Giao chỉ tiêu phát triển bảo hiểm xã hội cho từng địa phương

Hiện nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) mới chỉ đạt hơn 24% lực lượng lao động (tương đương 28% lực lượng lao động trong độ tuổi), tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH bình quân các năm chỉ khoảng 6%. Mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH đến năm 2020 đạt 50% lực lượng lao động theo như Nghị quyết 21 của Ban Bí thư là rất khó khả thi nếu không có sự đột phá.

Giao chỉ tiêu phát triển bảo hiểm xã hội cho từng địa phương
Cần giao chỉ tiêu cụ thể đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tới từng địa phương. Trong ảnh: Sản xuất mây tre đan tại Công ty Mây tre đan xuất khẩu Ngọc Ðộng (Hà Nam). Ảnh: MINH VŨ

Thực trạng phát triển đối tượng tham gia BHXH

Chính sách BHXH thời quan qua không ngừng được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế; theo đó đối tượng tham gia BHXH cũng dần được mở rộng.

Vào năm 1995, chỉ những người lao động (NLÐ) làm việc trong khu vực nhà nước và các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên (khoảng 9% lực lượng lao động trong độ tuổi) mới thuộc phạm vi bao phủ của BHXH.

Thì đến năm 2003, doanh nghiệp có sử dụng từ một lao động trở lên cũng thuộc phạm vi bao phủ. Ngoài ra, chính sách BHXH cũng mở rộng đến lao động làm việc trong các hợp tác xã (HTX).

Ðặc biệt, theo quy định của Luật BHXH năm 2006, từ năm 2007, bên cạnh BHXH bắt buộc còn có BHXH tự nguyện, diện bao phủ BHXH bắt buộc đã được mở rộng đến NLÐ làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên ở mọi loại hình doanh nghiệp (gồm cả HTX, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho NLÐ).

BHXH tự nguyện được mở rộng đến công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Trong lần sửa đổi Luật BHXH gần đây nhất vào năm 2014, quy định từ ngày 1-1-2018, BHXH bắt buộc đã bao phủ đến NLÐ làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ một tháng trở lên và cả NLÐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.

Như vậy, đến năm 2018, về mặt chính sách, BHXH cả bắt buộc và tự nguyện đã bao phủ toàn bộ lực lượng.

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012- 2020 và Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020.

Các mục tiêu Nghị quyết này đã nêu rõ Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHYT; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện.

Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp...

Luật BHXH 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định cụ thể hơn về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, trong đó bên cạnh việc giao dự toán thu chi của BHXH Việt Nam như trước đây, Luật BHXH năm 2014 còn quy định trách nhiệm của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH) xây dựng và trình Chính phủ phát triển đối tượng tham gia BHXH, trách nhiệm của UBND các cấp xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm trình HÐND cùng cấp quyết định.

Song thực tế cho đến nay, có địa phương đã xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH theo quy định của luật, có địa phương chưa xây dựng, cũng chưa thực hiện thống nhất theo một phương pháp chung nên gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá mức độ hoàn thành chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH giữa các địa phương.

Cần giao trách nhiệm tới từng địa phương

Luật BHXH năm 2014 đã quy định cơ bản bao phủ hết nhóm đối tượng có quan hệ lao động nhưng việc quy định nhóm chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc làm hạn chế việc phát triển đối tượng tham gia BHXH của chính nhóm này và NLÐ giao kết hợp đồng lao động trong các hộ kinh doanh cá thể.

Chính sách BHXH còn chưa thật sự gắn kết với các chính sách khác như chính sách hỗ trợ việc làm của BH thất nghiệp, bảo trợ xã hội...

Ðể bảo đảm tính bền vững cũng như tăng độ bao phủ BHXH, Bộ LÐ-TB và XH đã đề xuất hai phương án chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH đến năm 2020 đối với từng tỉnh, thành phố.

Theo đó, phương án một là phân bổ chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho từng tỉnh, thành phố theo tỷ trọng bình quân (giai đoạn 2012- 2015) NLÐ đang tham gia BHXH so với cả nước. Ðể thực hiện phương án này, Bộ LÐ-TB và XH chủ trì phối hợp BHXH Việt Nam căn cứ số liệu thực tế xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cụ thể đối với từng tỉnh, thành phố, trên cơ sở đó trình Chính phủ quyết định giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH giai đoạn 2018 - 2020 đối với từng tỉnh, thành phố.

UBND các tỉnh căn cứ chỉ tiêu trên trình HÐND cùng cấp thông qua chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện chỉ tiêu này tại địa phương.

Phương án hai là phân bổ chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH trên cơ sở thống kê, dự báo số đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc của từng địa phương.

Ðể thực hiện phương án này, các địa phương cần nắm được số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và số lao động thực tế đang làm việc trên địa bàn, trên cơ sở đó thống kê chính xác và dự báo được số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn.

Chỉ tiêu cụ thể từng năm sẽ là: Năm 2018 là 90%, năm 2019 là 95% và năm 2020 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đạt 100% số lao động thuộc diện tham gia.

Với phương án này, Bộ LÐ-TB và XH chủ trì phối hợp BHXH Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH giai đoạn 2018- 2020 đối với từng tỉnh, thành phố.

Anh Thu

Theo nhandan