Giai thoại về đại gia có 20.000 căn nhà mặt phố Sài Thành

Chú Hỏa - Đại gia có tiếng tại Sàn Thành sở hữu hầu hết các căn nhà ở những con phố lớn khu vực trung tâm Sài Gòn vào thế kỷ trước, là một thương nhân, nổi tiếng nhất trong Tứ đại phú hộ lừng danh nước Việt.

Chú Hỏa (1845-1901) còn gọi là Hứa Bổn Hòa, Hui Bon Hoa, Jean Baptiste Hui Bon Hoa, là một thương nhân, nổi tiếng nhất trong Tứ đại phú hộ lừng danh nước Việt. “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa” (Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt; Tổng đốc Phương - Đỗ Hữu Phương; Bá hộ Xường - Lý Tường Quan và chú Hỏa - Hui Bon Hoa).

Chú Hỏa gốc người Minh Hương - nhóm người Hoa rời bỏ Trung Quốc di cư sang nước ta khi triều đình Mãn Thanh tiêu diệt nhà Minh - được chúa Nguyễn cho định cư ở Nam bộ từ thế kỷ 17. Tương truyền, từ hai bàn tay trắng với một gánh ve chai trên vai, chú đã tạo dựng nên sự nghiệp lừng lẫy khiến cho người đời sau còn nhắc.

chú hòa

Chú Hỏa - Đại gia sở hữu hơn 20 nghìn căn nhà mặt phố Sài Thành. (Ảnh Một Thế Giới)

Giàu lên từ đôi gánh phế liệu

Theo tin tức trên Infonet, Chú Hỏa - Người đàn ông người Việt gốc Hoa này đã khởi nghiệp từ nghề buôn bán phế liệu và lang thang với đôi quang gánh trong nhiều trưa nắng gắt khắp các con phố Sài Gòn vào cuối thế kỷ 19.

Nhiều người kể, có dịp vào nhà chú Hỏa lúc trước giải phóng đã nhìn thấy đôi quang gánh đặt trong tủ kính, chưng giữa nhà như vật vừa trang trí, vừa là kỷ niệm thuở hàn vi. Những giai thoại cho rằng, trong một lần thu mua phế liệu, chú Hỏa nhặt được một túi vàng nằm trong chiếc ghế nệm cũ. Cũng có người lại tin rằng, ông mua được một bức tượng đồng bên trong đầy vàng, rồi nhờ biết đọc chữ Hán, nên mua trúng đồ từ thời nhà Minh, nhà Thanh và cả nhà Hán nữa rồi số đồ cổ đó được ông bán đi lấy một số tiền lớn để tạo dựng sự nghiệp. Nhưng, hầu hết các giai thoại này đều không đứng vững trước thời gian và lịch sử.

Một giai thoại được xem là có cơ sở nhất trong những năm tháng khởi nghiệp của chú Hỏa là việc chính quyền Pháp thời ấy có mở một cuộc đấu giá thanh lý 20.000 máy truyền tin cũ, không còn giá trị sử dụng.

Các ông chủ thầu tại Sài Gòn thời ấy nghe đến thông tin này thì phì cười bỏ qua. Nhưng là một người từng làm nghề mua bán phế liệu, chú Hỏa nhìn thấy món hời lớn từ những chiếc máy truyền tưởng như vô dụng này. Không có một giá trị nào đối với việc tái sản xuất, nhưng trước đó, chú Hỏa đã một lần phân loại thành công vàng từ một chiếc máy truyền tin như vậy.

Vận dụng tất cả những mối quan hệ, mượn tiền, vay vốn, ông cầm cố tất cả tài sản để kiếm cho đủ số tiền mua trọn bộ 20 ngàn cái máy truyền tin phế thải. Sau khi phân kim, chú Hỏa thu được một số lượng vàng khá lớn, từ số tiền này và với tầm nhìn chiến lược của một nhà kinh doanh đại tài, ông đã xây dựng nên sự nghiệp.

Không chỉ nổi tiếng trong nước, bấy giờ, chú Hỏa còn lừng lẫy khắp Đông Dương không chỉ bởi gia sản kếch sù mà còn bởi sự thức thời. Chú có hơn chục người con thì hầu hết được cho đi du học tại các nước lớn như Anh, Pháp, Đức, Nhật… Được biết, các con chú ai nấy đều học hành thành đạt, mỗi người đều được nhập quốc tịch, được lưu lại làm việc ở nước sở tại.

Ông vua nhà đất

Nhờ số vàng kiếm được từ việc bán 20.000 cái máy truyền tin phế thải, chú Hỏa chuyển sang kinh doanh nhà đất, bất động sản nhờ có óc kinh doanh, đặc biệt là có tầm nhìn xa cả trăm năm, mà bây giờ, người ta gọi đó là “đón đầu quy hoạch”.

Thời đó, khu chợ Bến Thành bây giờ chỉ là một vũng lầy với con kênh; đất trống Sài Gòn, Gia Định thì giá rẻ như bèo. Bắt được tin tức người Pháp có kế hoạch lấp vũng lầy và lấp con kênh để xây một cái chợ mới, nằm sát ngôi chợ đã có gọi là Chợ Cũ ngày nay, chú Hỏa tung tiền ra mua toàn bộ vùng đất vừa mới lấp. Một vụ giao dịch rất táo bạo, vì thời đó, không có kiểu giao dịch bất động sản nào theo kiểu này. Sau khi khu chợ mới xây xong, ngày nay là Chợ Bến Thành thì trong tay chú Hỏa có 20.000 căn nhà phố cho thuê.

Trong số hàng nghìn căn nhà của chú Hỏa có những công trình rất lớn còn tồn tại đến ngày nay, và không hề bị lỗi thời như: Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn , khu nhà khách Chính phủ, nhiều ngân hàng, trụ sở mua bán ở khắp Sài Gòn.

Dinh thự 99 cửa

Nằm ở khu tứ giác đắc địa ở trung tâm TP.HCM là Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm - Calmette - Nguyễn Thái Bình, căn biệt thự cổ nay đã được trưng dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

chú hòa

Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh vốn là dinh thự chính của chú Hỏa. (Ảnh Pháp Luật TP.HCM)

Ngôi nhà này vốn là dinh thự chính Chú Hỏa, với kiến trúc độc đáo, gồm 99 cửa theo phong thủy trên khu tứ giác đắc địa của Sài Gòn.

Ngôi nhà không chỉ huyền bí bởi sắc màu giai thoại mà còn khiến không ít người phải trầm trồ bởi vẻ đẹp tráng lệ, lối kiến trúc tinh vi, cổ kính mang dáng dấp châu Âu thời phục hưng. Thế mới biết vì sao ngôi nhà được chọn làm trụ sở của bảo tàng Mỹ thuật, chứ không phải bất cứ ngôi nhà nào khác trong thành phố.

Tòa nhà được xây dựng theo phong cách Baroque, một trong những trường phái kiến ​​trúc nổi bật của châu Âu thế kỷ 16. Từ cổng ra vào, cầu thang đến cửa phía trước là một khối hùng vĩ, cân đối và quyến rũ, hiếm gặp trong thành phố.

Kiến trúc lôi cuốn và tráng lệ bởi sự giao thoa di sản văn hóa Á - Âu. Lối kiến trúc hình chữ U theo thuyết phong thủy, mái nhà dốc lợp ngói âm dương, hàng hiên tạo bằng dàn khung sắt cầu kỳ; duyên dáng, cột trụ theo kiến trúc Hy Lạp, các đầu gờ được bố trí phù điêu hoa lá mô phỏng kiến trúc Pháp với cửa sổ thiết kế tinh vi với thủy tinh màu tráng lệ.

Theo NĐT