Dù luôn cố làm điều tốt nhất cho con nhưng nhiều bậc cha mẹ không thể thu hẹp được khoảng cách quá xa mà những đứa con tự vạch ra.

Dù luôn cố làm điều tốt nhất cho con nhưng nhiều bậc cha mẹ không thể thu hẹp được khoảng cách quá xa mà những đứa con tự vạch ra.

Trong một buổi trò chuyện mới đây với chuyên gia tâm lý ở Nhà văn hóa Phụ nữ, một phụ huynh chia sẻ câu chuyện rất buồn trong gia đình: “Chị tôi lo cho con từng ly từng tí, nhất là trong chuyện học hành nhưng giữa con với mẹ luôn có khoảng cách rất lớn.

Cháu bé gần như không trò chuyện được với mẹ. Sau đó cháu bị trầm cảm, có thời gian phải đi gặp bác sĩ để điều trị rối loạn tâm thần”.

Muốn con tốt theo ý mẹ

Sau khi được điều trị ổn định sức khỏe và quay lại trường học, một thời gian sau cậu bé bị trầm cảm trở lại.

BS tâm lý Đỗ Ngọc Chánh đã gợi nhiều câu hỏi để câu chuyện được phơi bày hết. Nguyên nhân sâu xa là do người mẹ luôn muốn tốt cho con nên lúc nào cũng động viên con học giỏi để thành tài.

Khi gặp con, lúc nào chị cũng chú tâm hỏi thăm con việc học ở trường, không quan tâm đến nhu cầu khác của con. Chị không cho phép con mình thất bại, thua kém bạn khác.

Càng quan tâm con càng né tránh trò chuyện. Người mẹ không nhận ra rằng con mình rất áp lực với việc học và áp lực từ sự quan tâm thái quá của mẹ, cuối cùng rơi vào trầm cảm.

Một phụ huynh khác đã hỏi ThS Nguyễn Thị Toàn Thắng trong một buổi nói chuyện chuyên đề về giáo dục giới tính gần đây: “Con tôi càng lớn càng xa cách cha mẹ. Làm sao để con cái chịu nói chuyện với mình?”.

Con gái chị học bậc THPT, mỗi ngày chị kể lại những câu chuyện đã đọc trên báo để nhắc con gái cảnh giác việc yêu đương nhầm phải kẻ xấu và luôn dặn con phải “giữ cái ngàn vàng”.

Chị cũng để ý những người bạn gái thân của con, nhất là một cô gái nhìn quá nam tính vì sợ con bị lôi kéo vào mối tình đồng tính mà chị cho là xấu xa. Càng quan tâm chăm chút cho con, chị càng khó tiếp cận được con.

Tư vấn cho những bậc cha mẹ này, ThS Toàn Thắng chia sẻ: “Cha mẹ đừng quá định kiến với chuyện yêu đương của con.

Đồng tính cũng không phải là điều xấu xa. Cần hiểu biết và giúp con nhận thức đúng về tình yêu, trách nhiệm.

Hãy dạy cho con biết rằng quan hệ tình dục dưới tuổi vị thành niên thì người con trai chắc chắn đã vi phạm pháp luật, người con gái sẽ gánh chịu những hậu quả nặng nề.

Nếu con đủ tuổi trưởng thành, hãy trò chuyện với con như bạn bè và đừng định kiến với những quyết định của con”.

 Dạy con sai cách

Ép con vào nền nếp cũ

Chị Nguyên (quận Bình Thạnh) trong một buổi tham gia tham vấn với ThS tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân tại Nhà văn hóa Phụ nữ đã chia sẻ câu chuyện của mình: “Con gái chín tuổi của tôi ngày càng nổi loạn và xa cách người lớn trong gia đình”. Cô bé chỉ thoải mái khi gặp gỡ bạn bè, luôn lảng tránh sự tiếp xúc với mẹ và bà nội.

Bà nội của bé cực kỳ khắt khe trong việc giáo dục con cháu. Bà không cho phép cháu mặc quần áo ngắn, xét nét cách đi đứng, nói năng của cháu từng chút một theo khuôn phép xưa.

Vì là cháu nội duy nhất nên bà gần như dành toàn tâm thời gian để “bảo ban” cháu nhưng cô bé hoặc phản kháng quyết liệt hoặc lảng tránh.

Chuyên gia tâm lý đã chia sẻ với chị và các phụ huynh khác: “Nếu phụ huynh quá nghiêm khắc và đặt ra quá nhiều điều cấm, trẻ sẽ cảm thấy không được yêu thương và trở nên bướng bỉnh.

Phụ huynh không nên quá áp đặt con mà hãy thử cho con cơ hội được chọn, khích lệ, khen ngợi con đúng lúc”.

Theo plo