Hai chị em tự tử vì bị nghi trộm điện thoại: Vì sao trẻ lại chọn cách minh oan mù quáng?

Chỉ vì muốn chứng minh mình không phải là thủ phạm trộm cắp, nhiều thiếu niên đã chọn cái chết để minh oan.

Những vụ trẻ em tự tử vì bị nghi ăn trộm

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chiều 9/5, Công an huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh thông tin, cơ quan này đang tiến hành xác minh vụ việc chị em bé T.T.T.Q (12 tuổi) và em trai là T.V.N (ngụ xã Ngãi Hùng) đã uống thuốc diệt cỏ vì bị nghi là kẻ trộm.

Cụ thể vào ngày 4/5, gia đình hàng xóm có tổ chức đám hỏi nên 2 chị em bé Q. sang chơi. Sau đó, gia đình này phát hiện bị mất điện thoại di động và nghi bé Q. và N. đã lấy. Mặc dù, cả 2 đều khẳng định là không thực hiện hành vi trên, nhưng vẫn bị gia đình hàng xóm cho rằng các bé là “thủ phạm”, thậm chí còn dọa báo công an.

Quá uất ức, Q. và N. đã nghĩ quẩn và tìm đến cái chết. Cách đó không lâu, gia đình tá hỏa phát hiện hai chị em Q. đã uống thuốc diệt cỏ nên nhanh chóng đưa đi cấp cứu.

Hai chị em Q và N còn may mắn vì đã được gia đình kịp thời phát hiện và đưa đi cấp cứu. Trước đó, đã xảy ra rất nhiều vụ việc tương tự và kết cục là cái chết đau lòng của nạn nhân.

Hồi tháng 9/2017, vụ việc 3 em học sinh tiểu học ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An ăn lá ngón khiến 1 em tử vong, 2 em nguy kịch đã gây sốc dư luận.

 Lá ngón

Lá ngón

Thông tin ban đầu, trưa 6/9, sau ngày học đầu tiên, mọi người phát hiện 3 học sinh lớp 3 gồm Xồng Bá Dìa, Xồng Bá Xồ, Xồng Bá Rê (cùng 8 tuổi, người dân tộc Mông) của điểm trường bản Thăm Hón (thuộc Trường tiểu học Na Ngoi 1) bất tỉnh, có dấu hiệu bị ngộ độc do ăn lá ngón.

Sau đó, mọi người đưa các em đi cấp cứu tại trạm xá của Đoàn kinh tế Quốc phòng 4. Do bị trúng độc nặng, em Xồng Bá Dìa tử vong sau đó khoảng 30 phút.

Nguyên nhân ban đầu dẫn đến sự việc 3 em ăn lá ngón là do các em sợ bố mẹ trách phạt vì bị nghi lấy đồ chơi trong trường mầm non gần đó. Chủ tịch UBND xã Na Ngoi Mùa Dua Thái cho biết sau ngày khai giảng các cô giáo trường mầm non phát hiện một số đồ chơi bị mất. Ngày đi học đầu tiên, khi được hỏi có ai lấy đồ chơi thì trả lại cho cô thì ba học sinh này đứng dậy nhận mình lấy. Có thể do các em sợ bố mẹ trách phạt nên rủ nhau ăn lá ngón.

Cách đây 6 năm, vào tháng 12/2012, em Nguyễn Thanh T., học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Bình Nhì 1, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang), đã uống thuốc trừ sâu tự tử. Bị nghi ngờ lấy 500 nghìn của một cô giáo trong trường, về nhà lại bị mẹ trách mắng, cô bé tiểu học đã vội vã tìm đến cái chết. T đã may mắn khi đã được gia đình phát hiện kịp thời và cứu sống.

Bức thư của Nguyễn Thị L. gửi thầy cô và bạn bè trước khi tìm đến cái chết
Bức thư của Nguyễn Thị L. gửi thầy cô và bạn bè trước khi tìm đến cái chết

Ngày 21/10/2012, cái chết của em Nguyễn Thị L. - lớp trưởng lớp 10A10, Trường THPT Tiền Phong (Mê Linh, Hà Nội) khiến gia đình và nhà trường bàng hoàng, đau đớn. Vì trót làm mất 500 nghìn quỹ lớp, sợ mọi người xì xào đổ oan cho mình lấy trộm, L đã uống thuốc trừ cỏ để quyên sinh. Gia đình phát hiện ra đưa em đến bệnh viện thì đã quá muộn, thuốc độc ngấm quá lâu vào cơ thể đã cướp đi sự sống của người học sinh vừa ngoan vừa giỏi.

Trong lá thư để lại cho thầy cô giáo, ngoài những lời tâm sự buồn vì phải xa thầy xa bạn, cô bé nói rằng mình buộc phải tìm đến cái chết để chứng minh sự trong sạch: “Em thật sự xin lỗi thầy vì đã sơ ý mà làm mất tiền của lớp. Em không biết ai đã lấy nữa nhưng cũng tại em thầy ạ! Bố em sẽ đền tiền giúp em, sẽ trả lại lớp 500.000 đồng mà em đánh mất. Em cảm ơn thầy đã tin tưởng em, cho em làm lớp trưởng. Những ngày qua em đã được sống và học tập với các bạn rất vui. Xa các bạn, em rất buồn nhưng buộc phải làm thế để chứng minh em trong sạch.”

Bị nghi trộm tiền: Tự trọng chứ đừng tự tử

Cái chết của các em khiến người lớn chúng ta phải suy nghĩ đến nguồn căn của hành động dại dột đó. Chỉ vì sự mắng mỏ, nhiếc móc của người lớn vô tình đã chạm vào sợi dây tự ái cao độ của trẻ nhỏ, khiến chúng cảm thấy không có lối thoát. Chúng phải dùng đến cái chết để minh oan sự trong sáng của mình, đó là một cái giá quá đắt.

Chuyên viên tâm lý Thủy Hương cho rằng những học sinh vội vã tìm đến cái chết khi bị nghi oan có thể nằm trong nhóm trẻ em quá nhạy cảm. Các nghiên cứu tâm lý cho thấy khoảng 15-20% trẻ em nhạy cảm quá so với các bạn còn lại. Một đứa trẻ được cho là quá nhạy cảm khi chúng quan trọng hóa vấn đề, cầu kỳ, kỹ tính, tâm trạng dễ lên xuống không ngừng…

Bởi bản tính như vậy, những đứa trẻ này dễ tự ái, mủi lòng, giận dỗi, mau nước mắt và xem việc bị phê bình là hết sức nghiêm trọng…

“Vấn đề khó khăn với các trẻ này là chúng không biết làm sao để đáp ứng với các tình huống bị bẽ mặt, làm nhục, hàm oan, trêu chọc và những lời bình luận mang tính chỉ trích, dù vô lý hoặc vô căn cứ… Thay vì cứ lờ đi và bỏ qua thì chúng lại cảm thấy đau đớn, tổn thương nặng nề, thậm chí hoảng loạn đến mức lập tức tìm đến cái chết.”

Chuyên gia tâm lý này cho rằng điều quan trọng nhất bố mẹ có thể làm cho đứa con quá nhạy cảm của mình là trước hết, chấp nhận tính tình tự nhiên rồi giúp con học hỏi cách thức để kiểm soát các phản ứng của bản thân.

Tìm đến cái chết để giải thoát là một thiệt thòi cho chính bản thân mỗi người, tự tước đi quyền được sống của chính mình, quyền mà mọi người trên thế giới này đều ao ước. Nhưng các em chết đi rồi, thì những người ở lại như cha mẹ các em còn đau đớn, day dứt cả đời không hết.

K.N (th)

Theo GiaDinh