Đánh thức tiềm năng của bé bằng cách giáo dục sớm cho bé

Giáo dục sớm là khái niệm được quan tâm nhiều của các bậc cha mẹ, do tất cả đều mong muốn các bé có một sự khởi đầu giáo dục toàn diện với sự phát triển trí não ngay từ 1.000 ngày đầu đời.


Giáo dục sớm là khái niệm được nhiều cha mẹ quan tâm

Khái niệm này không mới ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, Úc, nhưng vẫn còn khá mới đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Đôi lúc, một vài khái niệm và cách thức hoạt động gây nhiều hiểu lầm cho cha mẹ Việt Nam, thậm chí dẫn đến những tác hại hơn là lợi ích.

Không ít cha mẹ suy nghĩ rằng: Việc tập đọc cho bé bằng các thẻ chữ ngay từ tuổi rất sớm là một phương pháp giáo dục sớm cho bé, nhưng cách thức hoạt động của họ không đúng (chú trọng quá nhiều hình thức), quá khô khan và áp lực lên các bé quá nhỏ, những điều này không có lợi ích gì trong việc phát triển trí não, thậm chí gây nhiều tác hại cho bé.

Do đó, hiểu rõ và thực hiện đúng là điều nên làm khi cha mẹ đang muốn giúp trí não bé phát triển.

Như thế nào là cách giáo dục sớm cho bé?

Giáo dục sớm không đơn thuần được hiểu như dạy đọc, dạy viết, dạy ngôn ngữ cho bé ở độ tuổi sớm. Đó là một khái niệm hẹp, nói đúng hơn là giáo dục sớm là tập trung giáo dục về giao tiếp, kĩ năng xã hội cho các bé ngay từ khi còn rất nhỏ và cuối cùng ngôn ngữ sẽ tự động phát triển một cách tự nhiên.

Bằng cách đặt bé vào một môi trường năng động, với sự giúp đỡ, yêu thương của cha mẹ thông qua các trò chơi lành mạnh sẽ giúp các tế bào thần kinh liên kết chặt chẽ và làm tiền đề cho sự học hỏi, tư duy và sáng tạo.

Cha mẹ nên biết về não bộ và giáo dục sớm

Não bộ 0-3 tuổi

Là giai đoạn phát triển nhanh nhất, gần như hoàn thiện về chức năng và liên kết như người lớn. Đây cũng là giai đoạn dễ tổn thương nhất, và tổn thương không phục hồi.

Cách thức học: khám phá, vui chơi và giao tiếp là chính. 

Tất cả kiến thức thông qua ba tiêu chí trên thì não bộ mới lưu nhận. Ngoài ba tiêu chí trên thì não bộ không lưu nhận, thậm chí gây tổn hại đến phát triển bình thường của não bộ.


Bé từ 0-3 tuổi khám phá, vui chơi là chính

Não bộ 4-8 tuổi

Là giai đoạn phát triển tiếp tục, là giai đoạn quan trọng trong phát triển ngôn ngữ và tư duy. Quan trọng nhất là đến 6 tuổi. Tổn thương trước 6 tuổi cũng là dạng không thể phục hồi.

Cách thức học: khám phá, vui chơi, giao tiếp, học hỏi là chính.

Khác giai đoạn trước, giai đoạn này các bé có thể được dạy về từ vựng, toán học, ngôn ngữ thứ 2, nhưng lưu ý vui chơi và giao tiếp vẫn luôn là chính.


Bé từ 4-8 tuổi có thể được dạy về từ vựng, toán học, ngôn ngữ

Não bộ sau 8 tuổi

Là giai đoạn phát triển gần như giống của người lớn về chức năng và tính bền vững. Nghĩa là, giai đoạn này, não bộ thích hợp cho việc học hỏi ở giai đoạn cao hơn.

Cách thức học: vui chơi, học hỏi, tư duy và sáng tạo. 

Giai đoạn này bé có thể học hỏi và tư duy mức độ cao hơn, nhưng các hoạt động học tập luôn phải dung hòa với việc vui chơi của các bé.

Cha mẹ nên lựa chọn cách thức học phù hợp với độ tuổi của con mình để có thể giúp các bé phát huy hết tối đa khả năng và đánh thức tiềm năng của bé.

Theo Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn (Worcester, Worcestershire)

Xuân Anh Lê (BVPL)