Chuyện lạ: Tiêm vaccine cho muỗi để ngừa sốt xuất huyết?

Các nhà khoa học nói rằng việc sử dụng Wolbachia cho muỗi không khác gì việc “tiêm vaccine cho muỗi” nhằm phòng bệnh sốt xuất huyết

Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), đến ngày 28/9, cả nước ghi nhận gần 40.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 51 tỉnh/thành phố, trong đó có 24 trường hợp tử vong.

Số bệnh nhân mắc SXH gia tăng khiến nhiều bệnh viện lâm vào tình trạng quá tải.

Thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số ca mắc SXH đến viện khám đang tăng từng ngày. Nếu như trong tháng 7 chỉ có 68 ca nhập viện theo dõi thì đến tháng 8, con số này đã tăng 163 ca.

Từ đầu tháng 9 đến nay tăng lên 220 ca nhập viện. Trung bình mỗi ngày khoa Virus - Ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), tiếp nhận từ 15 - 20 bệnh nhân..

Bệnh sốt xuất huyết Dengue được lây truyền qua muỗi Aedes và hiện nay phòng chống bệnh dịch này còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có vaccine phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng chống chủ yếu và có hiệu quả là dựa vào kiểm soát véc tơ truyền bệnh.

Số mắc, tử vong do sốt xuất huyết từ năm 1980 đến 9 tháng đầu năm 2015 (Nguồn: Cục Y tế dự phòng)

Ngày 27/9, tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, để góp phần đạt hiệu quả hơn trong phòng chống muỗi truyền bệnh, một trong những nghiên cứu đang được thử nghiệm tại đảo Trí Nguyên, Việt Nam là dùng vi khuẩn Wolbachia để gây nhiễm vào muỗi, làm cho muỗi chết sớm và hạn chế vi rút Dengue nhiễm và phát triển được trên muỗi nhiễm đó.

Wolbachia là vi khuẩn nội bào, sống trong tế bào côn trùng và truyền từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo thông qua trứng của côn trùng.

Wolbachia được tìm thấy tự nhiên trong khoảng hơn 60% các loài côn trùng sống xung quanh con người, bao gồm cả những loài muỗi thường hay đốt người, tuy nhiên nó lại không tồn tại trong muỗi Aedes aegypti,véc-tơ chính truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue .

Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu dự án bắt đầu nghiên cứu về Wolbachia từ năm 2006 với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế.

Dự án đã cấy và nhân nuôi thành công muỗi Aedes aegypti địa phương mang Wolbachia tại phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Trên cơ sở khoa học và thực tiễn thu được qua các giai đoạn nghiên cứu từ năm 2006 - 2013, hoạt động thả muỗi Aedes aegypti mang Wolbachia đã được Bộ Y tế phê duyệt vào tháng 4/2014 trên thực địa hẹp Đảo Trí Nguyên, NhaTrang, với dân số trên 3.000 dân.

Vào tháng 5/2014, muỗi Aedes aegypti nhiễm Wolbachia đã được tiến hành thả tại từng hộ gia đình trên đảo. Sau 27 tuần thả muỗi Aedes aegypti, tỷ lệ muỗi Aedes aegypti nhiễm Wolbachia tại đây là 87%. Kết quả giám sát quần thể muỗi Aedes aegypti tự nhiên vào tháng 5/2015 cho thấy nhiễm trên 95%.

Các kết quả nghiên cứu tại đảo Trí Nguyên đã chứng minh khả năng có thể xâm nhập vào quần thể muỗi Aedes aegypti tự nhiên của vi khuẩnWolbachia.

Như vậy bước đầu nghiên cứu đã cho thấy muỗi mang Wolbachia sau khi thả đã thiết lập và thay thế gần như toàn bộ quần thể muỗi Aedes aegypti tự nhiên.

Ngoài ra theo kết quả giám sát ca bệnh mắc SXH từ giữa năm 2014 đến nay, tại đảo Trí Nguyên không ghi nhận ổ dịch SXH tập trung hay ca mắc SXH địa phương nào. Chính vì lý do này mà các nhà khoa học nói rằng việc sử dụng Wolbachia cho muỗi không khác gì việc "tiêm vaccine cho muỗi".

Từ việc hạn chế virus Dengue nhiễm và phát triển trên muỗi, đến việc thời gian sống của muỗi rút ngắn lại mà tác động hiệu quả tới việc phòng chống bệnh SXHD.

Nghiên cứu này thành công sẽ góp phần tích cực cho công tác phòng chống sốt xuất huyết.

Theo T.Nguyên (GĐXH)