Hoa hậu à, sao em chưa đi từ thiện ?

Trên facebook của một nhà báo vừa đề cập đến một câu chuyện nhận được sự đồng tình của khá đông bạn đọc, đại thể anh cho rằng Tân Hoa hậu thay vì tung ra những bộ hình đẹp, nên dành thời gian đi từ thiện.

Thực ra từ thiện và Hoa hậu thường đi sát kìn kịt với nhau. Dường như bất cứ Hoa hậu nào sau khi đăng quang, trước sau gì cũng phải tổ chức một vài chuyến đi từ thiện.

Đã trở thành một “bộ nhận diện thương hiệu”, Hoa hậu hoặc là thướt tha áo dài, hoặc là lộng lẫy xiêm y và nhất thiết phải là long lanh vương miện ôm khít vùng đầu.

Phổ biến nhất vẫn là đến với trẻ em, người già. Vì sao ấy à? Trẻ em với hồn nhiên trong trắng, dễ tạo ra hình ảnh tự nhiên, hòa đồng, dễ kết nối cảm thông với người đọc, còn người già thì tạo ra những trở trăn tình cảm, xót thương thân phận. Hoa hậu thường tìm thấy những phận người đau khổ ấy ở các trung tâm bảo trợ xã hội, ở các nhà dưỡng lão….

hoa hậu đi từ thiện
Hoa hậu Mai Phương Thúy được coi là người xây dựng hình ảnh tốt về một hoa hậu năng nổ làm từ thiện. Ảnh: tư liệu  

Mới đây nhất, tân Hoa hậu Kỳ Duyên sau khi đăng quang đã trở về Đại học Ngoại thương, nơi cô đang học năm thứ nhất để làm từ thiện, cụ thể đó là tặng quà cho các sinh viên nghèo vượt khó. Tiện thể, tân Hoa hậu phô diễn hình thể qua một màn múa.

Thế cũng là từ thiện còn gì. Suy cho cùng, mọi hoạt động mang ý nghĩa sẻ chia cái mình dư dật cho những người, những nhóm người không dư dật hoặc tận cùng khốn khó đều đáng trọng như nhau.

Trước Kỳ Duyên, Hoa hậu Mai Phương Thúy cũng đã có thời được coi là một điểm sáng về Hoa hậu chăm chỉ làm từ thiện. Dĩ nhiên là trước thời điểm cô chăm chỉ chụp hình với những hững hờ xiêm áo và gợi cảm hình thể…khiến cho từ cộng đồng đông đảo cho đến nhà quản lý cũng được một phen hùng hổ tranh cãi xem là phản cảm hay không phản cảm.

Từ thiện được Hoa hậu làm thường xuyên hệt như một quy trình cứng được lập trình. Việc đó đáng hoan nghênh không? Đương nhiên không phải trở trăn tranh cãi, đó là việc rất đáng làm. Hoa hậu là đại diện cho nhan sắc (dù có người vẫn sống chết cho rằng Hoa hậu phải đại diện cho cả trí tuệ nữa), khi người ta đã có nhan sắc lại là người của công chúng, việc họ làm ngoài xây dựng hình tượng cá nhân còn có khả năng tác động đến công chúng.

Tuy nhiên, làm từ thiện có dễ gì đâu. Nếu thực tâm việc đó là hành động tự thân, xuất phát từ tấm lòng nhân ái thì hẳn là một nghĩa khác, nếu chỉ đơn thuần là một động thái phô diễn trước ống kính và bao ánh mắt lạ lẫm, Hoa hậu chắc cũng phải gồng mình lên mà diễn chứ chẳng chơi.

Lại nhớ, cách đây mấy năm có lần tôi xem bức ảnh về một Hoa hậu ở một hạng mục liên quan gì đến biển, trong ảnh cô Hoa hậu đang bón cơm cho một cậu bé miền núi.

Nhìn cử chỉ động tác chẳng khác nào mẹ chăm con, chị chăm em…thật vô vàn cảm động. Nhưng ôi thôi, trông kỹ lại thì mới thấy cái thìa của cô Hoa hậu…gì đó xúc cơm nó đầy ú ụ, đã thế cô còn tấp thêm vào đó một miếng thịt cũng ngạo nghễ không kém, báo hại khẩu hình của cậu bé phải căng ra hết cỡ, mắt cậu trợn ngược lên để dung nạp thìa cơm kia.

Đấy, từ thiện đôi khi cứ hành động như một cỗ máy được lập trình…cũng tiềm ẩn rủi ro chứ chẳng chơi.

Thành ra, người viết cho rằng từ thiện trước hay sau khi tô vẽ hình thức cá nhân không quan trọng, quan trọng là người thực hiện việc ấy cảm thấy có sự thực tâm và tự nhiên nhất.  

Theo HỒ VIẾT THỊNH (PLO)