Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên - "Iron girl" SEA Game 28

Tại SEA Game 28, Nguyễn Thị Ánh Viên đang thể hiện sự tiến bộ từng ngày và người hâm mộ kỳ vọng cô gái Cần Thơ này sẽ giúp thể thao Việt Nam chinh phục được các đấu trường châu lục & thế giới trong tương lai không xa.

Những ngày qua, dư luận chú tâm đến Nguyễn Thị Ánh Viên và những chiến tích phi thường mà cô gái sinh năm 1996 đang lập nên ở kì SEA Games 28. Đăng kí  tham gia 11 nội dung môn bơi lội, phá liên tiếp 5 kỷ lục khu vực sau 2 ngày thi đấu, Ánh Viên thực sự trở thành nhân vật đặc biệt. Và dù không “gặt” vàng ở ngày thi đấu hôm qua (8/6), sự quan tâm dành cho cô không hề suy giảm.

Ánh Viên đang là người giàu nhất giới VĐV bơi Việt Nam.

Nếu chỉ căn cứ vào 4 tấm huy chương vàng cùng những kỷ lục SEA Games mà Ánh Viên giành được trong 2 ngày thi đấu đầu tiên của môn bơi lội, hẳn những người hâm mộ “cô gái thép” (theo cách gọi của tờ The New Paper của Singapore) cảm thấy lo lắng. Lý do: Trước ngày khai hội, Ánh Viên đã đăng ký cả 19 nội dung thi đấu bơi lội dành cho các vận động viên và có dư luận cho rằng, cô sẽ bị quá tải.

Nhưng sau khi chỉ giành 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng trong ngày thi đấu hôm qua (8.6), Ánh Viên lý giải nguyên nhân không có “vàng” rất đơn giản: “Đây không phải các nội dung sở trường của tôi và việc chưa thể giành thêm huy chương vàng cũng là bình thường”.

Được hỏi về việc bị huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn “mắng” sau khi lập kỷ lục SEA Games ở nội dung 200m ngửa nữ, Ánh Viên cho biết: “Khi thi đấu, tôi luôn tâm niệm lời dặn của thầy Đặng Anh Tuấn là nỗ lực hết sức và vượt qua chính mình. Đối thủ của tôi không phải những kình ngư cùng tranh tài mà là chính bản thân tôi nên tự vượt qua thành tích cao nhất từng có được mới gọi là thành công”.

Với rất nhiều sự khen ngợi, thậm chí là tung hô hơi... quá đà về tài năng ở “ao làng” SEA Games mà truyền thông dành cho mình, Ánh Viên tâm sự rất thẳng thắn mà cũng vô cùng hài hước: “Nếu ai gọi tôi là “dị nhân” thì có lẽ là do tôi... xấu quá chăng? (cười).

Thực tế, tôi làm gì có sải tay dài 1,98m, gần bằng huyền thoại bơi lội Michael Phelps (Mỹ). Tôi cao có 1,72m và sải tay chỉ khoảng 1,78m thôi. Xin người hâm mộ đừng thần thánh hoá tôi quá”.  

Được biết qua gần 4 năm, tổng mức đầu tư cho Viên lên tới 7 tỷ đồng.

Khi mới 15 tuổi, kình ngư người Cần Thơ đã đoạt 1 HCB, 1 HCĐ ở kỳ SEA Games đầu tiên, nhưng để đáp ứng điều kiện "du học" tại Mỹ, nhất là kinh phí không dưới 100.000 USD mỗi năm, là vấn đề không đơn giản.

Số tiền tương ứng 2 tỷ đồng thậm chí còn hơn cả tổng kinh phí môn bơi được cấp mỗi năm. May mắn, khi ban huấn luyện vừa đề xuất, lãnh đạo đã đồng ý ngay với phương án đôi bên cùng hợp sức, ngành thể thao chi 60.000 USD, còn đơn vị chủ quản quân đội chi 40.000 USD.

Không giành huy chương vàng trong ngày thi đấu 8/6 tại SEA Game 28, Ánh Viên coi đó là chuyện bình thường

Viên thực hiện quy trình ăn và tập được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn Mỹ với mô hình của Michael Phelps.

Để có sức đột phá, Viên phải tập thể lực. Khắc nghiệt nhất chính là bài tập bơi ngược dòng. Theo đó, trên một đường bơi chuyên dụng có máy đẩy nước với tốc độ cực mạnh, tài năng trẻ Cần Thơ phải cố gắng bơi ngược cho bằng được. Viên nhiều lần bị dòng nước hất đập đầu đau đến chảy nước mắt.

Đối với Viên, ăn là một nhiệm vụ và cách tập. Chuyện về bữa ăn với một cân thịt bò, 50 con tôm, một đĩa mỳ to, một đĩa rau trộn, một lít sữa tươi cũng chỉ là một phần trong thực đơn khổng lồ và phức tạp.

Đó là bữa chính trong ngày mà có đến nửa năm, Viên "vừa ăn vừa khóc", phải ăn lại nghỉ rồi nghỉ lại ăn mất gần 2 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, cô còn dùng 3 bữa phụ, có khi đang tập nhà bếp lại gọi Viên lên bờ để phục vụ bữa ăn đặc biệt là một nhúm thức ăn cùng thực phẩm thuốc chuyên biệt đắng đến mức chỉ ăn bằng cách… nuốt thẳng.

Riêng việc luyện kỹ thuật bơi với Viên cũng vô cùng kỳ công, với những bài tập tưởng như đơn giản mà siêu khó. Với một chiếc cốc đầy nước đặt trên trán, Viên phải bơi ngửa làm sao để nó không đổ.

PV (NTD)