Cảnh giác với kính "thần kỳ" chữa cận thị càng đeo... càng loạn

Chỉ với 200 nghìn đồng là có thể luyện chữa được cận thị, thậm chí còn có thể giảm độ cận từ 0.5-1.0 độ cho những người cận nặng từ 3-6 độ sau 1-2 tháng tập luyện với kính “thần kỳ”. Tuy nhiên, trái ngược với những lời quảng cáo, nhiều người đã "tiền mất tật mang".

Sáng mắt sau vài ngày sử dụng?

Thời gian gần đây, không ít các em nhỏ đã phải đeo chiếc kính dày cộm chỉ vì cận thị sớm. Thấy vậy, bố mẹ cuống cuồng đi tìm các sản phẩm "cứu cánh" cho con mình cải thiện đôi mắt. Nắm được tâm lý này, một số người đã tung ra thị trường loại kính “thần” và thổi phồng công dụng có thể giúp chữa cận thị và giảm độ cận sau 1, 2 tháng. Những lời quảng cáo có cánh trên đang thu hút không ít người tìm mua.

PV đã liên hệ theo số điện thoại 090216xxxx để hỏi mua kính “thần”. Đầu dây bên kia, một người phụ nữ bắt máy. Khi biết khách hàng đang cận nặng và chữa trị nhiều nơi không khỏi, chị T. bắt đầu “nổ” về công dụng “có một không hai” của loại kính này: “Kính nhà em được thiết kế với các lỗ nhỏ 0.3mm đan xen nhau và có tác dụng hạn chế chùm sáng đi vào mắt làm cho các điểm ảnh nhòe trên võng mạc giảm xuống. Nhờ đó mắt có tật khúc xạ sẽ nhìn thấy rõ hơn các vật ở xung quanh. Tăng cường khả năng phân giải hình ảnh của mắt, giúp hình ảnh hiển thị rõ nét trên điểm vàng của mắt.

Không những thế, kính “thần” còn giúp giảm quá trình điều tiết của mắt khi nhìn những vật ở xa, giúp cơ mắt được nghỉ ngơi tạo ra cảm giác êm dịu cho mắt.

Bên cạnh đó, nó còn giúp cải thiện tầm nhìn hoàn toàn cho những người mới bị cận, cận nhẹ từ 0.25-1.5 độ. Giảm độ cận từ 0.5-1.0 độ cho những người cận nặng từ 3-6 độ sau 1-2 tháng tập luyện với kính. Kính vừa giá rẻ lại không mất nhiều thời gian. Nói thật, nhiều người khi mổ xong lại lo âu mắt bị tái cận. Sử dụng kính này an toàn, hiệu quả nên từ sáng đến giờ nhiều người đặt mua lắm”.

canh-giac-voi-kinh-than-ky-chua-can-thi-cang-deo-cang-loan

Loại kính "thần kỳ" đang được bán với giá rẻ, chữa cận thị.

Khi PV thắc mắc về nguồn gốc và độ bảo hành thì chị T. nhanh miệng: “Đây là hàng nhập khẩu, em nhập được nhiều nên bán với giá này thôi. Chứ những nơi khác giá chát lắm”.

Để nắm rõ hơn về kính “thần” đang được thổi phồng về công dụng, PV ngỏ ý muốn đến tận nơi xem hàng, nhưng chị T. đã một mực từ chối: “Bán cái này có lãi lời được bao nhiêu đâu mà xem tận nơi. Em cứ đặt hàng, chị sẽ thuê ship đến tận nhà cho em. Yên tâm đã có rất nhiều người sử dụng, loại kính này không phải ai cũng biết đâu”.

Đổ tiền mua thêm… độ cận

Lời từ chối của chị T. càng khiến chúng tôi hoài nghi hơn về loại kính này. Từ đây, PV đã được nghe chị Thu Thanh (Hà Nội) chia sẻ, chị đã từng tin tưởng và mua kính này về cho con trai dùng thử, nhưng kết quả ngược lại. “Con trai tôi năm nay 13 tuổi, cháu bị cận 5 độ. Thương con, tôi cũng đã đưa đi viện, cắt kính và tìm đủ phương pháp để chữa cận. Tôi nghe vài người bạn giới thiệu về kính “thần” có thể giúp chữa cận thị. Vậy là tôi nhanh tay đặt mua, chiếc kính có màu đen, nhiều lỗ. Tối nào tôi cũng bắt con trai mình luyện tập với chiếc kính này. Nói thật, mẹ nào chẳng mong muốn mắt con mình trở lại bình thường”.

Tuy nhiên, điều chị Thanh mong muốn lại khó có thể thành hiện thực. Con trai chị đeo kính được hơn 1 tháng, mỗi tối chỉ đeo 2 tiếng nhưng mắt ngày càng nhức mỏi. Thậm chí, khi bỏ kính ra con trai chị còn không nhìn rõ bất kỳ vật gì dù gần hay xa. Lo lắng, chị đưa con đi viện khám thì tá hỏa 2 mắt con chị đã nặng thêm 1 độ. “Tôi hối hận vì đã tin vào những thứ rẻ tiền đó”, chị Thanh bày tỏ.

canh-giac-voi-kinh-than-ky-chua-can-thi-cang-deo-cang-loan

Bác sĩ Quế cho rằng, khi bị cận cần đến gặp bác sĩ để khám và hướng dẫn điều trị cụ thể.

Trao đổi với PV về kính “thần” đang làm mưa làm gió trên thị trường, đánh lừa niềm tin của mọi người, bác sĩ Đặng Văn Quế (Giám đốc bệnh viện mắt DND) cho rằng: “Về mặt khoa học mà nói đấy là một hình thức quảng cáo để đánh lừa người dùng, còn thực tế nhiều người sử dụng lâu cũng không thể chữa được”.

Theo bác sĩ Quế, khi bị cận thị, loạn thị… thì nên đến bệnh viện có chuyên khoa nhãn nhi, ở đó các bác sĩ sẽ hướng dẫn những bài tập. Từ dụng cụ đơn giản nhất cho đến phức tạp. Ví dụ như nhặt đỗ đen, đỗ trắng… đấy cũng là một hình thức. Thứ hai, có những máy để tập nhìn qua, giúp thị lực được cải thiện.

“Nếu con cận nặng, loạn thị nên đến khoa nhãn nhi của bệnh viện Mắt Trung ương để thăm khám và điều trị. Không phải mắt ai cũng giống nhau, mỗi người có một bệnh tật và đặc điểm khác nhau về mắt, cho nên sẽ có những  phác đồ điều trị, hướng dẫn riêng.

Còn nếu chữa bệnh theo kiểu truyền miệng, tin vào những lời quảng cáo có cánh thì sẽ không đạt yêu cầu, nhiều khi tật này sẽ thành tật khác.

Tôi được biết, có những cháu bị cận thị đơn thuần, bố mẹ không chịu đưa con đến bác sĩ, nghe theo những cách trên mạng, một thời gian mắt con họ còn kèm theo loạn thị, làm cho thị lực càng ngày càng giảm”, bác sĩ Quế khẳng định.

Theo nguoiduatin