Còn 6 tấn Salbutamol trôi nổi trên thị trường

Thông tin từ cuộc họp về an toàn thực phẩm (ngày 3/3) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang dần được kiểm soát. Tuy nhiên, không ít người sửng sốt với thông tin vẫn còn 6 tấn Salbutamol trôi nổi trên thị trường, nguy cơ về an toàn thực phẩm vẫn còn đó.

con-6-tan-salbutamol-troi-noi-tren-thi-truong
Người tiêu dùng cần cẩn trọng với những bàn thịt không rõ nguồn gốc bán ven đường. Ảnh: Chí Cường

Salbutamol nhập 1,5 triệu đồng/kg, bán 15 triệu đồng/kg

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT: “1kg Salbutamol (là chất siêu tạo nạc trong thời gian ngắn) nhập khẩu chỉ có giá khoảng 1,5 - 1,6 triệu đồng nhưng khi bán ra thị trường lên tới 15 triệu đồng. Khi sử dụng chất này hòa vào thức ăn của lợn, mỗi con cho lãi từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Siêu lợi nhuận sẽ khiến người chăn nuôi vi phạm nếu công tác kiểm tra lơ là, đặc biệt là ở khu vực trang trại chăn nuôi và lò mổ”.

Để ngăn chặn vấn nạn trên, các đoàn thanh tra đang hoạt động hết sức tích cực tại các điểm nóng. Mới đây nhất là ngày 3/3, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phối hợp cùng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) kiểm tra đột xuất một số cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Qua kiểm tra đã phát hiện 2 doanh nghiệp và một đại lý thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu nghi ngờ sử dụng chất cấm. Đoàn đã lấy 9 mẫu thức ăn của các cơ sở này để xét nghiệm và dự kiến sẽ có kết quả sớm và công bố công khai.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tổng kết đợt cao điểm kiểm tra chất cấm, các đoàn kiểm tra đã lấy 207 mẫu thức ăn chăn nuôi của 32 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại 10 tỉnh, thành để phân tích và kết quả là không phát hiện Salbutamol và Auramine. Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cũng được Bộ NN&TNT kỳ vọng sẽ được kiểm soát triệt để trong thời gian tới bởi khung hình phạt sẽ tăng nặng sau việc hình sự hóa hành vi buôn bán, kinh doanh chất cấm chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7. Ông Việt cho hay: “Theo quy định tại Điều 190, 191, 195 và 317 Bộ luật Hình sự, việc kinh doanh, sử dụng chất cấm có thể bị bỏ tù từ 1-5 năm, thậm chí từ 5 - 10 năm. Các Sở NN&PTNT cần thống kê lại trên địa bàn có bao nhiêu cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lợn thịt… để gọi lên phổ biến, có biện pháp răn đe”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng thẳng thắn cho biết, hiện vẫn còn 6 tấn Salbutamol trôi nổi trên thị trường nên vẫn có hành vi lén lút sử dụng. Trong số này, chỉ có khoảng 10kg Salbutamol được sử dụng đúng mục đích.

Tuyên chiến với kháng sinh trong chăn nuôi

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ cuối năm 2015 đến tháng 2/2016, số vi phạm về sản phẩm nông nghiệp nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép, vi phạm chỉ tiêu hóa chất... có giảm so với 9 tháng đầu năm 2015. Tuy nhiên, có tới 397/5.048 mẫu thủy sản (chiếm 7,9% số mẫu kiểm tra) phát hiện chỉ tiêu vi phạm về hóa chất và kháng sinh vượt giới hạn cho phép. Số lượng này vượt gấp nhiều lần so với tỷ lệ vi phạm là 1,01% trong 9 tháng đầu năm 2015.

Nói về điều này, ông Cao Đức Phát tỏ rõ sự bức xúc: Do 4 tháng qua, ông đã chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tăng cường giám sát sản phẩm thủy sản lưu hành trong nước mới cho ra con số thực. Theo ông, con số 1,01% trước đây là không chính xác. Phải tăng cường để không còn tình trạng bán cá ướp u rê, cho các chất bảo quản vào thủy hải sản, bán cho người dân. Ông cho rằng, đây là hành động bất chính cần xử lý nghiêm khắc mới đủ sức răn đe. Năm 2015 là Năm an toàn thực phẩm, nhưng năm 2016 sẽ thực hiện một cách quyết liệt và triệt để hơn. Năm nay, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung nguồn lực để thanh tra đột xuất và mạnh tay với chất cấm trong thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ và vô cơ. Sau đợt cao điểm này, cơ quan chức năng vẫn phải vào cuộc một cách quyết liệt để xử lý triệt để với các loại chất cấm.

Ông Cao Đức Phát cũng chỉ rõ, trong 4 tháng tới, sẽ tập trung vào vấn đề lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Số lượng các công ty nhập khẩu và sản xuất kháng sinh trong nước lớn hơn nhiều so với các đơn vị nhập khẩu Salbutamol. Vấn đề này phức tạp hơn chất cấm nhiều. Nhưng với kinh nghiệm đã có, các đơn vị cùng hợp sức thì sẽ làm được. Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng sẽ đi lấy mẫu, thanh kiểm tra đột xuất khoảng 700 nhà máy sản xuất phân bón và lấy 500-1000 mẫu để có số liệu chính xác liên quan đến việc phản ánh phân bón giả hoành hành trên thị trường.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các cơ quan chức năng cần xử lý giám sát lò mổ, nơi chăn nuôi rồi truy tận cùng nguồn cung cấp. Khi đã truy ra được mối này, chúng ta sẽ lần đến các nhà máy sản xuất thức ăn, từ đó biết được các công ty nhập khẩu vi phạm về buôn bán chất cấm. Có làm như thế mới có thể ngăn chặn chất cấm trên thị trường. Hy vọng với sự quyết liệt của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn về chất lượng thực phẩm bán trên thị trường.

Cần lập đường dây nóng thông tin về chất cấm

Đại diện Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, ngoài đường dây nóng tiếp nhận tố cáo các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm… của Bộ NN&PTNT, các Sở NN&PTNT địa phương cũng cần lập đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến của người dân và “đánh động” các đối tượng sử dụng, kinh doanh chất cấm, vật tư nông nghiệp kém chất lượng…

Theo Thu Anh/Báo Gia đình & Xã hội