Google Earth 'bất lực' tại Trung Quốc sau vụ nổ ở Thiên Tân

Sự sai lệch thông tin giữa Google Maps và Google Earth tại Trung Quốc sau vụ nổ Thiên Tân khiến người ta nghi ngờ nước này đang cố gắng ngăn chặn "ánh mắt tò mò" từ cộng đồng quốc tế.

Hình ảnh châm biếm Trung Quốc luôn "từ chối" Google Earth

Trong những năm gần đây, bản đồ kỹ thuật số đã trở nên khá quen thuộc đối với người dùng yêu chuộng công nghệ. Vào năm 2001, Google Earth là một "tân binh" gây tò mò khi mới được ra mắt nhưng hiện nay, ứng dụng bản đồ này được ưa thích và sử dụng nhiều trên cả điện thoại thông minh nhằm giúp người dùng tìm đường khi đang đi xe hay đi bộ.

Tuy nhiên, điều gì cũng tồn tại yếu tố hai mặt. Thực tế, với Google Earth, người dùng có thể dễ dàng truy cập để tìm kiếm, tiếp cận và quan sát nhiều địa điểm và địa danh trên bản đồ một cách hoàn toàn miễn phí mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Thậm chí, với công cụ phóng to của ứng dụng, người ta còn có thể xem xét ở bất cứ khu vực nào trên thế giới.

Gần đây, các thành viên tham gia Google Earth Blog đã tiến hành xem xét và thảo luận về vụ nổ ở Thiên Tân, Trung Quốc hồi tuần trước. Khi tiếp cận vào khu vực này, đặc biệt là hình ảnh chi tiết đường phố từ Google, một lỗi liên kết bất thường luôn hiện ra khiến dữ liệu hình ảnh bản đồ và vệ tinh của Google Maps và Google Earth không trùng nhau. Trong khi mọi hình ảnh ở các địa điểm khác trên thế giới hay ở Hồng Kông đều hiển thị bình thường.

Hình ảnh bản đồ và vệ tinh hoàn toàn trùng khớp ở Hồng Kông nhưng lệch lạc phía Trung Quốc trong phiên bản Google Earth quốc tế

Nguyên nhân lý giải cho điều này có thể là do chính quyền Trung Quốc vẫn đang nỗ lực nhằm ngăn chặn "con mắt tò mò" của thế giới sau vụ nổ kinh hoàng ở Thiên Tân. Theo thông tin công bố, bản đồ ở khu vực nước này phải sử dụng hệ tọa độ GCJ-02 chứ không phải WGS-84 - Hệ tọa độ quốc tế được sử dụng cho toàn bộ các địa điểm khác trên toàn cầu.

Phiên bản Google Maps ở Trung Quốc thì hình ảnh bản đồ và vệ tinh trùng khớp còn của Hồng Kông lại sai lệch

Các quốc gia có quyền kiểm soát thông tin, ở đây là hình ảnh bản đồ đường phố bên trong biên giới của nước mình. Mặc dù Google đã hợp tác với AutoNavi - dịch vụ bản đồ di động phổ biến nhất tại Trung Quốc nhưng họ vẫn gặp khó khăn để tiếp cận những hình ảnh chân thực tại đất nước này.

Khi Internet đã bao phủ cuộc sống hàng ngày, chúng ta sẽ gặp tình huống như thế này thường xuyên hơn khi một công cụ toàn cầu nhưng vẫn bị ngăn chặn bởi luật pháp hiện hành ở mỗi quốc gia.

Theo Kiều Hương (NĐT)