Đắp cao, lá chữa mụn, nhọt, một người đàn ông đối mặt cửa tử

Anh Hà Ngọc Kiền (47 tuổi, ở phường Kim Sơn, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) bị nổi mụn ở mông trái. Anh tự mua các loại cao dán, thuốc Nam về đắp, tuy nhiên bệnh không đỡ mà anh bị mê sảng, co giật, sốt cao và được gia đình đưa vào viện. Sau hơn 4 ngày, sáng 9/4, anh Kiền đã được gia đình xin về vì tiên lượng quá xấu.

Đắp cao, lá chữa mụn, nhọt, một người đàn ông đối mặt cửa tử

Bệnh nhân Kiền khi đang điều trị tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí. Ảnh: BVCC

Nhiễm trùng huyết nặng vì tự đắp cao, thuốc Nam chữa mụn, nhọt

Mẹ anh Kiền cho biết, khoảng 2 tuần nay, anh Kiền thường xuyên kêu đau, nhức do mụn nhọt sưng to ở mông trái. Gia đình không đưa anh đi khám mà tự mua các loại cao dán về đắp. Sau khi đắp cao, vết mụn, nhọt không có chiều hướng nhỏ đi mà ngày càng sưng to, mưng mủ và vỡ ra chảy nhiều mủ trắng có lẫn máu.

Gia đình nghe theo một số người hàng xóm mách đã mua 2 liều thuốc Nam về đắp cho anh. Sau khi đắp thuốc Nam 1 ngày, anh Kiền thấy người mệt mỏi, không ăn được chỉ uống chút nước cam. Đến chiều ngày 5/4, anh Kiền có biểu hiện mê sảng, co giật, sốt cao, gia đình mới vội vàng đưa anh đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cấp cứu.

Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân Kiền nhập viện trong tình trạng co giật, sốt cao trên 40oC, vùng mông có vết loét rộng đường kính 10cm, sâu 4cm đang chảy dịch mủ. Sau khi tiến hành thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị nhiễm khuẩn huyết có vết loét rộng vùng mông trên nền bệnh xơ gan.

Bệnh nhân đã được xử trí vết thương, dùng kháng sinh kiểm soát tình trạng nhiễm trùng. Trong suốt 4 ngày ở viện, bệnh nhân luôn trong tình trạng hôn mê sâu, không tiếp xúc, thở máy, tiên lượng rất nặng do vết thương nhiễm trùng nặng, diện tích lớn. Sáng 9/4, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, một cán bộ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà.

Cũng liên quan đến việc tự ý chữa mụn nhọt, cách đây không lâu, một phụ nữ 60 tuổi (ở Phú Xuyên, Hà Nội) rơi vào tình trạng sốc nhiễm trùng máu nguy kịch. Gia đình cũng phải xin về vì tình trạng bệnh quá nặng. Trước đó, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốc nhiễm trùng máu nguy kịch, hôn mê, tiên lượng xấu. Theo lời kể, bệnh nhân có tiền sử bệnh tiểu đường.

Khoảng một tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân bị nổi nhọt ở phần mông và đã tự nặn khi nhọt chưa hình thành mủ khiến nhọt sưng tấy lan rộng. Bệnh nhân sốt cao liên tục 3 ngày rồi nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức. Kết quả chụp CT scanner, tại đây phát hiện nhiều ổ tổn thương ở gan, lách, não và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, cũng thường tiếp nhận các trường hợp nhập viện do gia đình tự ý đắp lá, đắp cao khi trẻ bị thương, gây ra viêm tấy lan rộng, tạo thành ổ áp-xe có mủ, nhiều bệnh nhân đã bị nhiễm trùng huyết, bị hoại tử, phải cắt bỏ chi do biến chứng nặng. Một bệnh nhi 18 tháng tuổi ở Hà Giang bị mọc nhọt ở vùng mông trái, kèm sốt, mẹ cháu tự lấy kim thêu chọc cho vỡ nhọt, sau đó lấy lá cây dọc mùng và một số lá khác giã nát, đắp để chữa nhọt cho con mà không đưa con đến Trạm Y tế để điều trị.

Vùng nhọt của bé càng sưng to. Khi gia đình đưa bé lên Bệnh viện tỉnh, trẻ đã rơi vào tình trạng sốt cao, li bì. Sau 3 ngày điều trị không tiến triển, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nhiễm trùng máu, gây hoại tử da trên diện rộng và các tổ chức phần mềm. Các bác sĩ đã phải phẫu thuật 2 lần mới khống chế được vùng da hoại tử lan rộng.

Những điều “cốt tử” cần nhớ khi bị mụn, nhọt

Các bác sĩ cho biết, nhiều người vẫn cho rằng mụn và nhọt là một, trong khi đây là hai bệnh lý khác nhau. Các loại mụn thường là mụn trứng cá, bọc trứng cá hay sần trứng cá hay gặp ở những thanh niên dậy thì. Mụn cũng có thể có mủ. Riêng nhọt là những khối viêm cấp tính do liên cầu, tụ cầu, có khối trắng ở giữa (mủ).

Nhọt có thể gặp ở bất cứ người nào, song vẫn hay gặp nhất ở trẻ em, người già, người có cơ địa nhạy cảm và một số bệnh nhân tiểu đường, bệnh mãn tính. Khi cơ thể yếu, sức đề kháng kém, lao động nặng nhọc, ra mồ hôi nhiều, da bị xước do gãi, tụ cầu, liên cầu sẽ có cơ hội xâm nhập vào cơ thể, gây hoại tử lỗ chân lông, tạo ra nhọt. Nhọt cấp tính vẫn được đánh giá là nguy hiểm hơn mụn.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), bệnh viện từng tiếp nhận nhiều trường hợp nhiễm trùng máu do tự ý chích, nặn mụn non. Thậm chí đã có trường hợp tử vong vì áp xe, nhiễm trùng máu không được điều trị kịp thời. Nguyên nhân là do các mụn nhọt thường do tụ cầu gây ra.

BS Nguyễn Trung Cấp phân tích, bình thường khi sưng nề, cơ thể sẽ tự tạo hàng rào khu trú ổ nhiễm khuẩn lại và tạo thành các ngòi mủ. Các mụn, nhọt khi đang sưng tấy cần được điều trị bằng những kháng sinh phù hợp. Chỉ khi hàng rào bảo vệ đã hình thành rõ, thành ổ mủ mới nên chích nặn. Việc chích nặn non khi hàng rào bảo vệ chưa chắc chắn có nguy cơ phá vỡ hàng rào này, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng máu hoặc tạo các ổ di bệnh ở nhiều cơ quan khác.

Nguyên tắc “cốt tử” dành cho người bị nhọt là không được trực tiếp sờ, xoa, nhất là tự ý chích nhọt. Bệnh nhân chỉ được bôi thuốc sát trùng như Betadine, cồn l-ốt 3%, hoặc nước muối đặc bên ngoài kèm theo uống thuốc kháng sinh đủ liều, đúng liều, uống sớm.

Khi nhọt có mủ và chuẩn bị vỡ ra, tốt nhất nên đến các cơ sở y tế gần nhất để nhân viên y tế sát trùng các dụng cụ chích nhọt, sau đó điều trị bằng thuốc kháng sinh, nhọt mới có thể khỏi. Trong trường hợp nhọt to có sốt cao hay bị đinh râu, có nhiễm khuẩn, bệnh nhân phải sử dụng kháng sinh liều cao và được điều trị tại bệnh viện.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, bệnh nhân không nên tùy tiện uống kháng sinh khi nổi mụn nhọt. Việc uống kháng sinh hay không, liều lượng thế nào, cần theo chỉ định của bác sĩ sau khi đã được khám. Không nên kỳ cọ quá mạnh khi tắm rửa, gội đầu, làm các mụn nhọt vỡ ra.

Theo GiaDinh