Đắp thuốc nam 6 ngày trị rắn cắn, bé trai rối loạn đông máu nặng

Được "thầy rắn" đắp thuốc nam và hứa trong 3 ngày sẽ lành khỏi, nhưng đến 6 ngày sau khi bị rắn cắn, em Kh. vẫn kêu đau nhức, chân bị rắn cắn sưng to, sốt cao lạnh run, xuất huyết da toàn thân...

BS. Nguyễn Minh Tiến – Trưởng khoa Hồi sức Tích cực & Chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM vừa cứu sống một bé trai 13 tuổi nhập viện trong tình trạng rối loạn đông máu nặng sau 6 ngày bị rắn lục cắn và đắp thuốc nam để chữa nhưng không khỏi.

Bệnh nhân là em L. Q. Kh. 13 tuổi, ở Đắk R'Lấp, Đắk Nông, được chuyển đến từ bệnh viện địa phương với chẩn đoán rắn cắn, rối loạn đông máu nặng.

Đắp thuốc nam 6 ngày trị rắn cắn, bé trai rối loạn đông máu nặng

Em Kh. được các bác sĩ truyền huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trước khi nhập viện 6 ngày, trẻ đi chơi vào chiều tối trên đường mòn có bụi cây 2 bên đường bị rắn cắn ở chân phải, người nhà đưa trẻ tới “thầy rắn” đắp thuốc nam, hứa trong 3 ngày sẽ lành khỏi, nhưng đợi đến 6 ngày trẻ vẫn kêu đau nhức, chân phải sưng to lan tới đùi, sốt cao lạnh run, nổi xuất huyết da toàn thân, ở mặt, mắt, chân tay, mình mẩy, người nhà lo lắng nên đưa trẻ đến bệnh viện địa phương, được sơ cấp cứu và chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1.

Tại đây, các bác sĩ trực ghi nhận trẻ sưng bầm cả chân phải, vẻ mặt nhiễm trùng nhiễm độc, xuất huyết da toàn thân, viêm mô tế bào bàn chân bị rắn cắn, xét nghiệm biểu hiện rối loạn đông máu nặng.

Nghi ngờ trẻ bị rắn lục đuôi đỏ cắn, các bác sĩ trực đã quyết định truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu cho trẻ. Kết quả, tình trạng trẻ cải thiện đáng kể sau 2 đợt truyền huyết thanh kháng nọc rắn, xét nghiệm chức năng đông máu cải thiện dần và trở về bình thường.

Được biết, tại khoa cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 1 hiện đã có các huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu đối với rắn hổ đất, rắn lục, rắn chàm quạp, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân bị rắn cắn với nhiều biến chứng nặng.

Qua trường hợp này, BS Tiến lưu ý các bậc phụ huynh cách sơ cứu đúng cách khi con em mình bị rắn cắn như sau:

- Cho trẻ nằm yên, trấn an trẻ.

- Bất động và đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc.

- Rửa sạch vết thương bằng xà bông và nước.

- Phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng.

- Băng thun hoặc vải sạch lên vết thương về phía trên vết thương.

- Nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để nơi đây xác định loại rắn cắn và chích huyết thanh kháng nọc phù hợp.

BS. Tiến cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần tránh những việc sau:

- Không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra do hiện nay không thấy hiệu quả mà gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc.

- Không đắp lá cây không rõ loại lên vết thương vì có thể gây hoại tử nhiễm trùng nặng thêm vết cắn.

Theo Minh Trí (SKĐS)