Cách chọn mua, nhận biết quần áo Việt Nam xuất khẩu “xịn"

Không phải tất cả các cửa hàng đều bán quần áo Việt Nam xuất khẩu “xịn”. Hãy bỏ túi một vài bí kíp nhận biết dưới đây:

Những dòng chữ “Made in Vietnam” hay “Việt Nam xuất khẩu” đã có mặt trên các tuyến phố và được người tiêu dùng xem như giá trị đảm bảo của sản phẩm. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt theo diện rộng đã dẫn tới tình trạng loạn giá cả, mẫu mã, chất lượng. Nhiều cửa hàng kinh doanh trưng biển hàng “Made in Vietnam” nhưng thực chất là bán hàng giả, hàng nhái, hàng Trung Quốc không rõ xuất xứ để kiếm lợi nhuận.

Hàng Việt Nam xuất khẩu (VNXK) là tên gọi chung của các loại quần áo giày dép được sản xuất tại Việt Nam nhưng toàn bộ nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất đều là của hãng nước ngoài gửi sang và quá trình sản xuất được kiểm định rất nghiêm ngặt. Sau khi sản xuất đủ hợp đồng, đạt đủ tiêu chuẩn, hàng mới được xuất đi.

Cách chọn mua nhận biết quần áo Việt Nam xuất khẩu xịn

 Phân loại các loại "hàng xuất khẩu"

- Hàng xuất lỗi: Trong quá trình sản xuất, một số sản phẩm bị những lỗi nho nhỏ, không được xuất ra nước ngoài.

- Hàng xuất dư: Theo hợp đồng, các doanh nghiệp khi nhận gia công có thể cắt dư 3 - 5% đề phòng hàng lỗi, hỏng để bù vào. Nhưng do tay nghề công nhân khá, tỷ lệ lỗi hỏng ít nên hàng dư được bán ra ngoài.

- Hàng nối chuyền: Sau khi sản xuất đủ hợp đồng, nguyên phụ liệu của hãng còn dư ra. Các doanh nghiệp tự sản xuất thêm. Một số phụ kiện như khuy, cúc, khóa… do hết nguyên liệu sẽ được thay thế so với mẫu chuẩn.

Nhìn chung chất lượng của dòng sản phẩm này không hề thua kém hàng chuẩn do cùng một dây chuyền sản xuất, cùng tay nghề công nhân, cùng nguyên vật liệu.

- Hàng trên chuyền: Bằng nhiều thủ thuật, hàng đang sản xuất (gọi là trên chuyền) cũng được ăn cắp ra để bán cho các cửa hàng nhỏ lẻ.

- Hàng mẫu: Là hàng bên hãng nước ngoài làm mẫu gửi sang Việt Nam để sản xuất hàng loạt, cũng được ăn cắp ra để bán.

- Hàng hải quan: Sau khi gia công hàng xong, doanh nghiệp phải mang một ít hàng mẫu tới cho cơ quan hải quan kiểm tra trước khi đóng container xuất cảng. Khi mẫu được kiểm tra xong họ thường tặng lại các sản phẩm mẫu đó cho nhân viên hải quan.

- Hàng nhà máy: Là loại hàng mà các doanh nghiệp trong nước tự nhập nguyên liệu và sản xuất nhái theo mẫu mã của hãng, chế theo những mẫu ăn khách đã xuất đi.

- Hàng lên (hàng dựng, hàng copy, hàng nhái): Mẫu mã giống hệt hàng VNXK, tuy nhiên chất lượng không bảo đảm.

- Hàng VNXK nguồn gốc Trung Quốc: Đây là hàng được làm tại Trung Quốc theo các mẫu mới nhất, mẫu mã đa dạng, size luôn luôn đủ, số lượng không hạn chế, có thể đặt hàng một cách dễ dàng.

- Hàng “Made in Cambodia”: Cambodia là hàng của Campuchia, cũng là nước chuyên may gia công cho EU, Châu Mỹ... nên hàng Made in Cambodia cũng là hàng chính hãng như hàng Made in Vietnam.

Một số lưu ý để phân biệt được hàng VNXK thật giả và chọn mua:

1. Thương hiệu

Không phải hãng nào cũng thuê Việt Nam gia công quần áo. Ví dụ như Versace thương hiệu Ý, Burberry gốc Anh cho đến bây giờ không may ở Việt Nam. Do đó, nếu thấy các sản phẩm áo quần Made in Việt Nam nào mà có tem mác ghi thương hiệu của 2 hãng này thì chắc chắn đây là chiêu dán tem mác trá hình của người bán để đánh lừa người tiêu dùng.

Với hàng quần áo trẻ em, các hãng hay thuê Việt Nam gia công là: GAP, Carter's, The Children Place, Jumping Beans, Crazy8, Gymboree. Với các thương hiệu còn nằm trong vòng nghi ngờ xem có gia công tại nước ta không thì khách hàng nên thận trọng tìm hiểu thông tin trước trên mạng, website của hãng rồi mới mua sản phẩm.

2. Nhãn mác, lô gô

Nhãn mác của hàng Việt Nam xuất khẩu xịn có thể bằng vải đính vào sản phẩm ở phần cổ áo, hông áo, cạp quần hoặc được in trực tiếp lên sản phẩm. Chúng đều rất tinh xảo, rõ nét từng dòng chữ cho đến hình thêu. Nếu là chữ in lên vải, khách mua có thể dùng 2 tay kéo nhẹ phần nhãn. Với hàng xuất xịn, nhãn sẽ bị giãn ra nhưng nhanh chóng trở về trạng thái ban đầu, không có tình trạng đứt hay rạn.

Quần áo Việt Nam xuất khẩu xịn thường có từ 2-3 nhãn mác trở lên, có những sản phẩm 4-5 nhãn. Các nhãn mác này cung cấp đầy đủ thông tin về thương hiệu từ tên cho đến size, chất liệu, cách sử dụng, có thể gồm vài thứ tiếng. Trên các sản phẩm áo thường có nhãn mác bên hông. 

Vì hàng VNXK xịn không được phép bán ở VN nên để tránh bị đối tác phạt vì tuồn hàng ra ngoài, các cơ sở gia công có thể có cắt, che hoặc bôi đen nhãn để không nhận diện được thương hiệu. Vì vậy tem mác cũng chỉ là một trong những yếu tố để phân biệt hàng xịn hay hàng nhái, không nên phụ thuộc quá nhiều vào điều này, nhất là những người chưa có kinh nghiệm dùng hàng hiệu.

Cách chọn mua nhận biết quần áo Việt Nam xuất khẩu xịn

3. Kích cỡ

Quần áo VNXK xịn không bao giờ có đủ size. Ví như kiểu áo bất kỳ của hãng có 8 size thì hàng xuất ở VN chỉ có khoảng 3 - 5 size, và size thường lộn xộn chứ không theo nguyên series.

Hàng VNXK xịn rất ít quần áo kích cỡ nhỏ vì đối tượng phục vụ của các nhãn hàng chủ yếu là để xuất sang các nước phương Tây, người dân ở đây thường cao lớn. Thế nên 1 dây hàng gồm 40-50 cái áo chính hãng thường sẽ chỉ có 2-3 cái size S và M, còn lại đa phần size to. Một số trang phục dù ghi là size S hoặc XS nhưng đó là cỡ cho người châu Âu cao to, so với người Việt Nam nhỏ bé thì loại size này vẫn rất rộng.

4. Chất vải, màu sắc

Quần áo VNXK xịn ít dùng chất nilon nên chất vải mềm và mát, không xù lông, vải không quá mỏng hoặc quá dày, độ đàn hồi tốt. Màu sắc của chúng thường kém tươi sáng, rực rỡ như những mặt hàng nhái, nhưng đó là màu chuẩn, không bị phai màu khi giặt. Hàng xuất xịn cũng không đủ màu như hàng chính hãng, thường chỉ có 2 – 3 màu so với số lượng màu mà nhãn hàng công bố.

Hàng nhái của Trung Quốc hoặc do Việt Nam tự sản xuất lấy thường nhiều nilon, mặc quần áo dễ có cảm giác bí bách, không thoát mồ hôi. Khi giặt, quần áo nhái Made in Việt Nam có những màu rực rỡ như đỏ, hồng hay bị phai rất nhiều.

5. Đường may, họa tiết

Các đường chỉ may của quần áo VNXK xịn phải sắc nét, đều, tinh xảo, cầu kỳ và chắc chắn không có chỉ thừa vương vãi, đặc biệt đường may ở phần nhãn hiệu rất tỉ mỉ, đều đẹp. Với các loại hàng nhái, điều dễ thấy là đường may sơ sài, không đều, dễ bị bung, nhiều chỉ thừa và đường may nối, thiếu hẳn độ sắc sảo.

Họa tiết của hàng xuất xịn không bao giờ bị dính vào nhau hay bị lem ở viền, không có những mảng in lớn. Quần áo nhái Made in Việt Nam sẽ bộc lộ các yếu điểm như hình hoa văn họa tiết dễ bị dính vào nhau, mép hình bị lem.

Vì vậy, để mua được hàng “Made in Việt Nam” chất lượng tốt, phù hợp túi tiền chỉ nên mua của các shop lâu năm, đã tạo dựng được uy tín. Hàng VNXK xịn có lẽ chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu nhập hàng của các shop và cũng hiếm shop nào chỉ bán nguyên hàng VNXK xịn.

Công nghệ “nhái” hàng bây giờ rất tinh vi, người bán nếu không có nhiều kinh nghiệm thì cũng chẳng phân biệt nổi thật giả. Do đó, khi mua hàng, con mắt chọn hàng là quan trọng nhất.

Theo Trà Mi (khoevadep)