Chuyện lạ ở Xi măng Hà Tiên 1: Hàng vạn tấn clinker "chết" đã được hóa kiếp thế nào?

Hàng chục ngàn tấn clinker đã bị đông đá. Số nguyên liệu này phải tái chế lại, cộng với phụ gia để để sản xuất thành xi măng mới.

Dưới thời điều hành của ông Trần Việt Thắng, có những chuyện làm ăn rất khó hiểu xảy ra tại Công ty xi măng Hà Tiên 1.

Trong thời gian ông Trần Việt Thắng làm Tổng Giám đốc Công ty Hà Tiên 1 từ ngày 26/6/2010 đến 11/11/2013, đã có tình trạng tồn nguyên liệu dẫn đến tồn bãi, đóng cục như khối bê tông 22.000 tấn clinker tại Trạm nghiền Thủ Đức.

Số clinker này Hà Tiên 1 phải thuê đơn vị làm dịch vụ móc lên, đập nhỏ với chi phí phát sinh hàng tỷ đồng, phải trộn với clinker mới, đem vào nghiền, tăng chất phụ gia bổ trợ trước khi đem vào sản xuất xi măng.

Để làm rõ thông tin này, trong vai một doanh nghiệp sản xuất xi măng ở phía Bắc có cũng hàng chục ngàn tấn clinker bị "chết", một ngày trung tuần tháng 11/2015, chúng tôi đến trạm nghiền Thủ Đức – một trong những trạm nghiền clinker lớn nhất của Hà Tiên 1 để liên hệ công việc.

Chúng tôi đã có được số điện thoại của ông Đức Lành – Giám đốc Công ty Minh Long, đây là doanh nghiệp đang nhận hợp đồng xử lý clinker ‘chết’ cho Hà Tiên 1.

Qua điện thoại, lại thêm một bất ngờ nữa, ông Lành cho biết, công ty ông ký hợp đồng, nhưng thực tế, việc xử lý cliker cho Hà Tiên thì ông thuê lại một người tên là Liêm trực tiếp xử lý. Ông Lành hẹn chúng tôi hôm sau sẽ bố trí để ông Liêm làm việc cụ thể.

Sáng hôm sau, ông Nguyễn Thanh Liêm chủ động, hẹn gặp chúng tôi để bàn công việc. Ngay khi gặp mặt, ông Liêm khẳng định mình chính là người chuyên xử lý các loại clinker đông đá, đóng cục cho Hà Tiên 1, và cũng là người chuyên xử lý các vấn đề này nổi tiếng tại khu vực phía Nam.


Số clinker 'chết' trước đây của Hà Tiên 1 to như quả núi, nay đã được ông Liêm xử lý gần xong hết.

Ông Liêm cho biết: “Tôi hợp tác với anh Lành chỗ Minh Long đã 7,8 năm nay. Tôi chỉ chuyên là người đi thực hiện, còn anh Lành có Công ty nên có tư cách pháp nhân để xuất hóa đơn, giấy tờ. Hầu hết các ‘mối’ có liên quan đến Hà Tiên 1 cũng từ anh Lành giới thiệu”.

Cũng theo ông Liêm, giá cả phá dỡ, đục, gọt clinker đã ‘chết’ thì cũng rất vô chừng, thông thường nếu độ cứng của clinker đến 90% thì giá khoảng 75.000 đồng/m3. Toàn bộ nhân công, trang thiết bị phục vụ cho việc phá dỡ sẽ do ông Liêm phụ trách, chuẩn bị sẵn.

Để chứng minh việc mình đã và đang làm, ông Liêm đã dẫn nhóm phóng viên đi thăm quan trạm nghiền Thủ Đức để tận mắt xem khối clinker ‘chết’ của Hà Tiên 1 còn đang chờ xử lý.

Chỉ tay vào kho chứa clinker chết, ông Liêm cho biết: “hơn 20 ngàn tấn đã được chúng tôi xử lý xong gần hết, chỉ còn vài ngàn tấn nữa là xong”.

Ông Liêm kể rằng, lúc mới nhận việc, khối clinker lớn đã ‘chết’ của Hà Tiên 1 to như quả núi.

Không chỉ dẫn đi xem, để chứng minh cho việc ‘hợp tác’ xử lý clinker ‘chết’ cho Hà Tiên 1, ông Nguyễn Thanh Liêm đã chủ động cung cấp cho chúng tôi một bản hợp đồng dịch vụ.

Hợp đồng này được ký vào ngày 20/10/2010, thời điểm mà ông Trần Việt Thắng đang giữ cương vị Tổng Giám đốc Công ty Xi Măng Hà Tiên 1. Nội dung là ký kết giữa Hợp tác xã dịch vụ vận tải Liên Minh do ông Trần Việt Vũ (ông Vũ là anh trai ông Thắng) với ông Nguyễn Thanh Liêm.

Hợp đồng này nói rõ, công việc mà ông Liêm đảm nhận là sẽ thực hiện các công việc cho ông Vũ như: Khoan, đục, xẻ và đập nhỏ xi măng/clinker đóng rắn tại bãi của Công ty cổ phần Xi Măng Hà Tiên 1 – trạm nghiền Long An với đơn giá khoán gọn, bao thầu hết tất cả là 72.000 đồng/m3.


Tuy nhiên, bên trong trạm nghiền vẫn còn rất nhiều clinker 'chết' đông cứng như cục bê tông rơi vãi khắp nơi.

Đơn giá này bao gồm cả chi phí nhân công, máy móc thiết bị, xăng dầu, mỡ và vận chuyển thiết bị đi về, áp dụng cho cả ngày nghỉ lễ và ngày bình thường.

Ngay sau khi có được các thông tin trên, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ lại với ông Lành – Giám đốc Công ty Minh Long, hẹn một cuộc gặp để bàn phương án xử lý clinker ‘chết’ mà chúng tôi đã đề cập ngay từ khi tiếp xúc.

Sau nhiều lần hẹn và cung cấp các thông tin theo đúng yêu cầu của ông Lành, ông này vẫn không tiếp xúc với chúng tôi dù là với vai trò cán bộ doanh nghiệp đi tìm đối tác làm ăn.

Ông Lành chỉ khẳng định rằng: Nhiều năm qua, ông đã nhận xử lý clinker chết cho công ty Hà Tiên 1, giá dịch vụ dao động từ 65.000 – 75.000 đồng/m3, tùy theo mức độ đông cứng khác nhau.

Nhiều năm qua, cũng chỉ có ông Lành làm ‘hóa kiếp’ cho clinker tại Hà Tiên 1 với sản lượng hàng chục ngàn tấn.

Công việc nhiều tới mức, ông Lành không muốn nhận thêm vì “lo làm còn không hết, nhận thêm làm gì?”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàn Cầu, Tổng thư ký hiệp hội xi măng Việt Nam, clinker khi ra khỏi lò, làm nguội càng nhanh càng tốt và cũng nên được đập nhỏ và đem sử dụng làm xi măng càng sớm càng tốt. Nếu để ngoài trời thì sẽ bị ảnh hưởng, chất lượng kém, để hàng năm thì bị hỏng. Mà đã kém rồi thì khi nghiền ra thành xi măng thì xi măng sẽ có chất lượng kém, cường độ hay các phẩm chất khác đều khó đạt. Clinker để ngoài trời, nếu tình huống bắt buộc thì cũng chỉ nên để 2 đến 3 tháng, còn nếu để quá mức ấy thì clinker đã hỏng.

Theo PV (Gia đình & Xã hội)