Choáng váng tiệm vàng tỉnh lẻ hơn 2 năm bán gần 84 nghìn lượng vàng

Chỉ trong thời gian từ tháng 11/2008 đến tháng 3/2011, tiệm vàng Tuấn Kiệt xuất bán cho công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC (gọi tắt là công ty Sài Gòn SJC) 83.520 lượng vàng, trị giá 2.939 tỉ đồng.

Cũng trong thời gian trên, tiệm vàng này mua của công ty Sài Gòn SJC 77.201 lượng vàng, trị giá tương đương 2.722 tỉ đồng. Với một tiệm vàng quy mô không lớn, lại nằm ở khu vực ngoại ô TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau, một tỉnh lẻ mà đạt doanh số “khủng” trên là điều “không bình thường”. Vậy, đâu là sự thật trong vụ việc đang khiến dư luận các tỉnh phía Nam xôn xao này?

Doanh số “siêu khủng” dù lượng khách không lớn

Những ngày qua, không chỉ người dân Cà Mau mà người dân khắp các tỉnh phía Nam đều xôn xao trước thông tin công ty TNHH Vàng bạc dịch vụ thương mại Tuấn Kiệt (gọi tắt là tiệm vàng Tuấn Kiệt; đóng trên địa bàn xã Tắc Vân, TP.Cà Mau) có doanh số kinh doanh vàng vô cùng “khủng”. Trung bình một ngày, tiệm vàng Tuấn Kiệt bán gần 100 lượng vàng. Để làm rõ thông tin trên, vào chiều 23/11, PV báo ĐS&PL đã tìm đến tiệm vàng Tuấn Kiệt để ghi nhận thực tế.

Choáng váng tiệm vàng tỉnh lẻ hơn 2 năm bán gần 84 nghìn lượng vàng

Tiệm vàng Tuấn Kiệt

Thời điểm PV đến, tiệm vàng đang hoạt động kinh doanh bình thường, vẫn có khách hàng ra vào mua vàng. Tuy nhiên, địa điểm đặt tiệm vàng không thuộc trung tâm TP.Cà Mau mà thuộc vùng ngoại ô. Khi PV đề nghị được gặp chủ tiệm vàng để làm rõ thông tin mà dư luận đang xôn xao, một nhân viên tiệm vàng cho biết, chủ tiệm vàng hiện không có nhà. “Tiệm vàng vẫn đang kinh doanh, mua bán bình thường, không có điều gì bất thường xảy ra cả”, nhân viên tiệm vàng này thông tin.

Là người dân nhà ở gần tiệm vàng Tuấn Kiệt, ông L.V.M. (ngụ xã Tắc Vân) cho hay: “Người dân khu vực vừa nghe tin tiệm vàng Tuấn Kiệt có doanh số kinh doanh vàng vô cùng “khủng”. Thông tin trên khiến tôi và nhiều người dân ở đây thấy lạ, bởi lượng khách hàng vào tiệm vàng không lớn.

Bên cạnh đó, quy mô tiệm vàng cũng không bằng các tiệm vàng tại trung tâm TP.Cà Mau. Đáng chú ý, một vùng ngoại ô của TP.Cà Mau như xã Tắc Vân này thì làm sao có đủ khách hàng mà có được doanh số bán hàng lên đến hàng chục lượng vàng? Tôi được biết, dư luận địa phương ở đây nắm được thông tin, cục Thuế tỉnh Cà Mau đang nhập cuộc và đưa sự việc trên ra ánh sáng”.

Để làm rõ thêm thông tin, PV đến cục Thuế tỉnh Cà Mau làm việc. Tại đây, ông Phạm Khắc Ghi – Cục trưởng cục Thuế khẳng định: “Chúng tôi phát hiện ra doanh số “khủng” của tiệm vàng Tuấn Kiệt khi cùng lực lượng liên ngành kiểm tra những khuất tất tại DNTN Hoàng Khiêm (gọi tắt là tiệm vàng Hoàng Khiêm, đóng tại khóm 4, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), khi có doanh số bán hơn 1.000 lượng vàng/ngày.

Qua kiểm tra chứng từ, sổ sách, tiệm vàng Hoàng Khiêm có doanh số trên là do có quan hệ mua bán với công ty Sài Gòn SJC. Đáng chú ý, trong quá trình kiểm tra toàn diện tiệm vàng này, chúng tôi phát hiện tiệm vàng Tuấn Kiệt cũng có làm ăn, quan hệ mua bán với công ty Sài Gòn SJC”.

Ông Ghi cho biết thêm: “Chúng tôi phát hiện, trong khoảng thời gian từ tháng 11/2008 đến tháng 3/2011, tiệm vàng Tuấn Kiệt đã xuất bán cho công ty Sài Gòn SJC 83.520 lượng vàng trị giá 2.939 tỉ đồng. Với số lượng bán vàng trên thì trung bình mỗi ngày tiệm vàng Tuấn Kiệt bán gần 100 lượng vàng. Bên cạnh đó, sổ sách, chứng từ của tiệm vàng này cũng thể hiện, tiệm vàng Tuấn Kiệt mua của công ty Sài Gòn SJC khoảng 77.201 lượng vàng, trị giá tương đương 2.722 tỉ đồng”.

Một tiệm vàng từng bị “sờ gáy” vì bán hơn 1.000 lượng vàng/ ngày

Vào thời điểm năm 2013, các ngành chức năng tỉnh Cà Mau phát hiện DNTN Hoàng Khiêm cũng có doanh số “siêu khủng”. Có ngày tiệm vàng Hoàng Khiêm bán hơn 1.000 lượng vàng. Cụ thể, từ tháng 1/2008 đến tháng 2/2011, tiệm vàng Hoàng Khiêm đã bán trên 20 tấn vàng, với doanh thu trên 20.000 tỉ đồng. Doanh số khủng như thế nhưng mỗi tháng tiệm vàng Hoàng Khiêm chỉ đóng thuế 5,7 triệu đồng và vụ việc được chuyển sang Công an tỉnh Cà Mau thụ lý. 

Qua điều tra, Công an tỉnh Cà Mau xác định doanh số “khủng” của tiệm vàng Hoàng Khiêm phần lớn giao dịch mua bán đều diễn ra tại TP.HCM nên không thuộc thẩm quyền của Công an tỉnh Cà Mau. Sau khi họp liên ngành, các cơ quan tố tụng Cà Mau thống nhất chuyển hồ sơ đến Công an TP.HCM. Tuy nhiên, đến nay, việc điều tra vẫn chưa có kết quả cuối cùng. 

Các ngành chức năng đang nhập cuộc

Lãnh đạo cục Thuế Cà Mau cho hay, các năm trước đây, tiệm vàng Tuấn Kiệt vẫn tiến hành kê khai doanh thu để đóng thuế theo quy định. Tuy nhiên, việc kê khai của tiệm vàng này là tự nguyện, ngành thuế không quy đổi cụ thể bao nhiêu lượng vàng. Do đó, muốn đối chiếu số lượng kê khai có tương đồng với doanh số “khủng” vừa mới phát hiện hay không, cần phải cộng hết các bản kê khai của tiệm vàng này.

“Cục Thuế đã chỉ đạo chi cục Thuế TP.Cà Mau tiến hành rà soát và có báo cáo về doanh số mua bán vàng “khủng” của tiệm vàng Tuấn Kiệt. Cục Thuế cũng đang tổng hợp doanh thu các năm của tiệm vàng này để đối chiếu lại con số kê khai xem có chênh lệch lớn hay không. Khi có những con số thống kê trên, cục Thuế sẽ có những đánh giá cụ thể”, ông Ghi nói.

Cũng theo thông tin từ lãnh đạo cục Thuế Cà Mau, trong vài ngày tới, cục Thuế sẽ thành lập đoàn thanh tra kiểm tra hoạt động thuế của tiệm vàng Tuấn Kiệt để tìm số liệu chính xác nhất về doanh số “khủng” trên. “Hiện chưa có căn cứ cụ thể để nói tiệm vàng này trốn thuế hay không. Tuy nhiên, thực tế có thể thấy rằng, doanh số của tiệm vàng này là quá lớn so với quy mô kinh doanh của tiệm vàng”, ông Ghi nhấn mạnh.

PV liên hệ với chi cục Thuế TP.Cà Mau, một đại diện của Chi cục này cho biết, lãnh đạo Chi cục là ông Nguyễn Hữu Thoại – Chi cục trưởng chi cục Thuế TP.Cà Mau đã có chỉ đạo làm báo cáo với cục Thuế tỉnh Cà Mau về vụ việc liên quan đến tiệm vàng Tuấn Kiệt. Hiện, chi cục Thuế TP.Cà Mau chưa có thông tin cụ thể gì để thông tin với báo chí.

Theo thông tin từ sở KH&ĐT TP.Cà Mau, vào thời điểm cuối năm 2003, bà Trần Mỹ Lệ thành lập DNTN Tuấn Kiệt với lĩnh vực kinh doanh là mua bán vàng bạc, đá quý. Đến thời điểm giữa năm 2008, DNTN Tuấn Kiệt chuyển đổi hoạt động thành công ty TNHH Vàng bạc dịch vụ thương mại Tuấn Kiệt do ông Phan Tuấn Kiệt làm Giám đốc.

Đến thời điểm tháng 3/2010, công ty TNHH Vàng bạc dịch vụ thương mại Tuấn Kiệt lại giải thể và ngay sau đó, bà Trần Mỹ Lệ thành lập công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Tuấn Kiệt do bà làm Giám đốc. Đến thời điểm tháng 2/2012, công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Tuấn Kiệt lại giải thể và sau đó bà Trần Mỹ Lệ thành lập công ty TNHH Vàng bạc dịch vụ thương mại Tuấn Kiệt và kinh doanh tới thời điểm hiện nay.

Liên quan đến thông tin nêu trên, PV đã nhiều lần liên lạc với bà Lệ lẫn ông Kiệt để xác minh thêm thông tin nhưng không được. Cũng theo ghi nhận của PV, ông Kiệt và bà Lệ chỉ có quan hệ làm ăn với nhau. 

Công ty Sài Gòn SJC có đứng ngoài cuộc?

Ngoài những nghi vấn về việc kinh doanh không bình thường tại tiệm vàng Tuấn Kiệt và Hoàng Khiêm, dư luận còn hoài nghi việc kinh doanh tại công ty Sài Gòn SJC. Bởi, chỉ trong thời gian nêu trên, công ty Sài Gòn SJC mua hàng trăm ngàn lượng vàng với tổng số tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng của 2 tiệm vàng này. 

Đáng chú ý, từ khi tiệm vàng Hoàng Khiêm bị cơ quan chức năng Cà Mau phát hiện có sự mờ ám trong kinh doanh, công ty Sài Gòn SJC không tiếp tục trao đổi mua bán với tiệm vàng Tuấn Kiệt nữa. Để làm rõ những nghi vấn trên, chiều 23/11, PV đã đến trụ sở công ty Sài Gòn SJC tại TP.HCM làm việc. Tuy nhiên, một cán bộ phòng Tổ chức – Hành chính cho biết: “Công ty sắp vào họp nên không thể tiếp PV và đề nghị PV quay lại sau!”.


Theo M.Tuấn - L.Thanh - T.Thị (ĐSPL)