Cách làm đẹp chuốc họa vào thân của nhiều phụ nữ Việt

Mỹ phẩm hóa chất tràn lan ở nhiều khu chợ dành cho sinh viên, công nhân với giá rẻ bất ngờ luôn bán chạy như tôm tươi. Dù được người bán quảng cáo với những từ ngữ mĩ miều, tuy nhiên, vấn đề chất lượng và nguồn gốc của loại mĩ phẩm này là điều cần xem lại.

Biết hàng rởm vẫn mua vì giá rẻ

Dạo qua các khu chợ đêm sinh viên như chợ Nhà Xanh, chợ Dịch Vọng hoặc các chợ tự phát cho công nhân ở Bắc Thăng Long, không khó để chứng kiến cảnh mua bán tấp nập của những mĩ phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc.

Trong một gian hàng nhỏ hẹp, những quầy mỹ phẩm này bày bán đủ loại mặt hàng mỹ phẩm khác nhau, hỏi đến loại nào sẽ có loại đấy, và người bán hàng sẽ hướng dẫn, tư vấn rất nhiệt tình cho khách hàng.


 Mĩ phẩm bày bán tràn lan ở chợ sinh viên - Ảnh Tiên Lê

Thậm chí có những loại được gắn mác sản phẩm rất lạ, không có bất kỳ hướng dẫn nào bằng tiếng việt, nhưng người bán hàng vẫn chống chế “đây là hàng xách tay từ bên nước ngoài về, nên làm gì có tiếng việt em”.

Sau khi được ngửi mùi nhìn thử loại kem này, không mảy may nghi ngờ, rất nhiều sinh viên đã rút tiền, quyết định mua về dùng.

Hàng loạt các loại phấn, son môi, kem dưỡng da, kem làm trắng da, nước hoa… được bày bán tràn lan. Trong số đó, thậm chí có nhiều loại mang các nhãn hiệu nổi tiếng.

Mới đây, Cục quản lý dược (Bộ Y tế) đã công bố, bắt đầu từ ngày 1.7.2015, các sản phẩm dầu gội, nước rửa tay, sữa rửa mặt, sữa tắm, kem dưỡng da,... có sử dụng các chất paraben hoặc MCT+MIT (Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone) sẽ hạn chế lưu hành vì chứa chất gây ung thư. 


Mĩ phẩm đa dạng, đầy đủ chủng loại - ảnh Tiên Lê 

Một điều nữa là dù có bề ngoài bắt mắt, thậm chí thương hiệu nổi tiếng nhưng giá cả của những mặt hàng này lại thấp quá sức tưởng tượng. Kem dưỡng da dao động từ vài chục đến dưới 100 nghìn/ hộp, son môi cũng chỉ trên dưới 50 nghìn/thỏi, có loại chỉ có 20 nghìn.

Lê Thị Thuyết (sinh viên trường đại học Công nghiệp Hà Nội) giải thích lý do tìm đến các mĩ phẩm dạng này vì giá rẻ, phù hợp với túi tiền của sinh viên. Thậm chí Thuyết biết rằng những mĩ phẩm dạng này có hại và không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn mua vì giá rẻ. Nếu mua chính hãng hoặc vào cửa hàng thường giá cao, sức sinh viên không kham nổi.

Tương tự, chị Lê Thị Liễu, công nhân công ty Hoya ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long cũng là khách hàng thường xuyên của những món mĩ phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.

Liễu cho hay, vì không phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả nên cũng chịu, thấy giá rẻ thì mua. Do đó, những người bán hàng luôn chọn và ưu tiên những khu chợ sinh viên làm điểm đặt mua son, phấn, kem nền, chì kẻ mắt…


 Chỉ một sạp hàng đơn giản, mỗi buổi tối cũng bán được hàng chục sản phẩm - Ảnh Tiên Lê

Nguyễn Thu Trang (sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội) kể: “Vái tháng trước dùng mĩ phầm ở chợ nhưng bị dị ứng, mẩn đỏ, ngứa hết mặt nên từ đó chừa. Ra cửa hàng phản hồi thì họ bảo do cơ địa từng người, thấy hợp lý nên mình cũng không đôi co, rút kinh nghiệm lần sau”.
Trang nói thêm, lần này chỉ mua son môi và mascara, chì kẻ mắt thôi, không dám mua mấy loại kem dưỡng da với phấn nữa. "Mua 2 thỏi son, 1 mascara, 1 chì kẻ mắt còn được khuyến mại thêm lọ nhũ nữa mà chưa đầy 100 nghìn, nên không mua lại thấy tiếc", Trang nói.


 Mĩ phẩm được rao bán trên mạng 

Không chỉ ở các chợ, trên các trang mạng xã hội, việc mua bán loại mĩ phẩm này cũng diễn ra cực kì sôi động và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nguy cơ gây ung thư, chết người

Được biết, những sản phẩm mỹ phẩm này hầu hết đều có xuất xứ từ Trung Quốc với những hóa chất độc hại trong thành phần của mĩ phầm. Chủ của các gian hàng mỹ phẩm đã mua buôn với giá hết sức rẻ mạt và bán lại cho sinh viên, công nhân nghèo với giá cao, hưởng chênh lệch.

Trở lại câu chuyện của Nguyễn Thu Trang, thời gian trước, khi dùng mĩ phẩm trôi nổi, dù da mặt có trắng lên rất nhanh nhưng sau đó mặt Trang bắt đầu nổi mụn nhiều, da mặt khô và bắt đầu có vẩy.

Thấy có biểu hiện bất thường nên Trang đã đi khám da liễu bác sĩ và được biết da mặt mình bị khô, bít lỗ chân lông, có dấu hiệu bị nấm da mặt. "Bác sỹ đã cấm mình sử dụng các loại mỹ phẩm một gian, đặc biệt tuyệt đối không được sử dụng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc”, Trang kể.

Những trường hợp như của Trang không phải là hiếm và các chuyên gia cũng đã cảnh báo rất nhiều lần về sự nguy hại của những mĩ phẩm này. Tuy nhiên, nhiều sinh viên cũng như công nhân vẫn cứ tin dùng.

Theo công văn từ Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, từ ngày 30.7, sẽ áp dụng lộ trình hạn chế lưu hành một số chất bảo quản sử dụng phổ biến trong mỹ phẩm.

5 loại dẫn chất của paraben gồm: isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben chỉ được phép có mặt trong mỹ phẩm lưu hành trên thị trường Việt Nam trước ngày 30/7 tới.

Riêng chất bảo quản rất phổ biến ở mỹ phẩm là MCT+ MIT ở tỷ lệ 3/1 chỉ được sử dụng trong sản phẩm tẩy rửa với nồng độ 0,0015% và không được dùng trong mỹ phẩm.

Theo các chuyên gia hóa dược, các dẫn xuất Parabens và MCT + MIT đã được cảnh báo nguy cơ gây ung thư, dị ứng, rối loạn hormone từ năm 1998. Ủy ban Mỹ phẩm cộng đồng châu Âu nghi ngờ chất isoparaben (dẫn chất của Parabens) có thể gây ung thư vú.

Nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới chứng minh Parabens là chất gây mất cân bằng nội tiết tố, lâu dài có thể gây ung thư.

Theo Hoàng Long (MTG)