Đổi mới SGK: Từ 34.000 tỷ còn 800 tỷ đồng

Theo tờ trình của Chính phủ về Đề án đổi mới chương trình, để làm SGK phổ thông sau 2015 chỉ cần 778,8 tỉ đồng là có thể triển khai.

Tính toán kỹ chỉ còn 800 tỷ: "Tôi sợ quá!"

Ngày 27/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông và Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Trong dự thảo của Đề án, Chính phủ đã đưa ra những con số tính toán về kinh phí thực hiện đề án đổi mới SGK một cách rất cụ thể.

Theo đó việc xây dựng chương trình, biên soạn một bộ SGK và thẩm định chương trình, SGK là 462 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ: Tập huấn cho đội ngũ biên soạn, thẩm định chương trình, sách giáo khoa: 13,1 tỷ đồng. Xây dựng, thẩm định chương trình: 55,2 tỷ đồng. Thẩm định sách giáo khoa (dự kiến 4 bộ): 46,3 tỷ đồng.

Nghiên cứu mô hình sách giáo khoa điện tử để từng bước biên soạn, thực nghiệm và sử dụng ở những nơi có đủ điều kiện: 10 tỷ đồng. Đánh giá, điều chỉnh, hoàn thiện chương trình: 7,7 tỷ đồng. Biên soạn một bộ sách giáo khoa: 321,6 tỷ đồng. Tổng kinh phí dự kiến: 778,8 tỷ đồng.

Phần kinh phí ngân sách Trung ương: 504,4 tỷ đồng, phần kinh phí ngân sách địa phương: 274,4 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, thì Đề án của Chính phủ đã liệt kê khá chi tiết các nội dung. Tuy nhiên Ban soạn thảo cần bổ sung thêm phần khái toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ của các địa phương để có khái toán tổng thể kinh phí chi cho Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Góp ý vào dự thảo Đề án này, ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội góp ý thêm: "Tôi cho rằng gần 800 tỷ có thể thực hiện được, nhưng cần tính toán thêm vì còn nhiều cái khác. Về kinh phí địa phương cũng cần phải nêu rõ cho các địa phương chủ động bởi chỉ có 15 tỉnh tự túc được còn lại vẫn là phải ngân sách TƯ rót xuống".

Ông K’sor Phước - Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội cho rằng Đề án vẫn còn chung chung. Về giáo dục với đồng bào dân tộc thiểu số, theo ông Ksor Phước thì đi giám sát thấy chất lượng giáo dục phổ thông cho đồng bào dân tộc là rất thấp so với chuẩn chung.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thì đề nghị nghiên cứu thêm để nêu rõ được trách nhiệm của nhà trường, bộ, cơ sở giáo dục, từ đó mới đảm bảo hiện được nguyên lý giáo dục. Lồng ghép thế nào để biên soạn SGK là dạy người, dạy chữ.

Chốt lại vấn đề kinh phí, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi có nên đưa vào Nghị quyết gần 800 tỷ đồng không, hay chỉ phân ra từng hạng mục để Chính phủ duyệt.

“Ta chốt 800 tỷ đồng sau này thành vài ngàn tỷ đồng thì tính sao? Từ 34.000 tỷ đồng xuống còn 800 tỷ đồng. Tôi sợ quá. Vì thế, có cần chốt con số không hay đưa ra hạng mục và hàng năm Chính phủ duyệt để làm”, chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lo lắng.

Tổng kết ý kiến thảo luận của các thành viên thường vụ QH, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định: “Bộ GD-ĐT cần hoàn thiện thêm các ý kiến góp ý để trình ra QH tại kỳ họp tới. Cần bảo đảm Nghị quyết ra đời phải thực hiện được ngay”.

Trước đó tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khi thảo luận về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông và Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 các thành viên UBTVQH "phê" thẳng còn quá đơn giản, chung chung.

Theo dự tính của Bộ, đến hết năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành việc soạn thảo sách giáo khoa theo chương trình mới, và thực hiện từ thí điểm đến đại trà đến năm 2023 ở tất cả các cấp học. Nguồn lực để thực hiện đề án ước tính 34.275 tỉ đồng.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Thăng tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng

Câu chuyện Bộ GD-ĐT tiết kiệm được vài chục nghìn tỷ, làm nhớ đến việc Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng liên tiếp đưa ra những quyết định tiết kiệm được rất nhiều tiền cho ngân sách nhà nước.

Trong chuyến thị sát các công trường cầu đường phía Nam, tại Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 (QL1) đoạn qua tỉnh Đồng Nai chiều 23/7, nghe nhà thầu thi công cầu vượt Đồng Nai báo cáo đã “cầu cứu” cơ quan đường sắt giải tỏa hạ tầng nhưng không có kết quả, Bộ trưởng Thăng lập tức điện thoại xử lý mặt bằng thi công, giúp dự án vượt tiến độ nhằm tiết kiệm 20 tỷ đồng.

Đây không phải là lần đầu Bộ trưởng Thăng nỗ lực tiết kiệm từng đồng. Vào cuối năm 2013, nhân chuyến đi kiểm tra đường ở Quảng Nam thấy đường rộng mênh mông không ai đi, Bộ trưởng Thăng đã tiết kiệm được 35.000 tỉ đồng từ việc rà soát cắt giảm đầu tư, quy mô thiết kế các dự án giao thông.

Cho rằng thiết kế dự án hiện nay là “vô cùng lãng phí”, Bộ trưởng Thăng đề nghị phải rà soát thiết kế và quy mô đầu tư, không chỉ dự án trung ương, dự án Bộ quản lý mà cả với các dự án ở địa phương.

Trước đó, nhờ điều chỉnh 4 dự án giao thông, Bộ trưởng Thăng đã từng tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 15.300 tỷ đồng. Cụ thể, 4 công trình được Bộ trưởng Giao thông điều chỉnh là tuyến đường cao tốc Hải Phòng, Quảng Nam – Đà Nẵng – Quảng Ngãi, cao tốc Long Thành và một cây cầu. Riêng chỉ với việc điều chỉnh từ cây cầu, Bộ giao thông đã tiết kiệm được 60 tỷ đồng.

Không dừng lại ở việc tiết kiệm trên giấy, Bộ trưởng Thăng còn cho thấy ông có thể tiết kiệm "tiền tươi thóc thật" khi ký văn bản yêu cầu các cơ quan thuộc Bộ ưu tiên dùng máy bay giá rẻ khi đi công tác vào tháng 10/2013.

Chỉ 2 tháng sau lời kêu gọi của Bộ trưởng Thăng, ước tính Bộ GTVT đã tiết kiệm được nửa tỷ đồng nhờ việc chuyển sang sử dụng máy bay giá rẻ, đại diện Văn phòng Bộ này cho biết.

Theo Thái Linh/Đất Việt