Gia đình họ Phan và những tên đường Sài Gòn

Dọc trên con đường Điện Biên Phủ gần giao lộ Đinh Tiên Hoàng có hai con đường nhỏ song song nhau là Phan Tôn và Phan Liêm, mỗi đường dài khoảng mấy chục mét. Đó chính là tên hai người anh em ruột, con của quan đại thần triều Nguyễn, cụ Phan Thanh Giản. 

Phác họa chân dung Phan Thanh Giản (Ảnh:sưu tầm)

Vài nét về Phan Thanh Giản

Cuộc đời của cụ Phan Thanh Giản đã chịu nhiều lời dị nghị của thế gian. Mãi cho đến 150 năm sau, cái án trảm giam hậu cũng đã được giải oan. Một phần âu cũng là do thời cuộc rối ren lúc bấy giờ, một phần do chính sách chủ hòa của Phan Thanh Giản mà Pháp không tốn một viên đạn đã có thể chiếm trọn 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ để rồi kết thúc với Hòa ước Nhâm Tuất 1862. Cuối cùng cụ phải kết thúc cuộc đời mình bằng chén thuốc độc sau 17 ngày tuyệt thực vì để Pháp hạ thành Vĩnh Long, mang theo bao nhiêu nỗi niềm tâm tư của một vị đại thần vì nước nhưng ngặt nỗi thời thế lại bắt ông làm trái ý vua.


Mộ cụ Phan Thanh Giản ở Ba Tri (Ảnh: Sưu tầm)
Câu chuyện về Phan Tôn, Phan Liêm

Sau khi thọ tang cha được 3 tháng, Phan Liêm và Phan Tôn cùng nhau triệu tập sĩ phu yêu nước tại các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sa Đéc đứng lên chống Pháp. Cuộc kháng chiến bị thất bại. Có một số sách trước đây đã ngộ nhận hai ông Phan Tôn và Phan Liêm tử trận trong cuộc kháng chiến đó. Thật ra, tại thời điểm ấy cũng có một người tên Phan Công Tòng trùng tên với tên thật của ông Phan Liêm và nổi dậy chống Pháp tại Ba Tri trong khoảng thời gian này nên mới có sự nhầm lẫn.

Đường Phan Tôn, TP HCM (Ảnh: Hoàng Việt)

Đỉnh điểm của cuộc nổi dậy là trận Hương Điểm vào ngày 9.10.1867. Mặc dù nghĩa quân ban đầu gây nhiều thương vong cho giặc Pháp nhưng với sức cô thế yếu, vũ khí thô sơ nên cuộc nổi dậy thất bại chỉ sau 9 ngày. Hai ông bỏ trốn ra Huế nhưng ngặt nỗi cha đang là tội thần chịu án trảm giam hậu, tước hết mọi tước vị, đục bỏ tên trên văn bia tiến sĩ nên phải chịu sự ghẻ lạnh của triều đình. 

Lúc ấy, Nguyễn Tri Phương đang chống Pháp tại thành Hà Nội. Hai ông lại theo hầu Nguyễn Tri Phương kháng Pháp. Cuối năm 1873, thành Hà Nội thất thủ, Nguyễn Tri Phương trọng thương nhưng từ chối sự cứu chữa của quân Pháp. Phan Tôn và Phan Liêm bị bắt rồi đưa sang Pháp. Hòa ước Giáp Tuất 1874 được ký kết, hai ông được trao trả cho triều đình Huế. 


Đường Phan Liêm (Ảnh:Hoàng Việt)

Trở về triều đình, Phan Liêm và Phan Tôn được trọng dụng và cho ra làm quan. Kể từ đó cuộc đời Phan Liêm rẽ sang hướng khác. Ông đã không đi theo con đường chống Pháp năm xưa mà tận trung phục vụ triều đình và nhận lệnh của nhà vua đi bình ổn những cuộc nổi dậy chống Pháp. Năm 1881, Phan Liêm mật trình cho vua Tự Đức một biểu đề ra một số cải cách về giáo dục, thông thương, khai mỏ... để phát triển kinh tế đất nước. Năm 1886, vua Đồng Khánh phong Phan Liêm làm Khâm sai đại thần để ổn định âm mưu bạo động tại Thanh Hóa.

Năm 1896, Phan Liêm qua đời và được truy tặng chức Thượng thư Bộ binh (bậc quan chánh nhị phẩm). Em của ông là Phan Tôn làm tới chức Hồng lô tự thiếu khanh (bậc quan chánh ngũ phẩm) trước khi về hưu.

Ngoài TP.HCM, hai vị Phan Tôn, Phan Liêm còn được đặt tên ở nhiều thành phố khác nước ta.


Vị trí đường Phan Tôn và Phan Liêm tại TP.HCM

Theo Hoàng Việt (MTG)