'Dội nước đá': Chiến dịch từ thiện bị trở thành một trào lưu 'rẻ tiền'

Nhiều người cho rằng chiến dịch "Ice Bucket Challenge" (Dội nước đá) đã đánh mất đi thông điệp nhân văn ban đầu và trở thành một trào lưu vui chơi thông thường của cộng đồng mạng. Tuy nhiên, liệu nó có đáng để bị lên án như thế?

Chiến dịch dội nước đá

Chiến dịch Ice Bucket Challenge đã xuất hiện từ năm 2013 nhưng đến tận tháng 6 năm nay mới bắt đầu thu hút được sự chú ý mạnh mẽ khi gắn liền với mục đích gây quỹ từ thiện cho ALS Association, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ chuyên nghiên cứu về căn bệnh xơ cứng cột bên teo cơ (tên tiếng Anh: Amyotrophic lateral sclerosis). 

Chiến dịch dội nước đá

Nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng Stephen Hawking

Amyotrophic lateral sclerosis (Bệnh xơ cứng cột bên teo cơ) Đây là một bệnh thần kinh tiến triển, gây thoái hóa và làm chết dần các tế bào thần kinh vận động. Vì vậy, não và cột sống không thể điều khiển được các cơ tự chủ (vận động theo sự điều khiển của trí óc hay ý muốn).

Bệnh thường phát trong lứa tuổi trưởng thành và khỏe mạnh; 5-10% trường hợp là do di truyền từ cha hay mẹ.

Người nổi tiếng từng mắc phải căn bệnh này có thể kể đến nhà vật lý lý thuyết Stephen Hawking. Bệnh của ông đặc biệt trở nên trầm trọng vào năm 21 tuổi khi ông té ngã xuống cầu thang một cách vô thức. Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn, ông đã trở thành một trong những nhà khoa học lỗi lạc nhất của thế kỷ 20.

Hiện tại vẫn chưa có phương thức điều trị cho căn bệnh này.

Luật của "Ice Bucket Challenge" rất đơn giản. Bạn dội một thao nước đá lên người, ghi hình lại và được quyền "đề cử" ba người khác. Những người đó sẽ phải thực hiện hành động tương tự trong vòng 24 giờ đồng hồ và đóng góp 10 USD cho ALS Association hoặc 100 USD nếu từ chối. 

Chiến dịch này đã thành công vang dội khi chứng kiến sự tham gia của hàng loạt người nổi tiếng ở mọi lĩnh vực (phim ảnh, âm nhạc, thể thao, thời trang, chính trị gia...).

Thậm chí, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush cũng đã  hưởng ứng và đề cử... một cựu Tổng thống Mỹ khác - Bill Clinton. Tổng thống đương nhiệm Barack Obama cũng được Ethel Kennedy (vợ của cố Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Robert Kennedy) thách thức nhưng ông đã từ chối và tham gia chiến dịch này bằng cách quyên góp 100 USD.

Theo Facebook, có gần 3 triệu clip về "Ice Bucket Challenge" xuất hiện trên trang mạng xã hội này tính từ ngày 31.7 đến 18.8 và đang có dấu hiệu tăng mạnh. Tuy nhiên, chiến dịch đang vấp phải nhiều sự chỉ trích vì cho rằng nó đã bị biến tướng và trở thành một trào lưu "rẻ tiền" của những kẻ rảnh rỗi trên Internet.

Ban đầu, những người tham gia Ice Bucket Challenge buộc phải giải thích rõ lý do tại sao họ làm như thế khi đăng tải đoạn clip lên mạng, nhằm quảng bá cho ALS Association. Thế nhưng càng về sau thì càng có ít người thực hiện điều này. 

Rất nhiều người đơn thuần chỉ xem đây là một dạng trò chơi "tag" phổ biến trên Facebook và không quan tâm lắm đến mục đích gây quỹ từ thiện. Thậm chí, họ còn không bỏ thời gian ra để tìm hiểu liệu ALS là căn bệnh gì. 

Theo Jonah Berger, tác giả cuốn Contagious: Why Things Catch On, bất kỳ ai cũng muốn bản thân mình trở nên tử tế trong mắt người khác cho nên không có lý do gì để từ chối một lời đề nghị có mục đích từ thiện và tự biến thành kẻ xấu. Trước Ice Bucket Challenge, trò "planking" (nằm úp mặt xuống mọi nơi) cũng gây sốt không kém.

Chiến dịch dội nước đá - Mark Zuckerberg

Mark Zuckerberg (người đồng sáng lập Facebook) đã thực hiện "Ice Bucket Challenge" và thách đố...

Chiến dịch dội nước đá - Bill Gates

 ...nhà sáng lập Microsoft - Bill Gates

Chiến dịch dội nước đá - Britney Spears

Britney Spears

Chiến dịch dội nước đá - Justin Bieber

Justin Bieber

Chiến dịch dội nước đá - Jennifer Lopez

Jennifer Lopez, Robert Downey Jr...

Chiến dịch dội nước đá - Lady Gaga

Lady Gaga

Chiến dịch dội nước đá - Taylor Swift

Taylor Swift

Một nguyên nhân khác là "Ice Bucket Challenge" chứa đựng yếu tố “slacktivism” (từ ghép của slacker và activisim, ám chỉ sự tích cực một cách lười biếng), tức là bạn có thể tham gia chiến dịch ở bất kỳ đâu để có vẻ là người tốt song thực chất lại chẳng làm gì cả. Kony 2012 với hashtag #stopKony, một hiện tượng năm 2012, từng bị chỉ trích vì lý do này bởi vì nó không đem lại nhiều tác động tích cực và thực tiễn.

Mặc dù vậy, bất chấp những lời chỉ trích, "Ice Bucket Challenge" đã đem về cho ALS Association tổng cộng 41.8 triệu USD tính từ 29.7 đến 21.8 với hơn 700.000 người quyên góp mới. Đây là một con số khổng lồ nếu như so sánh với toàn bộ số tiền mà tổ chức này thu được từ năm 2013 là 19.4 triệu USD. Từ khóa "Amyotrophic lateral sclerosis" cũng được tìm kiếm nhiều hơn trên thanh công cụ Google. 

Chiến dịch dội nước đá - George W. Bush
George W. Bush

ALS Association cho biết họ đã nhận được tiền gây quỹ từ rất nhiều ngôi sao nổi tiếng Hollywood nhưng lại từ chối nêu danh tính vì lý do bảo mật. Ngoài ra, còn có những cá nhân đóng góp đến 100.000 USD.

Những người ủng hộ cho rằng "Ice Bucket Challenge" không hề phung phí nước đá, kể cả với những người tham gia mà không quan tâm đến mục đích từ thiện. Bởi vì họ đã trực tiếp giúp đỡ một căn bệnh ít được biết đến như ALS có thể thu hút được sự chú ý rộng rãi từ khắp nơi trên thế giới. Số tiền gây quỹ chỉ là bề nổi. Những người có triệu chứng của ALS nhưng lại không biết mình mắc bệnh sẽ có thể phát giác sớm hơn. Các trung tâm nghiên cứu cũng sẽ xem xét lại tầm quan trọng của ALS và cùng nhau tìm ra phương thức chữa trị.

Theo Neetzan Zimmerman, một chuyên gia về các "cơn sốt mạng", cho rằng "Ice Bucket Challenge" sẽ sớm lụi tàn và biến mất trong vài tuần nữa. Tuy nhiên, nếu bạn là một "marketer" và chiến dịch do bạn khởi xướng nhận được sự tham gia của Bill Gates, Britney Spears, Lady Gaga, Tim Cock, Barack Obama, Anna Wintour, Steven Spielberg... cũng như số tiền lên đến hàng chục triệu USD thì nó cũng đã hoàn thành nhiệm vụ rồi.

Những ngôi sao nổi bật đã tham gia "Ice Bucket Challenge" (tính đến 21.08):

Lĩnh vực phim ảnh và truyền hình: Steven Spielberg, Channing Tatum, Robert Downey Jr, Nicole Kidman, Stephen King, Anna Kendrick, Gwyneth Paltrow, Anne Hathaway, Robert Pattinson, Ben Affleck, Jessica Alba, Tom Cruise, Emily Blunt, Jack Blacks, Elizabeth Banks, Sarah Jessica Parker, Vin Diesel, Chris Hemsworth, Chris Colfer, Matt Bomer, Chris Pratt, Kristen Stewart, Emma Stone, Kerry Washington, Oprah Winfrey, Julian Moore, Kate Mara...

Lĩnh vực âm nhạc: Britney Spears, Lady Gaga, Justin Bieber, Selene Gomez, Bon Jovi, Jennifer Lopez, Taylor Swift, Lily Allen, Drake, Calvin Harris, Garth Brooks, Carrie Underwood, Usher, Sam Smith, Justin Timberlake, Shania Twain, Katy Perry, Foo Fighters, Demi Lavato, Ayumi Hamasaki, Jay Chou, Lee Dong Hae...

Lĩnh vực thời trang: Anna Wintour, Alessandra Ambrosio, Cara Devevingne, Behati Prinsloo, Kate Upon...

Lĩnh vực thể thao: David Beckham, Kobe Bryant, Tiger Wood, Michael Jordan...

Lĩnh vực chính trị: George W. Bush, Chris Christie (thống đốc bang New Jearsey), Ethal Kennedy (vợ của Robert F. Kennedy - cựu Bộ trưởng Tư pháp)...

Chí Thiện -MTG (Theo New York Times, HuffingtonPost)