Kiểm soát chặt chẽ tình trạng nhập lậu lợn qua các tỉnh phía Nam

Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN), việc buông lỏng quản lý khiến cho tình trạng nhập lậu lợn gia tăng gây ra những nguy cơ rất lớn cho ngành chăn nuôi của Việt Nam.

Mới đây, tại Hội nghị ngăn chặn, phát hiện và xử lý buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đã khẩn thiết kêu cứu: "Người chăn nuôi đã liên tục thua lỗ, bán cả nhà, cả đất, sắp tới còn phải bỏ cả nghề vì không cạnh tranh nổi với thịt nhập khẩu và nhập lậu trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ giảm sút. Các địa phương không thể ngó lơ không biết, chỉ cần kiểm soát chặt những trại gần biên giới, theo dõi diễn biến tăng đàn, tăng lượng giết mổ bất thường là nắm được ngay".

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh cũng thừa nhận, thực tế đúng như báo chí và các Hiệp hội phản ánh. Đúng là có những đường dây buôn lậu lợn sống rất lớn. Khi chưa có "động" thì di chuyển theo biên giới tỉnh Bình Phước, nhưng bây giờ đã chuyển hướng sang tỉnh Tây Ninh. Chúng tôi đã theo dõi và xác định vị trí tiêu thụ cuối là lò mổ ở Bình Dương, lô hàng này có 8.000 con heo được chuyển từ Thái Lan về đến cửa khẩu Tây Ninh sau đó đưa về Bình Dương giết mổ.

Bất chấp lời kêu cứu của các doanh nghiệp và Hiệp hội Chăn nuôi, nhiều địa phương có đường biên giới với Campuchia và Lào khẳng định không có chuyện lợn lậu nhập về hàng chục ngàn con mỗi đêm, thậm chí chưa ghi nhận tình trạng lợn nhập lậu.

Chỉ đến khi Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị ngăn chặn, phát hiện và xử lý buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam, trong đó nêu rõ hiện trạng xe lợn lậu "chạy rình rình như chiến dịch" thì nhiều địa phương mới tăng cường tuần tra kiểm soát.

kiem-soat-chat-che-tinh-trang-nhap-lau-lon-qua-cac-tinh-phia-nam

Tình trạng nhập lậu lợn gia tăng, phức tạp tại các tỉnh phía Nam đòi hỏi phải kiểm soát và quản lý chặt chẽ. Ảnh: Tuổi Trẻ

Không giống như các hàng hóa khác có thể giấu giếm, ngụy trang, lợn buôn lậu chở bằng xe tải, mỗi chuyến hàng trăm con. Chưa kể lúc cân và vận chuyển lợn cần khu vực tập kết, lợn phát ra tiếng kêu inh ỏi không dễ gì giấu. Suốt thời gian dài nhiều công ty cho người đi ghi hình các điểm tập kết lợn buôn lậu, cảnh hàng đoàn xe lậu từ Campuchia, Lào vào Việt Nam nhưng các phản ánh hay kêu cứu cứ như rơi vào hư không.

Về vấn đề này, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, tình trạng nhập lậu lợn tại các tỉnh phía Nam diễn ra rầm rộ nên phải có giải pháp ngăn chặn một cách quyết liệt hơn nữa, nếu các tỉnh làm mạnh tay chắc chắn tình trạng buôn lậu lợn, bò qua biên giới sẽ giảm mạnh.

"Các năm trước chúng ta đã xử lý hình sự nhiều đối tượng trong đường dây nhập lậu gia súc, sắp tới chúng ta phải tăng mạnh xử lý hình sự những trường hợp này để tăng tính răn đe. Thời gian tới, Bộ sẽ làm việc với ngành công an để thực hiện những chiến dịch truy quét mạnh tay", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú cho rằng, các lực lượng như biên phòng đóng vai trò lớn trong việc chống nhập lậu gia súc. Các tỉnh biên giới cần xem lại việc quản lý ngành chăn nuôi, cần lập hồ sơ và kiểm soát tốt số lượng gia súc ở vùng giáp ranh để dễ phát hiện khi lợn nhập lậu trà trộn vào lợn được nuôi trong nước.

"Xe chở lợn là xe to như thế, lợn kêu inh ỏi sao biên phòng không nắm được. Tất cả cùng đồng lòng thì gia súc không thể nhập lậu dễ dàng như thế", ông Nguyễn Văn Long khẳng định.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thông tin thêm, đợt dịch tả châu Phi mất hơn 6 triệu con lợn, cúm gia cầm tiêu hủy hơn 60 triệu con gia cầm... Dịch bệnh, gia súc nhập lậu ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, môi trường đầu tư, đặc biệt ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Bao công sức mời gọi đầu tư vào chăn nuôi, giờ để nhập lậu, dịch bệnh bùng phát coi như đổ sông đổ biển. Quy định có rồi, vấn đề là khâu tổ chức thực hiện, các địa phương, chức năng như thế nào. Chúng ta phải xem chống lợn nhập lậu như là nhiệm vụ chính trị.

Ngoài ra, việc buông lỏng này gây ra những nguy cơ rất lớn cho ngành chăn nuôi của Việt Nam, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng khi dịch bệnh và chất lượng thịt lợn không được kiểm soát. Một khi dịch bệnh còn hoành hành, ngành chăn nuôi không thể phát triển quy mô lớn, giảm giá thành và vươn ra xuất khẩu như kỳ vọng được.

Và quả thực do kiểm soát dịch bệnh thiếu hiệu quả mà nhiều năm qua ngành xuất khẩu thịt của Việt Nam cứ loay hoay không tìm thấy lối ra. Một dự án làm gà xuất khẩu đi Nhật gần chục năm qua cũng chỉ loanh quanh xuất khẩu vài ngàn tấn mỗi năm vì rất khó mở rộng vùng nuôi không dịch bệnh. Một dự án chăn nuôi, chế biến xuất khẩu quy mô lớn tại tỉnh Bình Phước sau ba năm nhưng lượng xuất khẩu hầu như không có, sản phẩm làm ra lại phải quay về bán ở thị trường nội địa, không đúng với định hướng đầu tư và cấp phép ban đầu.

Hay như ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ nói thẳng, các nước rất gắt trong kiểm soát thịt nhập vào nhưng ngược lại Việt Nam đang buông lỏng.

Nhiều quốc gia đâu có cho nhập khẩu nội tạng động vật để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước, còn Việt Nam cho nhập thoải mái. Nội tạng, thịt hết hạn giá rẻ tràn ngập thị trường, khai là nhập về làm thức ăn chăn nuôi hay phân bón nhưng lại đưa ra cho người ăn. Mỗi năm nhập hàng trăm ngàn tấn nhưng hầu như không có biện pháp kiểm soát, xử lý. Bữa ăn trở nên bất ổn với miếng thịt không được kiểm soát. Dịch bệnh từ đó mà ra, bệnh tật cũng từ đó mà ra. Kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Y tế thế giới WTO năm 2007 đến nay cũng là giai đoạn mà thịt nhập khẩu về Việt Nam ngày càng nhiều.

Dù rằng hội nhập là phải cạnh tranh, nhưng người nông dân và doanh nghiệp chăn nuôi cũng cần có một chính sách công bằng và rõ ràng từ các cơ quan chức năng, ngăn chặn những mối nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài, kiểm soát chặt chất lượng hàng nhập khẩu để đảm bảo cạnh tranh sòng phẳng. Và người tiêu dùng cũng có quyền đòi hỏi cơ quan chức năng kiểm soát các nguồn thực phẩm nhập khẩu đảm bảo an toàn cho bữa ăn hằng ngày và sức khỏe của họ.

Muốn như vậy, việc kiểm soát nhập lậu phải được siết chặt, trách nhiệm của các địa phương là điểm nóng trong buôn lậu lợn phải được đưa ra. Không thể để chuyện con lợn chui lọt qua lỗ kim mãi mà không biết.

Trước tình trạng này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, vai trò của ngành chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp rất quan trọng. Chính phủ cũng như các doanh nghiệp, các hộ nông dân đã đầu tư cho ngành chăn nuôi rất lớn, thường xuyên là trụ cột quan trọng để duy trì đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Nhưng hiện nay tình hình buông lỏng nhập khẩu thịt đông lạnh, bỏ ngỏ để thịt sống nhập qua biên giới đe dọa đến ngành chăn nuôi nội địa là không thể chấp nhận được.

Nếu tất cả các tỉnh thực hiện nghiêm túc thì chắc chắn sẽ giảm bớt tình trạng nhập lậu. Bộ sẽ tiếp tục có báo cáo Thủ tướng tình hình buôn lậu diễn biến rất phức tạp, kiến nghị Thủ tướng có biện pháp kỷ luật những nơi buông lỏng để xảy ra buôn lậu. Về phía Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục có các cuộc họp tiếp theo với từng địa phương để có các giải pháp cụ thể kiểm soát chặt việc nhập lậu gia súc. Các địa phương cần xem đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, Bộ sẽ chỉ đạo liên tục để tạo được sự ổn định hướng đến phát triển bền vững.

Theo VietQ