tinh nhờ vào sự tăng giá đột ngột của cổ phiếu Alibaba. Nhưng chỉ sau đó ít lâu, vị trí này đã lập tức bị soán mất bởi đại gia Lý Gia Thành ở Hồng Kông và sau đó là Vương Kiện Lâm, khi giá cổ phiếu của Alibaba giảm sút.

Sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc vì thế đang khiến cho tài sản của các tỷ phú nước này bị hao hụt đi với tốc độ khủng khiếp. Điển hình là trong tuần này, khi mà chỉ trong một ngày 20 tỷ phú giàu nhất Trung Quốc đã mất tới hơn 6 tỷ USD do sự biến động của thị trường chứng khoán. Nó đang cho thấy sự phụ thuộc mạnh mẽ của các tỷ phú hàng đầu Trung Quốc và tài sản của họ vào sức khỏe của nền kinh tế quốc nội của nước này. Điều này xuất phát từ một đặc điểm chung lớn nhất giữa các tỷ phú Trung Quốc, đó là đều làm giàu nhờ vào việc khai thác thị trường quốc nội khổng lồ của mình. 

Những tập đoàn hàng đầu của các tỷ phú như Jack Ma hay Vương Kiện Lâm đều có phần lớn doanh thu đến từ thị trường quốc nội, như Alibaba con số này lên tới 95%, cũng tương tự là tập đoàn Dalian của Vương Kiện Lâm khi tập đoàn này sở hữu hệ thống các rạp chiếu phim quy mô lớn nhất trên toàn quốc. Vì thế, khi nền kinh tế trong nước suy giảm tăng trưởng, thì lợi nhuận và doanh thu của các tập đoàn như Alibaba hay Dalian cũng sẽ giảm theo, và tác động trực tiếp tới tài sản của các tỷ phú như Jack Ma hay Lâm thông qua sự sụt giảm giá trị cổ phiếu.

Xu thế này được dự báo là sẽ còn tiếp tục kéo dài hơn trong tương lai, khi kinh tế Trung Quốc đang bước vào giai đoạn phát triển chậm nhất trong vòng hơn ba mươi năm qua. Trong khoảng năm năm tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ ngày càng giảm dần, và nhiều khả năng sẽ chỉ đạt dưới 5% mỗi năm. 

Điều này dẫn tới không chỉ việc số lượng tỷ phú mới xuất hiện ở Trung Quốc hàng năm sẽ không còn tăng mạnh như trước, mà bản thân tài sản của các tỷ phú ở nước này cũng sẽ có chiều hướng giảm đi tỷ lệ thuận với suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế. Trong thời gian tới, nền kinh tế Trung Quốc sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn thu hẹp quy mô để phù hợp với mức độ phát triển thực của mình, và tài sản của các nhà tỷ phú ở nước này cũng vậy.

Theo MTG