Hàng giả, hàng nhái lấn át hàng thật diễn biến ngày càng phức tạp

Vấn nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái không chỉ có ngành bia, rượu, nước giải khát mà còn ở nhiều ngành nghề, thậm chí thuốc chữa bệnh, phụ tùng, linh kiện máy không có dấu hiệu giảm mà ngày càng phức tạp.

Hàng giả, hàng nhái gia tăng ở khắp các nhóm hàng

Theo chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội bia rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) Nguyễn Văn Việt, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng bia, rượu, nước giải khát ngày càng diễn ra phổ biến và có tính chất phức tạp hơn so với trước. Lý do hàng giả, hàng nhái lấn át hàng thật bởi giá trị thương phẩm thấp. Hàng giả, hàng nhái đối với các sản phẩm bia, rượu chủ yếu diễn ra ở các cơ sở nhỏ lẻ, xuất hiện ở khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi có điều kiện kinh tế còn thấp.

Nguyên liệu sản xuất bia rượu phần lớn có nguồn gốc nhập khẩu, giá thành tăng cao (từ 25-30%). Riêng đối với sản phẩm bia đóng thùng được phân làm 4 loại gồm: cao cấp (350.000-400.000 đồng/thùng), cận cao cấp (300-350.000 đồng/thùng); phổ thông (250.000-300.000 đồng/thùng) và bình dân (200.000-250.000 đồng/thùng). Tuy nhiên, hiện ngoài thị trường xuất hiện sản phẩm bia giá thành thấp, có giá thành chỉ dao động từ 110.000-120.000 đồng/thùng có bao bì, mẫu mã bắt mắt… Vậy, liệu có hiện tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái.

Không chỉ có ngành bia, rượu, nước giải khát, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng xâm nhập ở nhiều ngành nghề, thậm chí thuốc chữa bệnh, phụ tùng, linh kiện máy cũng bị làm giả.

hang-gia-hang-nhai-lan-at-hang-that-dien-bien-ngay-cang-phuc-tap

 Hàng giả, hàng nhái ngày càng gia tăng, thủ đoạn tinh vi. Ảnh: Quang Hùng

Bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng thư ký Hiệp hội dược Việt Nam cho rằng, trước yêu cầu mở cửa hội nhập của nền kinh tế, thủ tục nhập khẩu thuốc ngày càng cắt giảm, tăng nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu thâm nhập từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

Thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa giá trị lớn, trong khi khối lượng, thể tích nhỏ gọn, dễ vận chuyển, dễ che giấu để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Hoạt động sản xuất thuốc giả mang lại lợi nhuận cao, các cá nhân không có chuyên môn vẫn sản xuất thuốc giả dù không có nhà xưởng, không có dây chuyền sản xuất hiện đại. Cùng với đó, người tiêu dùng chưa có kiến thức để nhận biết thuốc giả.

Còn theo đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, năm 2023, hàng giả hàng nhái không có dấu hiệu giảm, trong đó có phụ tùng, linh kiện xe máy. Các sản phẩm phụ tùng, linh kiện xe máy giả phần lớn là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Hiện đang là thời điểm nhiều doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân vào cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024. Bước vào cao điểm mua sắm do nhu cầu tiêu dùng hàng đang hóa tăng cao nên đây cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái được đưa ra thị trường nhiều hơn. Mỹ phẩm, nước hoa, thực phẩm chức năng đến các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như gia vị, khăn giấy… đều có nguy cơ bị làm giả.

Cơ quan chức năng nhận định, các hành vi sản xuất, tiếp thị, mua bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, đa dạng về chủng loại và tinh vi về hình thức. Điều này đã và đang gây không ít khó khăn cho công tác thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thiệt hại cho cả doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng.

Mới đây, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và phát hiện hàng chục kg lê có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu lê Hàn Quốc. Các đối tượng thiết kế tem, mác trên sản phẩm giống với nhãn mác lê Hàn khiến người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn.

Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn được rao bán tràn lan trên môi trường trực tuyến. Việc các sàn thương mại điện tử không yêu cầu người bán công khai thông tin, công ty chuyển phát không phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc hàng hóa là những lỗ hổng trong công tác quản lý, vô tình tiếp tay cho các đối tượng xấu.

Tăng nặng chế tài xử lý đối với chủ thể vi phạm

Để chặn mối nguy mua hàng giả, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải sửa đổi, thống nhất các quy định, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, tăng nặng chế tài xử lý đối với chủ thể vi phạm.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giúp thu hút đầu tư và thúc đẩy đổi mới sáng tạo... Để tận dụng điều này, Việt Nam cần một hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả, sớm xây dựng khung pháp lý, thể chế phù hợp.

Bên cạnh đó, không chỉ có sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng mà còn cần sự chủ động phối hợp của doanh nghiệp và sự nhận diện, không thỏa hiệp từ người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Diệu Hà đề xuất, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các cơ quan quản lý nhà nước cần tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành đột xuất nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, tạo sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm. Đồng thời, phát huy vai trò đầu mối trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương.

Phối hợp với cơ quan truyền thông, các hiệp hội ngành nghề đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nâng cao vai trò chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ông Nguyễn Văn Việt đề xuất, các lực lượng chức năng cần tăng cường quản lý việc cấp phép kinh doanh mặt hàng bia, rượu, nước giải khát, đặc biệt chú trọng kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, cơ quan quản lý cần rà soát hoạt động cấp phép kinh doanh sản xuất kinh doanh bia, rượu, nước giải khát.

Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam mong muốn cơ quan quản lý nhà nước tổ chức các đợt ra quân kiểm soát thị trường xử lý nghiêm hàng giả, hàng nhái. Hoạt động này cần phải triển khai đột xuất, thường xuyên nhằm lập lại trật tự, cũng như nâng cao ý thức của các tổ chức, hộ kinh doanh.

Ngày 8/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ký ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Trong Kế hoạch này, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đặt ra mục tiêu tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chủ động, kịp thời kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển; hoạt động gian lận thương mại, trốn thuế; hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chủ động chỉ đạo tổ chức lực lượng, phương tiện, có giải pháp phù hợp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách.

Theo VietQ