Chơi cây tài lộc tiền thật: Phong thủy hay vi phạm pháp luật?

Trên thị trường hiện nay xuất hiện cây tài lộc được làm bằng tiền thật với nhiều hình dáng bắt mắt. Tuy nhiên, việc chơi cây tài lộc này mang ý nghĩa phong thủy hay là hành vi vi phạm pháp luật đang khiến không ít người băn khoăn, lo lắng.

choi-cay-tai-loc-tien-that-phong-thuy-hay-vi-pham-phap-luat

Cây tài lộc bằng tiền thật

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, TS triết học Nguyễn Văn Vịnh, Trưởng khoa Khoa học cơ bản (Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) và luật sư Nguyễn Văn Tiên (Công ty luật Thanh Tùng) đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

TS Nguyễn Văn Vịnh: Cây tài lộc bằng tiền không có ý nghĩa gì!

Thưa TS, cách gọi “cây tài lộc” có đúng hay không và nó có ý nghĩa như thế nào trong dịp Tết đặc biệt của người Việt?

TS Nguyễn Văn Vịnh: Tết Âm lịch bắt đầu vào tháng Giêng, vào mùa xuân; mà theo vòng quay của vũ trụ, mùa xuân bao giờ cũng là mùa của sự sinh sôi, nảy nở, cây cối đâm chồi, nở hoa. Điều này cũng đồng nghĩa với một vòng quay mới sắp bắt đầu với mong muốn vạn vật sinh sôi, phát triển.

Từ ý nghĩa tuần hoàn của trời đất, cây cối ra hoa kết trái thì con người cũng có mong muốn năm mới làm ăn phát đạt. Lúc này, người ta tìm cách trưng bày các loại cây hoa, trái quả được cho là tốt (tùy vào quan niệm của từng dân tộc) để đặt lên bàn thờ.

Với các dân tộc Á Đông, theo truyền thống, người Việt có hoa đào, người Nhật có hoa anh đào, người Đài Loan có hoa lan... Thế nhưng, với những sự kiện gần đây, cách đặt tên cho các loại cây lại thể hiện lòng tham của con người trong đó. Theo tôi, không có cây nào là cây tài lộc mà chỉ có cây phất lộc. Bản thân cây phất lộc rất dễ sống, chỉ cắm vào nước là sống được rất lâu. Vì thế, người ta thường tìm những loại cây có sự sống cao để làm cảnh, trưng bày trong dịp Tết cổ truyền.

Thông thường, các loại cây được đặt lên bàn thờ được làm bằng các loại giấy vàng, giấy bạc để biểu hiện cây vàng, cây bạc. Thực chất, cầu tài, cầu lộc cũng không có gì là xấu nhưng việc biến các loài cây, thậm chí là những cây không tên, cứ thấy nó sống lâu thì gọi là tài lộc là không đúng.

Nhiều người trực tiếp tạo hình cho cây tài lộc bằng tiền thật cho rằng đó là việc làm mang tính nghệ thuật cao. Ông có suy nghĩ gì về ý kiến này?

Tôi nghĩ để làm nên những cây như thế này không cứ phải là tiền. Trên thế giới có cả một nghệ thuật gấp giấy, cắt giấy, làm tranh từ giấy. Người Nhật Bản làm việc này rất nhiều, các dân tộc khác cũng làm không ít, nhưng họ chỉ dùng giấy nhiều màu sắc.

Việc sử dụng tiền như vậy là hoàn toàn sai trái, nó giống hành vi hủy hoại đồng tiền hơn là tạo ra một tác phẩm nghệ thuật. Những trường hợp sử dụng đồng tiền sai mục đích, đặc biệt là trong dịp lễ Tết thì có thể hiểu đó là lòng tham của con người.

choi-cay-tai-loc-tien-that-phong-thuy-hay-vi-pham-phap-luat 2

TS Triết học Nguyễn Văn Vịnh: Cây tài lộc bằng tiền không hề mang ý nghĩa phong thủy

Vậy theo TS, cây tài lộc có mang ý nghĩa phong thủy hay không và tại sao?

Phong thủy có thể hiểu đơn giản là cách tổ chức hợp lý không gian sống. Một số loại cây sử dụng trong nhà có tác dụng lọc khí, ngoài ra còn một số tác dụng khác về mặt phong thủy. Tuy nhiên, những loại cây tài lộc làm từ vàng mã hay tiền thật lại không có ý nghĩa gì cả.

Ai cũng muốn có tiền bạc, tài lộc nên làm ra những vật phẩm thờ cúng tương tự để cầu mong cái đó. Nhưng suy cho cùng, đó cũng chỉ là một nét văn hóa Á Đông và không giải quyết được vấn đề gì.
Đi sâu vào tìm hiểu phong thủy, có một số vật phẩm mà người ta tin vào nó để giải quyết những vấn đề liên quan tới phong thủy như dựa vào những tính chất vật lý, tính chất bán dẫn của thạch anh... Nhưng thực tế cho thấy, không phải cứ dùng những vật phẩm đó với cớ phong thủy là đúng mà đó chỉ là hành động “lòe” nhau, đánh vào cái cầu tốt, tránh xấu của nhiều người.

Theo TS, việc buôn bán các cây tài lộc bằng tiền thật có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không?

Thờ cúng được coi là một nét đẹp văn hóa. Tuy nhiên, nói một cách nghiêm túc việc mua bán các cây bằng tiền thật này được coi là phạm pháp. Không biết người dùng có lấy số tiền đó ra để xài hay không nhưng rõ ràng tiền đó được sử dụng sai mục đích. Bởi bản thân chức năng của đồng tiền là để lưu hành, trao đổi, giao dịch nhưng bây giờ lại dùng nó trong mục đích làm cảnh, để biểu lộ lòng tham, thì điều này rất là sai trái.

Với những quan điểm mà TS nêu trên thì người Việt nên trưng bày loại cây nào trong dịp Tết, thưa ông?

Cách bày cây cối mang tính chất phong thủy cũng là một phần mang ý nghĩa phong cảnh, bắt nguồn từ nghệ thuật làm vườn. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta phải trưng bày hay trồng những cây đó mới có tài có lộc. Trái lại, nên hiểu rằng rất nhiều dân tộc trên thế giới này cũng không bày cây cảnh nhưng họ vẫn có tài lộc, vẫn có triệu phú đó thôi!

Bày cây cảnh vào dịp Tết là một nét văn hóa nhưng cách thức để con người biểu lộ mong ước thì lại mang tính biểu trưng, biểu tượng và điều đó không có nghĩa là thể hiện qua hiện vật. Nếu thể hiện mong muốn qua hiện vật thì tôi cho rằng đây là nhận thức lệch lạc về văn hóa.

Cuối cùng, TS có lời khuyên nào cho người tiêu dùng về vấn đề này?

Lời khuyên lớn nhất là không nên phung phí tiền bạc theo kiểu như thế này. Việc thờ cúng tổ tiên mang tính biểu trưng cao, thể hiện lòng tri ân với những bậc tiền nhân. Và cái gì đủ mức thì thôi! Đồng thời, bản thân các phương tiện thông tin đại chúng cũng nên giải thích rõ ràng để người tiêu dùng không mua những loại cây như vậy. Không có cầu ắt không có cung.

Luật sư Nguyễn Văn Tiên: Đây không phải là hành vi hủy hoại tiền

Trái ngược với ý kiến của TS Nguyễn Văn Vịnh, luật sư Nguyễn Văn Tiên (Công ty luật Thanh Tùng) cho rằng, đây không phải là hành vi hủy hoại tiền.

“Tiền có chức năng giao dịch, thanh toán nên mọi hành vi xé rách, cắt dán, đốt... làm cho tờ tiền không còn giá trị sử dụng như đúng chức năng của nó mới bị coi là hủy hoại tiền”, luật sư Tiên cho biết.

Luật sư Tiên nhấn mạnh: “Đây là hành động tâm linh, thờ tiền chứ không phải là hành vi hủy hoại tiền bạc. Hủy hoại là phải cắt xé, đốt phá, làm mất giá trị vốn có của nó”.

Xin chân thành cảm ơn TS và luật sư.

Theo Thu Anh (MTG)