Công ty Botania: Liên tiếp sai phạm trong quảng cáo sản phẩm TPCN BoniDiabet?



Vừa bị Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế phạt hành chính về vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo năm 2018, thế nhưng Công ty TNHH Botania không sửa sai mà vẫn “chứng nào tật nấy”.

Cụ thể, ghi nhận trên website bán sản sản phẩm TPCN BoniDiabet của công ty này tại địa chỉ yhocdoisong.net.vn đăng hàng loạt bài viết dưới dạng “thư cảm ơn” trong chuyên mục “Chuyện của tôi” bằng việc chia sẻ của người bệnh để lồng vào những nội dung quảng cáo.

Hầu hết “thư cảm ơn” đều có chung nội dung là trước khi biết đến sản phẩm thì khổ sở vì bệnh tật hành hạ, nhưng từ khi biết và sử dụng một thời gian ngắn bệnh tình đã thay đổi rõ rệt. Để thuyết phục người tiêu dùng, công ty này còn để kèm tên, tuổi, địa chỉ, hình ảnh của nhân vật.

Cụ thể, bài viết “Hết lo bệnh tiểu đường nhờ BoniDiabet” tại đường link: https://yhocdoisong.net.vn/het-lo-benh-tieu-duong-nho-bonidiabet?tieuduong đã sử dụng bệnh nhân là chú Vương với những đoạn: Ban đầu chú dùng BoniDiabet với liều 4 viên mỗi ngày kèm cả thuốc tây và tiêm insulin với liều như cũ. Sự thay đổi rõ nhất sau những tuần đầu tiên là chú thấy cơ thể mình khỏe hơn trước nhiều, không có hiện tượng tụt đường huyết nữa.

Về sau chú mới biết là do đường huyết đã dần ổn định nên mới được như thế, cụ thể là 2 tháng liên tục chú đi đo đường huyết đều chỉ 115 thôi, tới lần thứ 3, tức là sau 4 tháng sử dụng BoniDiabet, bác sỹ gật gù bảo đường huyết ổn định rồi, giảm cho chú nửa liều tiêm insulin xem sao. Ai dè đường huyết vẫn tốt nên bác sỹ chỉ định có thể tạm ngưng tiêm insulin mà chỉ cần dùng thuốc tây và BoniDiabet thôi”, chú Vương hào hứng kể.

cong-ty-botania-lien-tiep-sai-pham-trong-quang-cao-san-pham-tpcn-bonidiabet

Dưới dạng chia sẻ của người bệnh website đã lồng các thông tin quảng cáo sản phẩm BoniDiabet. Ảnh chụp màn hình. 

Thực tế cho thấy, đối với bệnh nhân đái tháo đường phải điều trị bắt buộc bằng tiêm insulin để kiểm soát đường huyết, đặc biệt bệnh tiểu đường type 1 không thể thiếu insulin trong điều trị. Thế nhưng, trong nhiều bài gắn mác “thư cảm ơn” của người bệnh mà Botania đã đăng tải để quảng cáo cho sản phẩm BoniDiabet, công ty này đang có dấu hiệu “ngầm” khuyên người bệnh không dùng isulin và thuốc tây để điều trị.

Tất cả các bài viết gắn mác “thư cảm ơn” trên đều viết rằng sau một thời gian sử dụng sản phẩm BoniDiabet người bệnh không còn phải dùng thuốc tây điều trị, mập mờ ý khuyên người bệnh không cần dùng isulin mà chỉ cần dùng BoniDiabet.

Điển hình trong bài “Chiến đấu tới cùng với căn bệnh tiểu đường”, công ty này viết: “Sau nửa năm sử dụng BoniDiabet, anh gần như không phải sử dụng thuốc tây nhiều nữa, thậm chí BoniDiabet anh cũng chỉ uống có 2 viên mỗi ngày mà những biến chứng trên tay chân và mắt đã hết hẳn, mỡ máu cũng về ngưỡng an toàn”…

Điểm đặc biệt, cả với nhưng bệnh nhân bị tiểu đường type 2 đã có biến chứng, theo quảng cáo trong những bài viết trên website của công ty Botania thì những bệnh nhân này chỉ sau thời gian ngắn sử dụng đều có thể giảm thuốc tây và không còn phải dùng thuốc tây nữa.

cong-ty-botania-lien-tiep-sai-pham-trong-quang-cao-san-pham-tpcn-bonidiabet

Sử dụng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo. Ảnh chụp màn hình.

Bên cạnh đó, theo ghi nhận của phóng viên, ở cả hai website yhocdoisong.net.vn và botania.com.vn công ty Botania đều đăng tải hình ảnh bác sỹ để quảng cáo sản phẩm. Điển hình, công ty Botania đã sử dụng hình ảnh của Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Trần Quốc Bình.

Chưa dừng ở đó, trên cả 2 website, công ty Botania đều quảng cáo khi khách hàng gọi tới sẽ được dược sỹ tư vấn. Thế nhưng, khi PV vào vai bệnh nhân gọi điện qua đường dây nóng 18001044 thì chỉ có nhân viên tư vấn. Phải chăng công ty Botania đang lừa dối khách hàng?

cong-ty-botania-lien-tiep-sai-pham-trong-quang-cao-san-pham-tpcn-bonidiabet

 Trên website ghi rõ là dược sĩ tư vấn nhưng khi gọi điện đến thì là nhân viên tư vấn. Ảnh chụp màn hình.

Chất lượng Việt Nam Online đang liên hệ với các cơ quan chức năng để làm rõ những sai phạm nêu trên của Công ty Botania. 

Theo quy định của pháp luật, Công ty Botania đang có dấu hiệu vi phạm khoản 2 điều 27 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Cụ thể, các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm quy định không sử dụng hình ảnh, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo sản phẩm.

Bên cạnh đó, tại điểm d, khoản 2, Điều 7, Thông tư số 09/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt thuộc quản lý của Bộ Y tế: Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm. 

Theo VietQ