Dịch hạch gieo rắc nỗi kinh hoàng 'cái chết đen'

Dịch hạch từng làm rung chuyển châu Âu, giết chết 30-60% dân số châu lục này vào thế kỷ 14. Đây được xem là một trong những đại dịch gây chết chóc nhiều nhất.

Chủ động phòng chống bệnh dịch hạch

Kể từ khi được ghi nhận vào năm 541, dịch hạch đã nhiều lần bùng phát thành đại dịch trên thế giới, giết chết hàng chục triệu người. Dịch hạch được mệnh danh là Cái chết đen, bởi người bệnh khi qua đời cơ thể thường trở nên đen sì

Sau vài thế kỷ chìm lắng, đến nay dịch tái phát tại quốc đảo Madagascar thuộc châu Phi. Trong 3 tháng nay, Madagascar đã ghi nhận 119 ca mắc bệnh, với 40 trường hợp tử vong. Trước đó, Mỹ từng có 4 ca mắc dịch hạch tại bang Colorado. Một người Trung Quốc tại tỉnh Cam Túc cũng tử vong dodịch hạch thể phổi.

dịch hạch
Tranh mô tả thảm cảnh bệnh nhân "Cái chết đen" bị nổi hạch khắp người đang nằm chờ chết.

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, đây là bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm bởi tốc lây lan mạnh, tỷ lệ tử vong cao và diễn tiến nhanh. Người mắc có những triệu chứng sốt, đau đầu, mệt mỏi, hoại tử (các mô trong cơ thể bị chết) và sưng hạch bạch huyết, đặc biệt ở nách và háng. Về nguồn gốc lan truyền bệnh còn gây nhiều tranh cãi, song giới y tế có chung nhận định thủ phạm gây bệnh là vi khuẩn Yersinia Pestis, lây lan qua loài bọ chét sống ký sinh trên chuột đen.

Lịch sử loài người từng ghi nhận đại dịch đầu tiên là dịch hạch Justinian những năm 541 và 542, cướp đi sinh mạng của 5.000 người ở châu Âu, Bắc Phi và Nga. Người nhiễm chỉ có thể sống sót trong vòng 60 đến 180 ngày sau. Bệnh gieo rắc nỗi tang thương kinh hoàng trong dân chúng suốt nhiều thế kỷ.

Đến thế kỷ 14, đại dịch này quay trở lại với sức tàn phá lớn hơn gấpnhiều lần. Theo y văn thế giới, một chiếc tàu buôn lớn trở về từ Trung Quốc đã cập cảng Italia. Sau đó tất cả thủy thủ trên con tàu này tử vong, cũng là lúc dịch hạch bắt đầu bùng phát khắp châu Âu. Hơn 25 triệu dân đã chết vì bệnh này.

Tại các thành phố đông dân, tỷ lệ thiệt mạng vượt quá 50% dân số, như Paris của Pháp, Firenze (Italia) hay thành phố Hamburg, Bremen.

Giai đoạn 1346-1350, “Cái chết đen” lan rộng với tốc độ chưa từng thấy làm rung chuyển toàn châu Âu, Trung Đông, Nga và phía bắc châu Á. 2/3 số người nhiễm bệnh thiệt mạng chỉ trong vòng 4 ngày. Đỉnh điểm của dịch giết chết khoảng 30 đến 60% dân số châu Âu, làm giảm số dân toàn cầu từ khoảng 450 triệu xuống còn từ 350 đến 375 triệu người.

Sự tàn phá của dịch hạch đã dẫn đến nhiều thay đổi lớn trong xã hội châu Âu. Màu đen u ám bao trùm khắp nơi. Từng hang cùng ngõ hẻm ở thành phố đến làng mạc ngổn ngang xác người bị nổi hạch toàn thân chưa kịp chôn cất. Cuối cùng người ta phải đào những hố chôn tập thể để giải quyết tình trạng này. Những cư dân sống sót thì tìm cách chạy trốn khỏiquê hương để tránh nhiễm bệnh, mãi đến một thế kỷ sau mới bắt đầu quay trở về. Ước tính châu Âu đã phải mất 150 năm để phục hồi dân số như trước thời đại dịch.

dịch hạch

Bản đồ cho thấy sự lay lan rất nhanh của "Cái chết đen" giai đoạn từ 1346 đến 1351 làm rung chuyển châu Âu. Ảnh: Wikipedia.

Ba thế kỷ sau, "Cái chết đen" xuất hiện trở lại ở Marseille, Pháp, là một trong những đợt bùng phát bệnh dịch hạch trầm trọng nhất đầu thế kỷ 18. Xuất hiện ở Marseille vào năm 1720, căn bệnh giết chết khoảng 100.000 người dân thành phố và ở các tỉnh lân cận. Chính quyền đã đưa nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn bệnh dịch lây lan như ban bố đạo luật tử hình những người di chuyển giữa Marseille và các vùng khác của vùng Provence... Trong vòng 2 năm, dịch bệnh mới được kiểm soát.

50 năm sau, những dấu hiệu của dịch hạch tái xuất hiện ở Moscow, Nga và chuyển thành đại dịch vào đầu năm 1771. Để triệt tiêu mầm bệnh, chính quyền sở tại đã thiết lập các khu cách ly bắt buộc đối với người nhiễm, phá hủy nhà cửa ở vùng dịch, đóng cửa nhà tắm công cộng, gây phẫn nộ trong dân chúng. "Cái chết đen" khiến kinh tế Moscow gần như tê liệt vì nhiều nhà máy, khu chợ, cửa hàng và các tòa nhà hành chính không hoạt động. Sau đó, tình trạng thiếu lượng thực trầm trọng khiến cuộc sống người dân trở nên khốn đốn. Nhiều người có điều kiện đã rời bỏ quê hương đi lánh dịch.

Sau này dịch hạch còn nhiều lần tái phát. Mãi đến thế kỷ 19, bác sĩ Vladimir Havkin người Nga gốc Do Thái mới điều chế thành công văcxin phòng bệnh. Ông còn tìm ra phương pháp điều trị bằng cách kết hợp các loại thuốc streptomycin, chloramphenicol, tetracycline, gentamicin và doxycyline... Từ đó đến nay, bệnh đã được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cảnh báo đại dịch hạch có thể trở lại theo chu kỳ tăng trưởng dân số thế giới cũng như sự sinh sản của loài gặm nhấm (như chuột) vốn là ký chủ của bọ chét mang vi khuẩn dịch hạch.

Để phòng bệnh này, nên có các biện pháp phòng tránh bọ chét đốt. Khi có bệnh nhân dịch hạch, cần tuân theo chế độ bệnh tối nguy hiểm. Bệnh nhân tử vong được liệm thi thể bằng vải tẩm cloramin 5%, rắc vôi bột vào quan tài và chôn sâu ít nhất 2 m hoặc hỏa táng. Việc tiêm chủng văcxin được chỉ định cho cư dân sống trong ổ dịch nhưng chưa có miễn dịch hoặc người phải đi công tác vào vùng có dịch.

theo VNE