Hiểm họa sức khoẻ rình rập đằng sau những miếng dán

Những miếng dán vô cùng tiện lợi và được nhiều người tin dùng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nếu lạm dụng.

Miếng dán thải độc, miếng dán giữ nhiệt, miếng dán chống say tàu xe, miếng dán kích mí, miếng dán làm trắng răng, miếng dán môi là những ‘bảo bối’ được rất nhiều người tin dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà chúng mang lại, những miếng dán này cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

1. Miếng dán thải độc

Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện những miếng dán ‘giúp giải độc cơ thể, chữa được hầu hết cácbệnh như tiểu đường, tai biến mạch máu não, đau khớp, phòng ngừa ung thư…’ Theo quảng cáo, người sử dụng không cần uống hay tiêm bất kì loại thuốc nào, chỉ cần dán miếng dán vào lòng bàn chân, chất độc trong cơ thể sẽ được hút hết ra ngoài.

Hiểm họa sức khoẻ rình rập đằng sau những miếng dán

Miếng dán thải độc được nhiều người sử dụng

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lòng bàn chân là nơi tập trung nhiều dây thần kinh, y học cổ truyền chỉ thường sử dụng các phương pháp day ấn, xoa bóp, ấn huyệt… để chữa bệnh chứ chưa có bằng chứng nào cho thấy chất độc có thể đi ra ngoài từ lòng bàn chân. Việc miếng dán đổi màu đen, tím có thể là do một số thành phần có trong miếng dán kết hợp với mồ hôi tạo thành. Đã có trường hợp một số bệnh nhân bị dị ứng miếng dán, thậm chí bệnh trở nặng do không uống thuốc điều trị mà chỉ dùng miếng dán.

2. Miếng dán giữ nhiệt

Miếng dán giữ nhiệt có thành phần là bột sắt, clorua kali, than hoạt tính, muối, nước… Tùy vào tỷ lệ các chất, phản ứng hóa học sẽ sản sinh nhiệt lượng với mức độ khác nhau. Nếu không sử dụng đúng cách, miếng dán nhiệt hoàn toàn có khả năng gây bỏng cho người sử dụng.

Các chuyên gia khuyến cáo người dùng nên đọc kĩ hướng dẫn sử dụng, không nên dán miếng dán nhiệt ở một chỗ quá lâu, không dán trực tiếp lên da và chỉ nên sử dụng khi nhiệt độ xuống quá thấp.

Hiểm họa sức khoẻ rình rập đằng sau những miếng dán

Miếng dán giữ nhiệt được sử dụng nhiều khi trời lạnh

3. Miếng dán chống say xe

Miếng dán chống say xe không an toàn như nhiều người lầm tưởng. Khi dán lên da, thành phần scopolamin giúp giảm triệu chứng say tàu xe có trong miếng dán sẽ thấm qua da và đi vào máu. Do đó, miếng dán chống say xe cũng là một loại thuốc và có một số tác dụng phụ giống các loại thuốc uống như làm khô miệng, nhức đầu, hoa mắt… Sử dụng nhiều miếng dán cùng lúc còn khiến scopolamin thẩm thấu vào máu với liều lượng cao, gây ngộ độc.

Để hạn chế các tác động tiêu cực của miếng dán chống say xe đến sức khỏe, người sử dụng nên đọc kĩ và làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi bóc miếng dán phải rửa tay thật kĩ để tránh dính thuốc vào tay, vào đồ ăn. Ngưng sử dụng khi có dấu hiệu bất thường.

Hiểm họa sức khoẻ rình rập đằng sau những miếng dán

Miếng dán chống say xe thường xuyên bị lạm dụng

4. Miếng dán làm trắng răng

Miếng dán làm trắng răng chứa hoạt chất làm trắng hydrogen peroxide giúp loại bỏ các mảng bám, ngăn hình thành cao răng. Người sử dụng chỉ việc dán trực tiếp vào răng khoảng 30 phút mỗi ngày và sau 14-20 ngày sẽ có hàm răng trắng sáng. Tuy nhiên, các nha sĩ luôn khuyến cáo các khách hàng nên cẩn thận khi sử dụng sản phẩm này.

Hiểm họa sức khoẻ rình rập đằng sau những miếng dán

Các nha sĩ luôn khuyến cáo nên cẩn thận khi sử dụng miếng dán làm trắng răng 

Thứ nhất, nhiều hãng sử dụng nồng độ cao hydrogen peroxide trong miếng dán để đẩy nhanh quá trình làm trắng, thỏa mãn tâm lý của khách hàng. Điều này có thể khiến răng và nướu bị tẩy quá mạnh dẫn đến tổn thương. Thứ hai, nếu không cẩn thận, chất hóa học trong miếng dán có thể dính vào lợi, nướu, môi… gây lở loét, hoại tử.

5. Miếng dán kích mí

Vùng da quanh mắt rất mỏng và nhạy cảm. Khi sử dụng miếng dán kích mí, các hóa chất trong keo dán, miếng dán rất dễ gây dị ứng cho mi mắt, thậm chí gây phù nề. Trong quá trình sử dụng, các hóa chất này có thể vô tình xâm nhập vào mắt, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt như viêm mắt, viêm giác mạc. Bên cạnh đó, việc sử dụng miếng dán mí thường xuyên còn khiến vùng da quanh mắt liên tục bị tác động. Điều này dẫn đến hiện tượng mi mắt bị sụp, nhăn nheo và nhanh bị lão hóa.

Để đảm bảo an toàn, nên tránh sử dụng miếng dán kích mí thường xuyên. Không sử dụng khi đang điều trị các bệnh về mắt. Khi sử dụng nếu thấy đau, khó chịu phải gỡ miếng dán ra ngay.

Hiểm họa sức khoẻ rình rập đằng sau những miếng dán

Miếng dán kích mí rất gần gũi với các chị em

6. Miếng dán môi

Theo các bác sĩ, nhiều loại miếng dán môi hiện đang bán trên thị trường được làm từ mực tàu, mực xăm rẻ tiền, chứa nhiều hóa chất và kim loại nặng như chì, thủy ngân… Những miếng dán phản quang thường làm từ mực UV có chứa axit hyaluronic.

Môi vốn là vùng da nhạy cảm, khi tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất này rất dễ bị dị ứng, thậm chí là sốc phản vệ. Chưa kể, chì, thủy ngân, axit hyaluronic… có thể đi vào cơ thể qua đường tiêu hóa gây ngộ độc cấp. Sử dụng lâu có thể dẫn đến ngộ độc mạn tính, gây hại đến các cơ quan nội tạng và ảnh hưởng tới tính mạng.

Miếng dán môi sẽ giúp bạn khác biệt

Theo Hà Vân (SKĐS)